Ngành Dầu khí khẳng định vị thế trong phát triển KHCN

Ngành Dầu khí khẳng định vị thế trong phát triển KHCN
Với hai cụm công trình được Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công Nghệ đợt 5, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tiếp tục khẳng định những bước tiến vượt bậc trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ (KHCN). PVN đã đạt nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực của ngành Dầu khí, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.

Giàn khoan “made in” Việt Nam

Trước khi Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03 - công trình cơ khí trọng điểm quốc gia đầu tiên “made in” Việt Nam ra đời, các đơn vị dầu khí trong nước đã phải chi một khoản lớn để mua 06 giàn khoan tự nâng từ nước ngoài. Với nhu cầu thăm dò và khai thác dầu khí trong tương lai, nếu không tự chế tạo giàn khoan mà tiếp tục phải mua hoặc thuê từ nước ngoài thì Việt Nam sẽ phải tiếp tục bỏ ra một lượng lớn ngoại tệ khác. Từ thực tế đó, năm 2009 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đưa ra một quyết định mang tính chất đột phá, táo bạo và chiến lược là tự đầu tư đóng mới giàn khoan tự nâng phục vụ khai thác dầu khí trên vùng biển Việt Nam.  

Dự án “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” nhanh chóng được đưa vào thực hiện, với mục đích phục vụ thực tiễn cho công tác chế tạo Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03 do Công ty Cổ phần Chế tạo giàn khoan PV Shipyard làm tổng thầu EPC.

Các kết quả nghiên cứu thiết kế chi tiết của Dự án này đã trở thành cơ sở để triển khai 13.000 bản vẽ, tài liệu thiết kế phục vụ thi công, làm đầu bài kĩ thuật cho 159 gói mua sắm vật tư thiết bị, dịch vụ cho dự án Tam Đảo 03. Song song đó, kết quả nghiên cứu qui trình thi công cũng đã góp phần hoàn thành khối lượng thi công khổng lồ của giàn Tam Đảo 03 (12.000 tấn) trước thời hạn 02 tháng. Công trình được cơ quan Đăng kiểm Hàng hải Hoa Kỳ (ABS) cấp chứng chỉ về chất lượng và được Chủ đầu tư - Liên doanh Vietsovpetro đưa vào sử dụng, khai thác ổn định từ tháng 06/2012 đến nay.

Dự án KHCN này đã trở thành “bệ phóng” đầu tiên đưa Việt Nam trở thành 1 trong 10 quốc gia trên thế giới làm chủ được công nghệ chế tạo giàn khoan tự nâng, từ đó đặt nền móng khai tạo ra ngành công nghiệp đóng mới giàn khoan tại Việt Nam. Công trình nghiên cứu cũng đã giúp PV Shipyard có thể chủ động sản xuất các sản phẩm tiếp theo như giàn khoan tự nâng ở độ sâu 120m nước (Tam Đảo 05) với khối lượng kết cấu, thiết bị hơn 18.000 tấn, đáp ứng yêu cầu thăm dò, khai thác của Ngành Dầu khí Việt Nam, mang lại hiệu quả cao cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, kết quả của công trình còn khẳng định năng lực tự chủ về khoa học, công nghệ của Ngành Dầu khí Việt Nam trong thời kỳ vươn ra biển khai thác thế mạnh và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Vận chuyển dầu nhiều paraffin

Cụm công trình thứ hai của ngành Dầu khí được Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN đợt 5 là “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa”.

Ngành Dầu khí khẳng định vị thế trong phát triển KHCN ảnh 1

Công trình đã phát triển và hoàn thiện tổ hợp công nghệ thu gom, xử lý và vận chuyển dầu thô nhiều paraffin, phù hợp với từng giai đoạn cụ thể của khai thác mỏ và điều kiện lịch sử của đất nước. Quan trọng hơn, công nghệ này góp phần làm phong phú thêm công nghệ vận chuyển dầu trên thế giới. Đó là vận chuyển hỗn hợp dầu khí ở nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ đông đặc, vận chuyển dầu bão hòa khí, vận chuyển dầu pha loãng condensate, sử dụng địa nhiệt, bơm nước bổ sung tẩy rửa lớp lắng đọng parafin.

Thành công này không chỉ làm giảm chi phí trực tiếp khai thác các mỏ dầu khí mà còn mang lại những ưu điểm nổi bật vượt trội như rút ngắn thời gian đưa các khu vực mới của mỏ vào khai thác, giảm chi phí xây dựng và vận hành khai thác thấp, tận dụng được các giếng khoan thăm dò để đưa vào khai thác.

Trên cơ sở các kết quả thành công của công nghệ xử lý và vận chuyển dầu mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng đã cho phép Vietsovpetro mở rộng, phát triển và đưa vào khai thác thành công các mỏ nhỏ, cận biên thuộc Lô 09-1như Nam Rồng, Gấu Trắng và Thỏ Trắng. Ngoài 5 mỏ đã phát hiện và đưa vào khai thác, kết quả nghiên cứu tài liệu địa chất và địa vật lý cho thấy Lô 09-1 còn có những khu vực tiềm năng khác với tổng trữ lượng dầu thu hồi có thể trên 10 triệu tấn. Dự kiến, nếu khoan thăm dò thành công, các mỏ nhỏ này cũng sẽ được kết nối vào hệ thống công nghệ của mỏ Bạch Hổ hoặc mỏ Rồng. Như vậy, giải pháp kết nối mỏ nhỏ đã áp dụng sẽ còn mang lại hiệu quả kinh tế trong tương lai.

Tính đến hết năm 2014, hiệu quả kinh tế trực tiếp của cụm công trình nghiên cứu trên đã lên đến 779,7 triệu USD và vẫn tiếp tục tăng dần theo từng năm. Đặc biệt,công trình này đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước khai thác và xuất khẩu dầu thô trên thế giới, đưa ngành Dầu khí từng bước có những đóng góp to lớn, quan trọng cho nền kinh tế đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Với 02 trong 09 cụm công trình nghiên cứu đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN đợt 5, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) một lần nữa đã khẳng định những bước tiến vượt bậc trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN; từ đó đã đạt được những thành tựu đáng kể trên mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh của ngành Dầu khí, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.

MỚI - NÓNG