Tận thấy Núi Pháo cùng đoàn chuyên gia cấp cao APEC

Các chuyên gia cấp cao APEC tại Mỏ.
Các chuyên gia cấp cao APEC tại Mỏ.
TP - Hơn 90 km đường với gần 2 giờ xe chạy, đoàn chuyên gia đặc trách cấp cao của APEC đã có mặt tại Mỏ Núi Pháo (Thái Nguyên), nơi được thế giới biết đến là đang nắm giữ 36% nguồn tài nguyên vonfram toàn cầu. Mở ra trước mắt là một vùng mỏ rộng mênh mang quy hoạch bài bản. Đặc biệt, tại đây, dù mới đi vào khai thác vài năm nhưng công ty khai thác mỏ đã cho trồng luôn những lớp cây xanh ngút ngàn nhằm đảm bảo hệ sinh thái vùng bền vững.

Trong chương trình nghị sự của Hội nghị giữa các bộ trưởng phụ trách ngành khai khoáng của các nước APEC (nằm trong khuôn khổ của Hội nghị APEC diễn ra vào tháng 5/2017 tại Việt Nam_ có một nội dung bàn về đóng cửa mỏ (mine closure) và đối thoại Công tư trong lĩnh vực khai khoáng (Public - Private dialogue) với các thành phần: đại diện các tổ chức tài chính quốc tế như WB, IFC, các doanh nghiệp khai khoáng, đại diện các bộ phụ trách năng lượng của các nước từ 21 quốc gia thuộc APEC; Đại diện phòng Công Nghiệp nặng - Bộ Công Thương làm phó chủ tịch hội nghị.

Mục sở thị mỏ quý Vonfram

Mỏ Núi Pháo do Công ty CP Tài nguyên Masan (Masan Resources- MSR) làm chủ đầu tư, được đề xuất là điểm đến tham quan và học hỏi của các thành viên của Hội nghị như một minh chứng về thực hành khai thác mỏ bền vững tại Việt Nam. Nhiều người hiểu là đóng cửa mỏ chỉ xảy ra khi kết thúc hoạt động khai thác. Tuy nhiên, theo quan điểm bền vững, đây là hoạt động phải bắt đầu từ giai đoạn chuẩn bị và thực hiện trong suốt quá trình hoạt động. Do vậy, mặc dù là một mỏ khai khoáng mới đi vào hoạt động, với thời gian khai thác còn ít nhất16 năm nữa nhưng công ty Masan Tài nguyên đã sẵn lòng đón các chuyên gia trong giới mỏ tới “mục sở thị”.

Không bụi, không tiếng ồn…mỏ được quy hoạch rất bài bản với  từng khu vực đều cách xa nhau hàng km, đó là cảm giác đầu tiên của những ai ngồi trên chiếc xe đang lướt một vòng quanh khu mỏ.  Cả khu vực rộng lớn gần 600 ha đã có hàng rào bảo vệ. Chạy xe thêm 1 km từ tổng hành dinh là các toà nhà contennơ được lắp ghép rất chuyên nghiệp, thì đến khu vực moong khai thác.

Theo tay chỉ của ông Craig Bradshaw, Tổng Giám đốc Công ty Núi Pháo - công ty thuộc Masan Resource, người ta nhìn thấy khu vực khai thác có hình dạng địa chất với những lớp lang đất đá đã được đào lên theo hình dạng xoáy trôn ốc đi kèm những con đường ngoằn ngoèo uốn lượn. “Hoạt động ở đây bất kể máy móc nào cũng phải tuân thủ hướng dẫn an toàn, hoạt động thường xuyên và có kiểm tra chất lượng. Việc khai thác thuận lợi vào mùa khô hơn”, ông này nói. Nhìn xuống lòng mỏ lộ thiên đang mở “hoác” ra như một chiếc hồ mặc áo trắng chưa có nước, các chuyên gia có mặt cùng đều trầm trồ trước sự hoành tráng này. Lạ là khi nhìn xuống dù mỏ đang hoạt động, không hề thấy bụi, hay ồn.

Kế tới đó, cả đoàn được dẫn tới khu vực sàng tuyển cách xa một quãng chạy xe 10 phút. Khoát tay trước dãy “nhà máy” sang tuyển về cơ bản đều theo dây chuyền tự động, ông Craig Bradshaw cho biết toàn bộ công nghệ, thiết bị hoạt động đều được xếp vào hàng tiên  tiến hiện đại bậc nhất thế giới. Dưới dòng chảy của nước những tinh chất vốn được gọi là Vonfram có trọng lượng nặng hơn đã từ từ rơi xuống bệ đỡ dưới. Khi những “mẻ” Vonfram được “đãi tìm” hoàn tất, lãnh đạo Núi Pháo mời các chuyên gia đoàn APEC “chiêm ngưỡng”. Dưới mắt thường, những hạt vàng Vonfram giống như cát trắng nhưng mịn và tinh. Tuy nhiên, khi vị chuyên gia cầm máy soi tia cực tím (ultra-violet) bấm vào mẻ Vonfram, bất ngờ một màu xanh tím lịm ánh lên.

Tận thấy Núi Pháo cùng đoàn chuyên gia cấp cao APEC ảnh 1 Đoàn chuyên gia cấp cao APEC chứng kiến sản phẩm tinh chất Vonfram sau sàng lọc.

Tại khu vực cuối nơi đọng lại các chất thải, một hệ thống xử lý được xây dựng lớp lang tuân thủ đúng quy trình. Chất thải từ sàng lọc, theo một cán bộ Núi Pháo sau này sẽ được công ty bán lại cho một doanh nghiệp chuyên làm gạch xỉ, còn phần nước sau khi được lọc đã làm xét nghiệm, hoàn toàn đủ tiêu chuẩn để dùng cho nông nghiệp trong tưới tiêu.

Một giáo sư tiến sĩ nghiên cứu về mỏ, đại diện của Philippines, người đã từng đặt chân đến vô số mỏ trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới nhận xét đã đi đến rất nhiều mỏ nhưng chưa thấy ở đâu có tính chuyên nghiệp cao như Mỏ Núi Pháo này. “Tôi rất ấn tượng với việc mỏ trồng nhiều câu xanh. Đặc biệt tỷ lệ 24% nữ trong MSR là khá cao và đáng ngạc nhiên, vì điều đó có nghĩa là môi trường và điều kiện làm việc tốt, nên lao động nữ có thể thoải mái làm việc,  vì thông thường là chỉ dưới 20% trong ngành khai khoáng, kể cả ở một số nước tiên tiến như Canada, Úc...”, chị nói.

Thông điệp nào?

Ông Vũ Hồng, Phó Tổng giám đốc công ty Masan Tài nguyên cho biết, Núi Pháo hiện ở Việt Nam duy nhất đang quy tụ dàn chuyên gia về mỏ “khủng” trên thế giới. “Những ngày đầu, mỏ có tới 250 chuyên gia và thợ lành nghề người nước ngoài chuyên về mỏ đến từ các nước có nền công nghệ mỏ hàng đầu như Canada, Úc, Mỹ, Đức, Nam phi...còn giờ đã giảm xuống còn khoảng gần 100 (chiếm khoảng dưới 10%) gồm những lao động là chuyên gia nước ngoài có chuyên môn cao.Đặc biệt, mỏ đã quyết tâm đào tạo lao động có tay nghề cao người địa phương. Theo đó, 230 lao động tay nghề cao được tuyển chọn từ những hộ bị thu hồi đất được đem đi học nghề đào tạo 1,5 năm liền với lương cơ bản 150 USD/tháng học nghề.

Theo ông Hồng, cho đến giờ này, mỏ Núi Pháo đi vào hoạt động được, đều tuân thủ và hoàn thành tất cả những gì cần thiết theo đúng yêu cầu của pháp luật. Núi Pháo đã được phê duyệt những báo cáo cơ bản, các thiết kế mỏ, các quyết định thu hồi đất; báo cáo đánh giá tác động mội trường; các giấy phép xây dựng nhà máy, giấy phép khai thác nước ngầm. “Chỉ riêng các mẫu xét nghiệm từ đất, nước, bụi, tiếng ồn…mỏ đã làm cả thảy 22.255 mẫu xét nghiệm, tức trung bình 10 mẫu/ngày và có nguyên 1 phòng thí nghiệm đặt ở đây trong quá trình thực hiện có giám sát đánh giá. Việc tối đa hoá lợi ích cho VN đang được làm. Từ năm ngoái đến giờ, công ty đã chi ra hàng  tỷ đồng để thực hiện việc đào tạo, chuyển giao công nghệ, thay thế chuyên gia nước ngoài bằng người Việt Nam”, ông Hồng nói.

Nhìn lại lịch sử “thăng trầm” của Núi Pháo, ông Nguyễn Văn Thắng, một doanh nhân có tiếng ở Thái Nguyên - người đầu tiên từng là “chủ” Núi Pháo khi còn chỉ là một mỏ quặng thiếc nhỏ - nay là Phó chủ tịch HĐQT của công ty CP Tài nguyên Masan chia sẻ: Chúng tôi vất vả vì giá thị trường giảm  chỉ còn 65-60% so với trước đây trong khi cả vốn lưu động và tồn kho, công ty đã “đầu tư” vào đây hàng chục ngàn tỷ đồng. Nhưng tự hào vì người Việt Nam đã làm chủ công nghệ khai thác trên thế giới. “Sản phẩm Vonfram do Masan xuất khẩu  đến 9 nước trên thế giới. Điều quan trọng, đó là chứng minh cho thế giới thấy được “niềm tin Việt Nam” , ông Thắng nói.

Tận thấy Núi Pháo cùng đoàn chuyên gia cấp cao APEC ảnh 2 Trang trại nuôi trồng nấm - trong chuỗi liên kết hậu đền bù.

Hậu đền bù lập chuỗi giá trị liên kết

Chị Đinh Thị Hải Thuỳ, sinh năm 1977 nguyên là cán bộ Bộ phận đền bù và GPMB dự án của Núi Pháo. Khi dự án đền bù và GPMB gần kết thúc, chị Thuỳ và những cán bộ Phòng Quan hệ Cộng đồng- Phục hồi kinh tế của Núi Pháo đã cùng nhau đi khảo sát tìm hiểu mô hình thành lập DN may bao bì.

Chị Thuỳ kể: “Thời gian đầu khó khăn lắm, bọn em phải đi vận động từng người từng nhà. Lúc đầu góp vốn chỉ được 1,7 tỷ. 100 người học chỉ được 20 người ở lại sau khi đào tạo. Công ty ra đời, DN của chị Thuỳ ban đầu cung cấp sản phẩm bao bì cho Núi Pháo; sau đó khi bao bì xuất đi. Một hôm, có DN bên Nhật nhìn thấy thích quá lần theo số điện thoại địa chỉ trên đó gọi sang. Kế đó, lại có khách hàng Hàn Quốc đến đặt vấn đề. “Thu nhập lao động giờ 8 triệu công nhân may chính/người; công việc khác khoảng 5 triệu, bà con phấn khởi lắm”, chị Thuỳ nói.

Ngoài mô hình trên, Núi Pháo còn tổ chức  mô hình hợp tác (Partnership) với chủ đầu tư người Đài Loan để làm trang trại nấm. Theo đó, Núi Pháo đã thực hiện công tác đền bù và thu hồi đất; san ủi mặt bằng và mời gọi đầu tư. Tại  trang trại nấm này, cả đoàn đã trầm trồ trước công nghệ nuôi trồng nấm các loại cho năng suất cao và hầu hết đều đem đi xuất khẩu.

“Hậu đền bù” dự án Núi Pháo không đơn thuần là đền tiền, xây nhà, lập chuỗi giá trị, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm, quan tâm đến đời sống tinh thần của hàng vạn hộ dân là điều công ty Masan Tài nguyên đã làm được. Hiện công ty đã xây lập khu vực căng tin cho người dân đến cung cấp dịch vụ cho hơn 1.000 công nhân mỏ và các nhà thầu. Cùng những khu tái định cư khang trang, còn có 2 nhà thờ họ rất đẹp  do Công ty hỗ trợ 100% kinh phí nay đã đi vào hoạt động làm ấm lòng những giáo dân nơi đây.

“Là những người tham dự Diễn đàn APEC trong nhóm khai khoáng lần này, tôi chỉ muốn nói những gì Núi Pháo đang nỗ lực thực hiện chính là hướng tới những gì mà APEC đang quan tâm như công nghệ trong khai khoáng, khai khoáng bền vững và trách nhiệm, chính sách đóng cửa mỏ...”

Chị Ngọc Bích, Giám đốc cộng đồng Núi Pháo

Năm 2007, các Bộ trưởng APEC đã thông qua việc thành lập Nhóm đặc trách về khai khoáng/ Mining Task Force (MTF). MTF nhận được nhiệm vụ từ những ưu tiên do các nhà lãnh đạo và Bộ trưởng APEC ấn định và theo các hướng dẫn của các Bộ trưởng chịu trách nhiệm về Khai thác mỏ. Thành viên MTF bao gồm các chuyên gia về  chính sách  làm việc trong chính phủ, các viện nghiên cứu trong ngành công nghiệp tư nhân và các tổ chức khu vực và quốc tế. Tới dự APEC tại VN 2017 năm nay có khoảng trên 60 đại biểu tham dự diễn đàn này.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.