Thí điểm triển khai xe hợp đồng điện tử

Ngày 19/10, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đồng ý cho Bộ Giao thông Vận tải thực hiện Đề án thí điểm “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” (GrabCar).

Việc thực hiện Đề án thí điểm này, trên cơ sở đề nghị của Bộ GT-VT và ý kiến đồng thuận của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ TT-TT, sẽ giúp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với ngành vận tải hành khách dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, đồng thời tạo tiền đề cho việc triển khai các dự án ứng dụng khoa học công nghệ cho ngành vận tải trong tương lai.

Với Đề án này, Công ty TNHH GrabTaxi là doanh nghiệp đầu tiên được cho phép triển khai dịch vụ kết nối cho loại xe chở khách dưới 9 chỗ theo hình thức hợp đồng (GrabCar) tại Việt Nam.

Theo nội dung Đề án thí điểm, Công ty TNHH GrabTaxi sẽ thường xuyên báo cáo danh sách đơn vị và các xe sử dụng phần mềm kết nối, từ đó giúp các cơ quan chức năng giám sát nghĩa vụ thuế và trách nhiệm đối với hành khách. 

Đề án GrabCar cũng được kỳ vọng góp phần tăng cường trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc nhờ việc kiềm chế phương tiện cá nhân lưu thông trên đường và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng xe. Đề án cũng giúp đảm bảo quản lý thu thuế hiệu quả nhờ vào cơ chế thanh toán trực tiếp giữa hành khách và đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải trong nước.

Đề án này không tạo ra một hình thức kinh doanh vận tải mới mà thuần túy chỉ là giải pháp khai thác ứng dụng công nghệ trong việc quản lý, vận hành xe hợp đồng điện tử. Theo đó, xe hợp đồng điện tử được lắp thiết bị giám sát hành trình và có phù hiệu ‘xe hợp đồng’ theo đúng quy định của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Thông tư số 63/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Theo Bộ GT-VT, giá cước vận tải của xe hợp đồng điện tử cũng sẽ tương ứng với hiệu quả giảm chi phí quản lý truyền thống nhờ có việc ứng dụng công nghệ thông tin. Việc Chính phủ phê duyệt xe hợp đồng điện tử GrabCar là nhân tố quan trọng thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải hành khách ở Việt Nam để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. 

Trong thời gian qua, nhờ vào sự xuất hiện của phần mềm GrabTaxi, các công ty vận tải trong nước cho ra đời hàng loạt các ứng dụng phần mềm của riêng mình, như LiveTaxi, TaxiNavi, Ahamove hay Vinasun app. 

Đề án thí điểm GrabCar được áp dụng đối với các đơn vị có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo hợp đồng, tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa trong thời gian 2 năm.

Đánh giá về hiệu quả của đề án, Bộ GT-VT cho biết, đề án được triển khai sẽ mang lại nhiều lợi ích khác nhau. Với hành khách, việc giao dịch của hành khách sẽ hiệu quả và thuận tiện hơn. Hành khách được cung cấp dịch vụ an toàn hơn nhờ chức năng chia sẻ hành trình với người thân và dữ liệu về lái xe lưu trên hệ thống của GrabTaxi.

“Với doanh nghiệp, sẽ giảm được cước phí vì việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp các đơn vị kinh doanh vận tải tăng hiệu quả kinh doanh và làm cho thị trường cạnh tranh hơn. Doanh nghiệp cũng từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp của đội ngũ lái xe. Đề án triển khai cũng giúp giảm ùn tắc giao thông thông qua việc kiềm chế sự gia tăng phương tiện cá nhân lưu hành trên đường và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng xe, có tác động lan tỏa đến các ngành có liên quan”, Bộ GT-VT đánh giá.

Trao đổi với PV Tiền Phong mới đây, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, đề án xây dựng sàn giao dịch vận tải này là một nhiệm vụ đã được đặt ra trong đề án hiện đại hóa lĩnh vực vận tải đường bộ mà Bộ GTVT đã phê duyệt năm 2012, đồng thời nằm trong chiến lược phát triển phát triển GTVT mà Thủ tướng CP đã phê duyệt.

Việc Bộ GTVT đã hoàn thành và trình chính phủ đề án sàn giao dịch vận tải thì chúng tôi đánh giá rất cao. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý và kinh doanh vận tải là giải pháp quan trọng giúp tái cấu trúc thị trường vận tải, kéo giảm chi phí vận tải và góp phần vào giảm chi phí logistic chung của nền kinh tế.

Đánh giá về Đề án, Chủ tịch HIệp hội Ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh, cho biết: Thị trường vận tải lâu nay chưa được lành mạnh lắm nên nếu tạo được, áp dụng khoa học công nghệ vào làm được thì quá tốt. 

Nó tạo sân chơi bình đẳng, công khai, minh bạch và thúc đẩy các nhà vận tải phải cải tiến quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiến tới hạ giá cước. Nó cũng tạo cho khách hàng tiếp cận được những dịch vụ tiên tiến. Người dân, người sử dụng mong muốn được như thế.

MỚI - NÓNG