Người tiêu dùng cần được bảo vệ!

Người tiêu dùng cần được bảo vệ!
Không ít các vụ việc xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng đã xảy ra trong thời gian gần đây gây bức xúc dư luận. Từ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh đều xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Làm thế nào để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng? Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ông Cao Xuân Quảng – Trưởng phòng Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương.

Thưa Ông, từ thực tiễn quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Ông đánh giá như thế nào về tình trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng hiện nay?

Vấn đề bảo vệ quyền tiêu dùng tại Việt Nam chưa bao giờ hết nóng. Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy những vụ việc xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Qua những vụ việc giải quyết khiếu nại tại Bộ Công Thương cho thấy, bên cạnh những vụ việc vi phạm có tính truyền thống trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa… còn xuất hiện một số hành vi mới qua các giao dịch thương mại điện tử hoặc từ các hoạt động vi phạm của tổ chức, cá nhân bán hàng trên mạng xã hội như facebook, twitter, zalo…

Theo chúng tôi được biết, chỉ trong năm 2016, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đã tiếp nhận và xử lý gần 1.200 vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng. Con số này đã phản ánh điều gì, thưa Ông?

Con số này chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh chung, bởi còn có các vụ việc xử lý của các lực lượng khác như lực lượng quản lý thị trường, công an kinh tế, thanh tra y tế, thanh tra khoa học công nghệ… Tuy nhiên, chỉ từ những con số xử lý khiếu nại tại Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương phần nào cho thấy sự phức tạp của lĩnh vực này.

Trước đây, khi chúng tôi với lực lượng tương đối mỏng thì chỉ giải quyết, tiếp nhận khoảng trên 100 vụ việc/năm, thế nhưng, khi lực lượng nhiều hơn, dày hơn với nhiều công cụ hơn thì hiện nay con số này trung bình khoảng 1.500 – 1.600 vụ/năm.

Như Ông vừa chia sẻ, rõ ràng, quyền lợi người tiêu dùng đang bị xâm phạm. Tuy nhiên, thực tế, dường như người tiêu dùng ít quan tâm đến việc đấu tranh bảo vệ quyền lợi của chính mình. Ông nghĩ sao về thực trạng này khi chúng ta đã có Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các công cụ pháp lý khác để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thưa Ông?

Một trong những câu hỏi đặt ra cho người tiêu dùng trong một cuộc khảo sát do Bộ Công thương thực hiện là: “Trong quá trình mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ và xảy ra tranh chấp với tổ chức, cá nhân kinh doanh, thường chọn phương án nào?”, thì có tới 44% số người chọn phương án im lặng và bỏ qua vụ việc. Với câu hỏi: “Lý do tại sao lại lựa chọn là bỏ qua?”, có trường hợp giải thích do e ngại, không muốn mất thời gian, tiền bạc với những vụ việc có giá trị tranh chấp nhỏ; có trường hợp chia sẻ vì chưa thực sự tin tưởng chất lượng giải quyết khiếu nại tại cơ quan Nhà nước cũng như các tổ chức xã hội và có trường hợp cho rằng quy trình giải quyết khiếu nại, khiếu kiện phức tạp quá.

Vậy, trong thời gian qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được triển khai thực hiện như thế nào, thưa Ông?

Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xoay quanh 4 chủ thể: Cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong đó, người tiêu dùng và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm của các mối quan hệ. Trong thời gian qua, Bộ Công Thương và các Bộ, Ngành và UBND tỉnh, thành phố cũng đã rất chủ động triển khai các nội dung được quy định trong luật. Chúng tôi đã có nhiều hoạt động phổ biến, tuyên truyền như tổ chức Ngày quyền tiêu dùng của người Việt Nam hàng năm với các chủ đề khác nhau. Năm 2016, chủ đề được lựa chọn là “Quyền được an toàn của người tiêu dùng”, năm 2017 là chủ đề “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”. Với chủ đề nay, năm 2017 này nhấn mạnh mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.   

Người tiêu dùng cần được bảo vệ! ảnh 1

Còn về cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại tại Bộ Công Thương được thực hiện như thế nào, Ông có thể chia sẻ rõ hơn? 

Tại Bộ Công Thương, chúng tôi có 4 phương thức để người tiêu dùng có thể nộp hồ sơ khiếu nại của mình. Ngoài 2 phương thức truyền thống là qua đường bưu điện và đến trực tiếp, hiện nay Bộ Công Thương cũng đã xây dựng những công cụ hiện đại hơn như: Người tiêu dùng có thể trực tiếp đăng nhập trực tiếp trên website của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương để gửi khiếu nại trực tuyến, hoặc có thể gửi email khiếu nại, hoặc gọi điện đến số điện thoại miễn phí 18001638. Tất cả những cơ chế này luôn luôn sẵn sàng để tiếp nhận những khiếu nại, yêu cầu từ phía người tiêu dùng.

Xin cảm ơn Ông!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG