Chật vật lo lương tối thiểu

Chật vật lo lương tối thiểu
TP - Với tình hình kinh doanh chật vật như hiện nay, cầm cự không để thua lỗ là nỗ lực lớn. Việc tăng lương tối thiểu dù là để đảm bảo quyền lợi người lao động nhưng sẽ là gánh nặng lớn với doanh nghiệp (DN). Nhiều đơn vị đang phải vay tiền ngân hàng để trả lương cho người lao động.

> Năm 2015, lương tối thiểu đủ sống tối thiểu
> Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2013

Khó khăn

Từ ngày 1/7/2013, lương tối thiểu của cán bộ công chức sẽ được điều chỉnh tăng thêm 100.000 đồng, từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,15 triệu đồng/tháng.

Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo một DN xây dựng có trụ sở ở Mỹ Đình (Hà Nội) thừa nhận, năm 2012 đơn vị nỗ lực lắm mới đạt 96 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Sáu tháng đầu năm tình hình kinh doanh càng chật vật hơn khi toàn đơn vị mới đạt chưa đến 30% kế hoạch.

“Năm ngoái chúng tôi gắng hết sức mới duy trì được mức lương bình quân 5,64 triệu đồng/tháng. Kinh doanh khó khăn, vài tháng gần đây phải giảm lương toàn cơ quan khoảng 30%.

Dù chỉ tăng 100.000 đồng/tháng từ 1/7 tới nhưng với 200 cán bộ công nhân viên hiện tại, Cty ước tính sẽ phải chi thêm khoảng 20 tỷ đồng đến cuối năm. Cty sẽ cố gắng để đảm bảo cho người lao động, ban lãnh đạo đã tính nhiều phương án, kể cả phải đi vay tiền ngân hàng để trả lương”, vị này nói.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Nguyễn Tiến Nghi cho biết, ngành thép hiện trong cảnh cực kỳ khó khăn, nhiều đơn vị đã tạm dừng hoạt động, nhiều đơn vị khác phải chấp nhận bán lỗ để giải phóng hàng, lấy tiền trả nợ ngân hàng và trả lương cho người lao động.

“Nay chi phí tiền lương tăng thêm dù không nhiều nhưng cùng đó là tiền bảo hiểm xã hội cùng các chi phí khác sẽ bị đội lên khiến chi phí đầu vào tăng. Doanh nghiệp đang kiệt quệ nên việc tăng lương, dù là chính đáng, nhưng sẽ là vấn đề rất đau đầu”, ông Nghi cho biết.

Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, với những ngành sử dụng nhiều lao động như ngành điện, than, xi măng, việc tăng lương tối thiểu sẽ làm đội chi phí của DN lên hàng trăm tỷ đồng không phải là vấn đề đơn giản.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) Nguyễn Văn Biên cho biết, hiện Tập đoàn chưa có số liệu tính toán cụ thể về mức chi phí tăng lên do tăng lương tối thiểu. Với 138.000 lao động thì dù mức lương tối thiểu chỉ tăng 100.000 đồng cũng sẽ khiến chi phí của tập đoàn tăng thêm hàng chục tỷ đồng/tháng.

“Do khó khăn, nên Tập đoàn cũng có giảm lương của người lao động trong thời gian gần đây. Tập đoàn sẽ đảm bảo đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo mức lương mới, còn việc tăng lương tương ứng thì khi tình hình kinh doanh cải thiện, Tập đoàn sẽ có điều chỉnh thích hợp”, ông Biên chia sẻ.

Lo giá tăng theo lương

Nhiều doanh nghiệp lo ngại việc lương tối thiểu tăng trong bối cảnh kinh doanh khó khăn. Ảnh: Phong Cầm
Nhiều doanh nghiệp lo ngại việc lương tối thiểu tăng trong bối cảnh kinh doanh khó khăn. Ảnh: Phong Cầm.
 

Một khảo sát mới đây của VCCI cho thấy, năm nay các DN đang rất khó khăn nên lương tối thiểu tăng sẽ kéo theo quỹ lương tăng, tiền đóng bảo hiểm tăng… làm đội giá thành sản phẩm, gián tiếp giảm khả năng cạnh tranh của DN và người lao động. Nhiều DN buộc phải chọn giải pháp giảm phần hỗ trợ cho người lao động. Có DN cho biết sẽ phải giảm bớt lao động để không bị ảnh hưởng kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày, Ngô Đại Quang cho biết, dù mức lương tăng không cao nhưng sẽ làm tăng không nhỏ tiền đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng đối với các DN.

Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng như hiện nay, việc tăng hàng trăm triệu tiền đóng bảo hiểm xã hội, chưa tính tiền lương tăng thêm, cho nhân viên cũng là một gánh nặng cho DN.

“Trong chi phí sản xuất trung bình, chi phí cho người lao động chiếm ít nhất là 5-7%, riêng với ngành da giày là từ 10-15%. Khi lương tối thiểu tăng thì đủ thứ từ vật tư nguyên phụ liệu, cho đến các yếu tố đầu vào khác như xăng dầu, điện, nước... đều tăng, nên nó ảnh hưởng rất lớn. Sợ nhất là việc tăng lương được vài đồng nhưng giá cả trên thị trường lại tăng gấp nhiều lần”, ông Quang phân tích.

Cũng theo VCCI, về lâu dài, vấn đề quan trọng nhất là đảm bảo giá trị đồng tiền Việt Nam, ổn định kinh tế vĩ mô để đồng lương cho người lao động có giá trị.

Nếu cứ tiếp tục cảnh giá tăng trước lương, lương chạy theo giá thì sẽ còn những phức tạp cho cả người xây dựng chế độ tiền lương, cũng như gây khó khăn hơn cho người lao động.

Trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” mới đây, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, từ 1993 đến nay đã có 10 lần điều chỉnh lương tối thiểu. Điều chỉnh nhiều nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động như trong Luật Lao động 2012 do mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu tối thiểu.

Theo Bộ Nội vụ, kinh phí thực hiện tăng lương tối thiểu được lấy từ nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương còn dư đến hết năm 2012 của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các cấp ngân sách địa phương. Trường hợp thiếu, ngân sách T.Ư bổ sung kinh phí để thực hiện. Dự kiến kinh phí tăng thêm để thực hiện mức lương tối thiểu mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang là 21.700 tỷ đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc rốt ráo gom vàng

Trung Quốc rốt ráo gom vàng

TPO - Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiếp tục tăng dự trữ vàng tháng thứ 6 liên tiếp, gom thêm 30 tấn. Động thái này phản ánh xu hướng đa dạng hóa dự trữ ngoại hối khỏi đồng USD trong bối cảnh giá vàng liên tục lập đỉnh.
Lộ diện 'ngôi sao' sáng nhất của nông sản Việt Nam

Lộ diện 'ngôi sao' sáng nhất của nông sản Việt Nam

TPO - Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong 4 tháng đầu năm nay đạt 21,15 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị xuất siêu đạt trên 5 tỷ USD. Đáng chú ý, cà phê đang trở thành hiện tượng nổi bật nhất với giá trị xuất khẩu lên tới 3,8 tỷ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.
Vừa có báo cáo gửi Quốc hội về Ngân hàng SCB

Vừa có báo cáo gửi Quốc hội về Ngân hàng SCB

TPO - Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có tờ trình báo cáo Chính phủ về phương án cơ cấu Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Theo nghị quyết của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục hoàn thiện phương án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Giá vàng thế giới bỗng dưng giảm mạnh

Giá vàng thế giới bỗng dưng giảm mạnh

TPO - Giá vàng thế giới giảm mạnh khi nhà đầu tư rút khỏi tài sản trú ẩn, trong khi thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt khởi sắc nhờ kỳ vọng vào đàm phán Mỹ - Trung và các gói hỗ trợ kinh tế từ Trung Quốc.