Vinacomin nói về 'nợ, lương và đầu tư ngoài ngành'

Vinacomin nói về 'nợ, lương và đầu tư ngoài ngành'
Theo ông Nguyễn Văn Biên - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), số nợ 2.000 tỷ đồng của Tập đoàn Điện lực (EVN) không còn là vấn đề lớn lúc này.

>Vinacomin kiến nghị giảm thuế xuất khẩu than xuống 10%

Nợ của ngành điện với than không còn là vấn đề lớn
Nợ của ngành điện với than không còn là vấn đề lớn.

Số nợ này đã được giải quyết từ nhiều tháng nay. Hiện nợ của ngành điện với Vinacomin không còn nhiều, lúc cao nhất nợ quá hạn chỉ là 200 tỷ đồng", ông Biên cho biết tại cuộc họp báo tổng kết tình hình sản xuất kinh doanh 9 tháng tổ chức chiều 21/10.

Bên cạnh đó, Vinacomin mới đây đã phát hành thành công 5.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm với lãi suất năm đầu tiên là 11%, các năm tiếp theo bằng lãi suất huy động của 4 ngân hàng lớn cộng với 3,3%. Ông Biên nhìn nhận đây là lần phát hành thành công, tạo điều kiện cho tập đoàn sử dụng vốn tốt hơn, tránh phải vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn. Lượng vốn huy động sẽ được Vinacomin chia cho 3 nhóm dự án. Một là các dự án than chiếm gần 50%, hai là cho các dự án bô xít và thứ ba dùng để đầu tư nhà máy sản xuất Amon Nitrat.

Liên quan đến đầu tư ngoài ngành, "ông lớn" ngành than đang có 500 tỷ đồng "chôn" trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bằng khoảng 1,5% tổng vốn chủ sở hữu (34.000 tỷ đồng). Trong đó, đầu tư vào ngân hàng khoảng 300 tỷ đồng, chứng khoán là 70 tỷ đồng, còn lại là bảo hiểm.

Ông Biên chia sẻ, các doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, do vậy Vinacomin sẽ thoái vốn căn cứ vào giá khớp lệnh trên thị trường. Tuy nhiên, hiện giá chứng khoán còn thấp, tập đoàn sẽ lựa chọn thời điểm giá tốt hơn để tiến hành bán, lộ trình từ nay tới 2015. Riêng với công ty tài chính có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, Vinacomin đã tìm được đối tác bán vốn, dự kiến trong năm 2013 sẽ hoàn thành.

Về vấn đề tiêu thụ than, 9 tháng đầu năm, Vinacomin bán được 28,2 triệu tấn, bằng 66% kế hoạch năm, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, phần lớn số than này được tiêu thụ trong nước, còn xuất khẩu chỉ đạt 8,3 triệu tấn, giảm 11% so với cùng kỳ. Nguyên nhân khiến xuất khẩu gặp khó là do thuế xuất khẩu than tăng từ 10% lên 13% vào đầu tháng 7/2013. "Khi thuế xuất khẩu tăng, giá bán than cũng tăng theo khiến một số khách hàng chuyển sang mua của nước khác", lãnh đạo Vinacomin bày tỏ.

Trước tình thế này, Vinacomin nhiều lần kiến nghị giảm thuế xuất khẩu và được Chính phủ chấp thuận giảm về mức cũ từ ngày 1/9. Song theo ông Biên, phải sang tháng 10 thì sản lượng xuất khẩu mới hồi phục, nhưng sẽ không được như trước đây do một số đối tác đã ký hợp đồng mua của nước khác đến cuối năm. Dự kiến, xuất khẩu than quý IV của tập đoàn khoảng 3-3,5 triệu tấn, trong đó riêng tháng 10 đã bằng cả quý III.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành than khẳng định thời gian tới xuất khẩu không còn là mối lo lớn nhất khi mà giá than bán cho điện đã được điều chỉnh bằng giá thành. Những năm trước giá than bán cho điện thì chỉ bằng 5% giá thành nên Nhà nước phải cho xuất khẩu than để có nguồn thu, nhưng nay tình trạng này đã được khắc phục, ông Biên lý giải. Hiện tập đoàn thực hiện xuất khẩu với mục đích giảm tồn kho, đảm bảo việc làm cho công nhân và có nguồn trả lương.

Ngoài ra, xuất khẩu than cũng góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Vị này tính toán, cứ xuất khẩu 1 triệu tấn than ngân sách sẽ có thêm 400 tỷ đồng. "Sản lượng xuất khẩu hiện nay không phải là vấn đề lớn. Kế hoạch trước đây là 20 triệu tấn nhưng tới đây chỉ còn khoảng 8-9 triệu tấn", ông Biên cho biết.

Với hai dự án bô xít Lâm Đồng và Nhân Cơ, tháng 9 vừa qua Vinacomin đã có văn bản đề nghị gỡ vướng về cơ chế hỗ trợ vốn và một số loại thuế cho dự án. Theo đó, hai dự án trên đều thuộc đối tượng được vay hoặc hỗ trợ lãi suất sau đầu tư của Nhà nước, nhưng đến nay tập đoàn chưa được hưởng. Do vậy, Vinacomin đề xuất được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, được hưởng hỗ trợ sau đầu tư và được bảo lãnh vay vốn thương mại nước ngoài.

Về phí môi trường, theo ông Biên, hiện mức phí khai thác mỗi tấn quặng bô xít khoảng 30.000 - 50.000 đồng, bằng 100% giá trị quặng nguyên khai là "bất hợp lý". Do vậy, tập đoàn đang đề nghị giảm mức phí xuống còn 4.000 đồng một tấn.

"Vinacomin đã báo cáo và các bộ ngành đang xem xét, giải quyết theo đúng chế độ, chính sách chứ không phải Vinacomin xin một cơ chế riêng", ông Biên nhấn mạnh.

9 tháng đầu năm, doanh thu của ngành than ước đạt 68.630 tỷ đồng, đạt 66% kế hoạch năm và tăng 4% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ bán than chỉ đạt 65% kế hoạch với khoảng 38.923 tỷ đồng. Lợi nhuận ngành than 9 tháng ước đạt 1.500 tỷ đồng.

Tiêu thụ than trong quý III giảm cũng khiến việc làm cho người lao động khó khăn. Tiền lương bình quân 9 tháng của ông lớn này đạt 7,2 triệu đồng một người, bằng 92% kế hoạch năm và tương đương năm 2012.

Đến cuối tháng 9, tồn kho ngành than ước đạt 7,8 triệu tấn, trong đó than sạch 5,6 triệu tấn, tăng 100.000 tấn so với đầu năm và giảm 900.000 tấn so với cùng kỳ. Sang quý IV, Vinacomin đặt mục tiêu bán được tối thiểu 10,8 triệu tấn than, trong đó xuất khẩu 3 triệu tấn, tiêu thụ trong nước 7,8 triệu tấn nhằm hoàn thành mục tiêu cả năm tiêu thụ được 39 triệu tấn.

Theo VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG