Khi doanh nghiệp không sợ trù dập, mạnh dạn lên tiếng

Khi doanh nghiệp không sợ trù dập, mạnh dạn lên tiếng
TP - Thường ngày, doanh nghiệp thường e ngại khi gặp cán bộ thuế, hải quan, nhưng sáng 30/10, nhiều đơn vị xưng danh “tôi là ai” để tố với lãnh đạo Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) về việc bị cơ quan thuế “hành”; hải quan nhũng nhiễu; nhà nước chây ỳ trả nợ tiền xây dựng cơ bản...

> Không ai có quyền cấm báo chí chống tham nhũng
> Lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là giải pháp chống tham nhũng

Cán bộ hải quan cần được đào tạo thêm

Đó là một phần không khí tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN) về chính sách thuế, hải quan năm 2013.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Trưởng ban Hội viên và Đào tạo VCCI, kết quả khảo sát nhanh về hoạt động của ngành thuế, hải quan cho thấy, còn nhiều vấn đề vướng mắc cần giải quyết. Như chính sách ưu đãi thuế, DN cho rằng nên áp dụng với đơn vị có doanh thu hàng năm dưới 20 tỷ đồng, thay vì chỉ hướng tới hỗ trợ DN có số lượng lao động ít.

Thủ tục xét miễn, giảm thuế tại cơ quan hải quan cũng bị đánh giá chậm trễ. Chỉ có gần 35% hồ sơ xin hoàn thuế của DN được giải quyết trong hơn 1 ngày làm việc. “Theo kiến nghị của DN, tăng cường đào tạo chuyên môn cho cán bộ hải quan là việc cần thiết. Tránh trường hợp cán bộ hải quan không nắm vững các quy định chuyên ngành gây tranh cãi với DN”, đại diện VCCI nói.

Hội nghị đối thoại lần này, số lượng DN tham gia đông nhất từ trước đến nay. Nhiều DN đã không ngần ngại giới thiệu đích danh tên tuổi, công bố cả mã số thuế để tố nhiều vấn đề với các lãnh đạo Bộ Tài chính, VCCI. Nhiều DN cũng bày tỏ sự bức xúc về sự bất bình đẳng trong áp dụng truy thu, truy hoàn của ngành thuế. Thậm chí có trường hợp Chính phủ đã chỉ đạo, nhưng khi chuyển xuống Bộ Tài chính vẫn không được giải quyết.

Ông Nguyễn Cảnh Tuấn-GĐ Cty TNHH Hoàng Trà (Hà Nội) dẫn hàng loạt văn bản của Bộ Tài chính cho thấy sự thiếu nhất quán trong chỉ đạo. “Trường hợp của chúng tôi không được giải quyết truy hoàn thuế, trong khi các DN khác cùng cảnh ngộ lại được giải quyết là sao. Việc không cho DN được truy thu truy hoàn là sai với Luật thuế Xuất nhập khẩu”, ông Tuấn nói.

Doanh nghiệp thua lỗ vẫn bị áp thuế?

Biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân là cải cách thủ tục hành chính trong thông quan. Ảnh: Ngọc Châu
Biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân là cải cách thủ tục hành chính trong thông quan. Ảnh: Ngọc Châu.
 

Không khí đối thoại nóng lên khi bà Hoàng Thị Minh Tâm- Phó Tổng GĐ Cty Cung ứng Lao động và Thương mại Hải Phòng tố Cục thuế Hải Phòng không nhất quán trong việc hướng dẫn, giải thích về việc ưu đãi miễn giảm thuế cho DN. Từ đó dẫn đến việc DN bị chính cơ quan này truy thu và phạt nhiều tỷ đồng. Công ty đã có nhiều văn bản hỏi Cục thuế Hải Phòng, Tổng cục thuế và Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính. Và, câu trả lời trái ngược nhau.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nghe xong câu chuyện, lập tức yêu cầu lãnh đạo Cục Thuế Hải Phòng báo cáo và kết luận ngay tại chỗ. Đại diện Cục thuế Hải Phòng “né” bằng cách cho rằng, ý kiến của DN vừa nêu không có trong danh sách những câu hỏi được gửi tới nên đơn vị chưa nắm được cụ thể.

Trước sự lúng túng của cấp dưới, Thứ trưởng Tuấn yêu cầu đại diện Cục thuế ngồi xuống và hứa sẽ trực tiếp nghe và “cố gắng có văn bản trả lời trước ngày 10/11/2013”. Ông Tuấn nói: “Nếu DN đã nộp tiền truy thu và tiền phạt rồi và Cục thuế Hải Phòng làm sai gây thiệt hại cho DN sẽ phải bỏ tiền ra bồi thường. Còn nếu chưa gây thiệt hại, Bộ sẽ phê bình nghiêm khắc với Cục thuế Hải Phòng”. Cả hội trường tỏ ý hân hoan.

Đại diện một DN đến từ Bắc Ninh khẳng định, ngành thuế đang áp đặt đánh thuế “không có đạo lý” với đơn vị này. Theo đó, DN của ông đã mua lại 1 DN làm ăn thua lỗ tới hơn 200 tỷ đồng ở Đồng Nai và mất rất nhiều công sức để vực dậy; tạo công ăn việc làm cho công nhân; giúp đơn vị có lãi. Tuy nhiên, khi bán lại DN này cho một DN khác, Cục thuế Đồng Nai “nhảy vào” đòi áp thuế nhiều tỷ đồng. “Việc DN thua lỗ gấp 3 lần vốn mà vẫn áp dụng thuế doanh nghiệp là điều quá bất công”, ông nói.

Các DN ngồi trong hội trường xì xào trước câu chuyện này, Thứ trưởng Tuấn thấy vậy nói đại ý không nên chỉ nhìn nhận sự việc ở góc độ đạo lý, mà phải căn cứ vào các quy định của pháp luật.

Việc thủ tục hành chính đang quá rườm rà, phức tạp khiến cán bộ thuế lợi dụng để gây khó khăn cho DN được Phó Chủ tịch Thường trực Hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc dẫn chứng tại buổi đối thoại được nhiều DN tán đồng. Theo vị này, nhiều DN ngành xây dựng bị các cơ quan nhà nước chây ỳ nợ hàng nghìn tỷ đồng tiền thi công xây dựng cơ bản tới 3 - 4 năm.

“Trong khi DN bị nợ đọng, nhưng các hạng mục công trình được nghiệm thu khối lượng, ngành thuế đã tính ngay số thuế phải nộp. Nếu không nộp đúng thời gian sẽ bị phạt theo quy định”, ông nói.

Trước những kiến nghị của các DN, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, những vấn đề của DN nêu ra tại buổi đối thoại năm nay không lớn. Chủ yếu là những việc cụ thể của từng DN. Ngành thuế và hải quan sau cuộc đối thoại thì vẫn nói câu quen thuộc: Sẽ được ghi nhận và nhanh chóng giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Khảo sát cho thấy, gần 36% DN được hỏi cho rằng thủ tục thông quan hải quan vẫn còn gây khó khăn. Dù tuyên ngôn ngành này là 30 phút phải trả lời yêu cầu DN (khi thông quan), nhưng 69% DN cho rằng không dễ như vậy. Tính trung bình, DN phải mất 3,29 tiếng để hoàn thành toàn bộ thủ tục thông quan hàng hóa.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG