86% lao động dệt may, da giày nguy cơ thất nghiệp

Công nghệ mới sẽ được áp dụng triệt để trong những ngành sử dụng nhiều lao động. Ảnh minh họa
Công nghệ mới sẽ được áp dụng triệt để trong những ngành sử dụng nhiều lao động. Ảnh minh họa
TPO - Theo số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tại Việt Nam, 75% lao động trong ngành điện tử, 86% trong ngành dệt may, da giày đang đối mặt nguy cơ bị thất nghiệp vì máy móc thay thế.

Số liệu được ILO công bố tại Hội thảo Tương lai việc làm và tác động đối với thị trường lao động, diễn ra ngày 11/5. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện Đối thoại Chính sách cao cấp APEC 2017 về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh thế giới việc làm đang trải qua những biến đổi về cơ cấu to lớn do những tiến bộ công nghệ. Quá trình này cũng khiến một số vị trí lao động trở nên lỗi thời, dễ bị tổn thương và thay thế bởi máy móc.

Theo nghiên cứu của ILO, tại một số nền kinh tế trong khu vực, công nghệ mới sẽ được áp dụng triệt để trong những ngành sử dụng nhiều lao động. Dẫn tới sự cắt giảm số lượng lớn những lao động ở trình độ thấp.

Như tại Thái Lan, riêng trong ngành sản xuất ô tô, hơn 73% lao động đang đối mặt với nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa. Tại Việt Nam, 75% lao động trong ngành điện tử, 86% trong ngành dệt may, da giày cũng trong tình trạng đối mặt với nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa.

Bà Kim Lê, Giám đốc Nhân sự toàn quốc của ManpowerGroup Việt Nam cho rằng, cùng với thách thức, thời công nghệ số cũng mở ra cơ hội nhiều việc làm mới nếu đi đúng hướng. “Tương lai của việc làm không nhất thiết phải là sự đánh đổi giữa con người và máy móc. Sự phát triển của kỷ nguyên số là cơ hội để các Chính phủ có thể tạo nhiều việc làm mới hơn, thêm cơ hội việc làm”, bà Kim Lê nói. Tuy nhiên, Việt Nam và các nước APEC cần phải nâng cao khả năng nguồn nhân lực, đào tạo lao động với các phương pháp dài hạn, bài bản.

Thứ trưởng LĐ-TBXH Doãn Mậu Diệp cho biết, toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ đang đặt ra những thách thức ngày càng to lớn đối với các nền kinh tế APEC, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, hiện lao động Việt Nam qua đào tạo chỉ chiếm hơn 20% lực lượng lao động, nhưng trong đó có nhiều nghề đào tạo chưa phù hợp nhu cầu thực tế. Việt Nam đang thiếu hụt lao động có trình độ cao, công nhân lành nghề.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đề nghị các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm thực tế, và những thách thức, lợi ích mà kỷ nguyên số mang tới trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, có gợi ý chính sách giải quyết vấn đề này

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ và thảo luận về những thách thức phải đối mặt với việc làm trên thế giới, gồm: Tiến bộ công nghệ do người máy, máy tính và số hóa; Toàn cầu hóa, sản xuất và công việc ngày càng chuyên môn hóa; Các mối quan hệ việc làm và sự gia tăng việc làm dễ bị tổn thương với sự chênh lệch về giới trong thị trường lao động.

Hội thảo sẽ góp phần vào việc kiện toàn những nội dung khuyến nghị cũng như là đầu vào cho Đối thoại Chính sách cao cấp về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, sẽ được tổ chức ngày 15/5 tới. 

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.