Lãnh sự danh dự Mô dăm bích tại Việt Nam - Lê Thiết Thảo:

Ăng gô la và Mô dăm bích đang cần hàng ngàn lao động

Ăng gô la và Mô dăm bích đang cần hàng ngàn lao động
TP - Bằng kinh nghiệm sau 20 năm học tập, sinh sống và làm việc tại Ăng gô la và Mô dăm bích, ông là người đầu tiên đưa lao động phổ thông Việt Nam sang Ăng gô la làm việc.
Ăng gô la và Mô dăm bích đang cần hàng ngàn lao động ảnh 1
Người dân ngoại thành Hà Nội thu hoạch lúa  Ảnh: Phạm Yên

Chính sự “ăn nên làm ra” của lao động Việt Nam tại Ăng gô la là mô hình đang được ông tiếp tục áp dụng tại Mô dăm bích - đất nước đang cần nhiều lao động có kinh nghiệm trồng lúa.

Để tìm hiểu cách thức làm giàu của người Việt tại Ăng gô la và những dự định đưa lao động phổ thông sang Mô dăm bích làm nông nghiệp, PV Tiền phong có cuộc trao đổi với ông Lê Thiết Thảo - Lãnh sự danh dự Mô dăm bích tại Việt Nam.

Hiện ở Ăng gô la đã có bao nhiêu lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc, họ làm giàu bằng cách nào, thưa ông?

Ăng gô la nằm ở phía Tây Nam châu Phi. Diện tích tự nhiên là 1 triệu 3 trăm ngàn ki – lô - mét vuông. Ăng gô la là đất nước có rất ít nhà xưởng nên nét khác biệt giữa Ăng gô la với các nước đang sử dụng lao động Việt Nam là lao động Việt Nam khi sang đó phải tự chủ động thành lập các nhà xưởng, cửa hàng... để buôn bán, kinh doanh.

Những người tham gia các khu buôn bán này đa số là người có quốc tịch Việt Nam. Đội ngũ lao động phổ thông Việt Nam ở Ăng gô la có mặt hầu hết từ thành thị đến nông thôn. Đến thời điểm này, đã có khoảng 6.000 lao động Việt Nam làm việc tại Ăng gô la.

Những lao động Việt Nam đầu tiên đến Ăng gô la làm việc hiện đều đã thành danh và trở thành các ông chủ, bà chủ ngay tại nước bạn.

Thu nhập của người lao động Việt Nam tại Ăng gô la có cao không, thưa ông?

Bình quân thu nhập của một lao động phổ thông từ 600-800 USD. Còn những lao động nào đã từng buôn bán, kinh doanh ở Ăng gô la thời gian dài, có thể thu nhập lên đến hàng ngàn USD, thậm chí là hàng chục ngàn USD.

Ăng gô la và Mô dăm bích đang cần hàng ngàn lao động ảnh 2
Ông Lê Thiết Thảo

Ngoài việc sang Ăng gô la làm chủ bằng cách buôn bán và kinh doanh, lao động Việt Nam còn có thể làm thêm ngành nghề gì, thưa ông?

Hiện, họ đang có nhu cầu rất lớn lao động có kinh nghiệm trồng lúa. Vì ngành nông nghiệp Ăng gô la chậm phát triển nên họ rất muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này. Hầu hết các cánh đồng ở Ăng gô la đều bị bỏ hoang vì họ có rất ít người biết về kỹ thuật trồng lúa.

Ăng gô la hiện có 5 tỉnh, mỗi tỉnh có 10 nghìn ha. Đây là cơ hội việc làm rất lớn cho lao động phổ thông Việt Nam. Nếu ta giúp họ phát triển nông nghiệp, họ sẽ chi các khoản phí từ vé máy bay cho đến chỗ ăn, ở để Việt Nam cử các nông dân, kỹ sư của mình khi sang giúp họ.

Một nông dân bình thường biết trồng lúa sang bên đó, họ trả lương 300 - 400 USD/người/tháng; lao động lái máy cày, máy xúc lương 700 - 800 USD; kỹ sư (tùy vào trình độ chuyên môn) lương 1.000 - 1.200 USD và có thể cao hơn.

Chi phí để sang Ăng gô la  làm việc có cao không, thưa ông?

Nếu lao động nào muốn cấp visa, thông qua Cty gửi công văn đến Đại sứ quán Ăng gô la. Căn cứ vào nội dung công văn, Đại sứ quán sẽ cấp visa cho người lao động. Họ chỉ thu khoản lệ phí gọi là tiền quỹ.

Cục xuất nhập cảnh lấy số tiền đó để mua vé cho người lao động. Tính tổng chi phí cho một lao động phổ thông tự do của mình sang bên đó làm ăn vào khoảng 10.000 USD.

Có thể nói, lao động Việt Nam hiện đang “ăn nên làm ra” tại Ăng gô la, liệu ông có áp dụng mô hình này tại Mô dăm bích?

Hiện tôi cũng đang nung nấu ý tưởng đó. Tôi nghĩ rằng, lao động Việt Nam thành công tại Ăng gô la thì không có lý gì lại không thành công tại Mô dăm bích. Mô dăm bích có diện tích tự nhiên là 800.000 km2, dân số 20 triệu người. Thế mạnh của Mô dăm bích là xuất khẩu thủy điện.

Mô dăm bích có đất đai màu mỡ, nhưng sản xuất lúa lại cho năng suất thấp. Một năm, với diện tích 1ha chỉ cho thu hoạch 5 tạ thóc; trong khi đó ở Việt Nam, có tỉnh cùng chừng ấy diện tích cho thu tới hàng tấn thóc. Sau khi trao đổi với phía Việt Nam, họ chỉ đưa ra yêu cầu là giúp họ thu được 1 tấn/ha là được vì như thế họ đã có lãi.

Điều này chứng tỏ, Chính phủ Mô dăm bích đang rất cần lao động có kinh nghiệm trồng lúa?

Có thể nói, Mô dăm bích là thị trường lý tưởng cho người Việt Nam sang đó làm ăn. Hiện, Việt Nam đã có 2 Cty làm ăn rất phát đạt tại đây đó là Cty Mặt trời Châu Phi và Cty Tân Chín Hương. Hai Cty này hiện đang kinh doanh một loạt các cửa hàng bán quần áo, đồ điện tử…

Để sang Mô dăm bích làm việc, thủ tục thế nào, thưa ông?

Thủ tục để sang Mô dăm bích rất đơn giản: lao động chỉ cần có lý lịch tư pháp rõ ràng, được công chứng và dịch thuật sang tiếng Bồ Đào Nha và nộp thêm một khoản phí quản lý là được.

Đặc biệt, lao động Việt Nam sang đó làm việc sẽ gặp nhiều thuận lợi vì Mô dăm bích không quy định thời gian làm việc. Lao động muốn làm việc trong thời gian bao lâu cũng được và thậm chí có thể định cư lâu dài.

Có thể nói, Mô dăm bích và Ăng gô la là hai đất nước thân thiện với lao động Việt Nam. Hơn nữa, họ đều muốn Việt Nam giúp họ phát triển nông nghiệp. Nếu ta đồng ý giúp đỡ họ, đây sẽ là cơ hội việc làm lớn cho hàng ngàn lao động Việt Nam.

Cảm ơn ông. 

 Phong Cầm (thực hiện)

MỚI - NÓNG