Sửa quy định về hưởng BHXH một lần:

Bài học về tôn trọng ý kiến người lao động

Người lao động vẫn được rút BHXH một lần. Ảnh: Như Ý.
Người lao động vẫn được rút BHXH một lần. Ảnh: Như Ý.
TP - Việc phải sửa quy định về hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần trong Luật BHXH năm 2014 (điều 60) là kinh nghiệm quý cho việc xây dựng văn bản pháp luật, lấy ý kiến những đối tượng bị ảnh hưởng.

Nhận lỗi, rút kinh nghiệm

Sau nhiều tranh luận, cuối cùng Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động. Không phủ nhận quy định (không cho hưởng BHXH một lần trong Điều 60 Luật BHXH năm 2014) nhằm tới mục tiêu dài hạn, nhưng điều này chưa phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Thực tế, nhiều công nhân ngành may mặc, giày da… chỉ làm được vài năm, sau đó nghỉ việc và mất khả năng tham gia đóng BHXH, nên họ có nhu cầu hưởng BHXH một lần. Còn nhớ, năm 2003, khi Nghị định 01 ra đời với nội dung không cho hưởng BHXH một lần, gần 7.000 công nhân tại TPHCM cũng đình công để phản đối, sau đó nội dung này phải sửa đổi. Khi bàn về sửa điều 60, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải xin lỗi người lao động, vì quy định bị phản đối ngay khi luật chưa có hiệu lực.

Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, điều 60 nhằm đảm bảo cuộc sống người lao động khi về già. Tuy nhiên, ông Huân thừa nhận, điều kiện người lao động hiện còn nhiều khó khăn, mới lo trước mắt chưa thể nghĩ tới sau này, nên Quốc hội ra nghị quyết cho người lao động lựa chọn bảo lưu hoặc rút BHXH một lần.

“Sau sự việc này, chúng tôi thấy cần rút kinh nghiệm trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật, đặc biệt những quy định ảnh hưởng tới nhiều đối tượng. Trong quá trình dự thảo phải cố gắng lấy ý kiến nhiều đối tượng, phải lắng nghe từ cơ sở, đặc biệt những người chịu ảnh hưởng trực tiếp. Lấy ý kiến không phải chỉ tổng hợp những cơ quan ở trên rồi thống nhất với nhau, trong khi người chịu ảnh hưởng trực tiếp phía dưới không đồng ý”, ông Huân nói.

Theo ông Huân, khi tổng hợp ý kiến về dự thảo Luật BHXH, chỉ có 3-4 sở ngành góp ý cần phải xem lại điều 60, còn các ý kiến khác đều đồng thuận hết.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cũng thừa nhận có lỗi trong việc xây dựng điều 60, khiến công nhân bức xúc. “Khi góp ý vào dự thảo Luật BHXH, chúng tôi đề nghị cần xem lại điều 60, nhưng đa số ý kiến khác lại đồng ý. Đáng ra chúng tôi phải bảo lưu quan điểm để trình bày với Quốc hội, nhưng đã không làm vậy, nên phải rút kinh nghiệm”, ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, đóng BHXH để sau hưởng lương hưu là đúng, nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện thực hiện. Do đó, cần cho người lao động lựa chọn đóng BHXH tiếp hoặc rút một lần. “Quan trọng nhất nên tôn trọng quyền tự do, quyền lựa chọn của người chịu chi phối của luật đó”, ông Tùng nói.

Ông Tùng cho rằng, khi xây dựng pháp luật cần lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, đặc biệt các ý kiến phản biện, để luật ban hành tốt hơn.

Lương hưu có phải là lựa chọn duy nhất?

Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) – đơn vị trực tiếp xây dựng Luật BHXH năm 2014, cho biết: “Điều 60 được đánh giá là khoa học, phù hợp xu hướng phát triển của xã hội và đảm bảo an sinh cho người lao động trong tương lai. Thực tế, các nước cũng không cho nhận BHXH một lần, nên quy định như điều 60 không sai”.

Bà Nga dẫn Quyết định 176 được ban hành những năm 1989-1990, cho phép người lao động được rút BHXH một lần, khi đó đã có 72 vạn người rút. Nhưng tới nay, nhiều người về già cuộc sống khó khăn vì không có lương hưu, họ viết đơn đề nghị trả lại tiền đã rút để hưởng lương hưu nhưng không được.

“Quốc hội ra nghị quyết mới tạo điều kiện cho người lao động lựa chọn, nhưng mục tiêu vẫn là khuyến khích họ bảo lưu BHXH để hưởng khi về già”, bà Nga nói.

Bà Nga thừa nhận, Luật BHXH năm 2014 chưa được tuyên truyền tốt để người lao động hiểu. Thực tế, theo bà Nga, năm 2003 khi quy định tương tự được đưa ra cũng bị công nhân phản đối.

“Sau sự kiện năm 2003, mọi người đều nghĩ khi đó công nhân đình công vì nhận thức chưa tốt, chưa hiểu hết ý nghĩa của quy định này. Nhưng nay điều đó vẫn lặp lại, đó là do việc tuyên truyền chưa tốt”, bà Nga nói.

Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, trước đây mỗi năm có khoảng 500-600 nghìn người rút BHXH một lần, nhưng giờ con số này đang giảm dần, số tiền rút cũng không quá lớn. Về nguy cơ rút BHXH một lần có thể gây mất cân đối Quỹ BHXH trong tương lai, bà Minh cho rằng, điều này sẽ không xảy ra. “Rút BHXH một lần chỉ ảnh hưởng tới người lao động vì họ mất lương hưu khi về già. Quỹ BHXH thậm chí được lợi, vì tiền chi cho rút 1 lần ít hơn nhiều so với chi trả tiền lương sau này”, bà Minh nói.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, từ 1/1/2016, người lao động có quyền lựa chọn bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc người tham gia BHXH sau 1 năm nghỉ việc (hoặc không tiếp tục đóng) nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu có yêu cầu sẽ được nhận BHXH một lần. Nghị quyết này được đưa ra để thay thế điều 60 trong Luật BHXH năm 2014.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Đối tượng Thành tại cơ quan công an.
Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố
TPO - Ngày 19/4, Công an thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng cho biết, vừa ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Phạm Trung Thành (SN 2000, trú tại phường Hợp Giang, TP Cao Bằng) về hành vi “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.