Bảo hiểm y tế cho bệnh hiểm nghèo: Sẽ hết nhiêu khê?

Bệnh nhân đợi làm thủ tục mượn lại thẻ bảo hiểm y tế tại Bệnh viện K Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Phạm Thanh.
Bệnh nhân đợi làm thủ tục mượn lại thẻ bảo hiểm y tế tại Bệnh viện K Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Phạm Thanh.
TP - Những ngày cuối năm, tại một góc bệnh viện, nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (có người chờ chết) vẫn chật vật nhiêu khê với bao thủ tục. Thậm chí, đang chữa trị cũng phải dừng để chạy thủ tục chuyển tuyến lại. Sự nhiêu khê của thủ tục hành chính đang hành những người bị trọng bệnh.

Nhiêu khê

Bệnh viện K cơ sở 2 (Thanh Trì, Hà Nội) vào một ngày cuối tháng 12/2016, hàng chục bệnh nhân và người nhà đang xếp hàng đợi làm thủ tục mượn lại thẻ BHYT. Năm nào cũng vậy, vào những ngày cuối năm khi thẻ BHYT sắp hết hạn, người bệnh phải làm đơn xin mượn lại thẻ để về quê làm lại thủ tục nhập viện, chuyển tuyến mới để được hưởng quyền lợi BHYT.

Thông thường, những bệnh nhân được chuyển xuống điều trị tại Bệnh viện K cơ sở 2 này đều đã được xác định là ung thư giai đoạn cuối. Có bệnh nhân bị trả về nhưng vẫn xin được chữa trị theo kiểu “còn nước còn tát”. Dù bệnh tình nguy cấp, họ vẫn phải chạy vạy để lo thủ tục đổi thẻ mới, chạy lại thủ tục chuyển tuyến từ dưới lên để chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, có đủ thủ tục đó mới thanh toán chi phí chữa bệnh.

Bà Nguyễn Thị Nhung (51 tuổi, ở Lý Nhân, Hà Nam) kể, đã 4 năm nay, cứ cuối năm bà lại phải viết đơn mượn lại thẻ BHYT cũ để về quê làm lại thủ tục nhập thẻ mới và chuyển tuyến lại từ đầu. Dù hồ sơ bệnh án không có gì thay đổi, thậm chí tôi đang điều trị tại bệnh viện trung ương vẫn phải thực hiện những quy trình đó. “Về đợi có thẻ mới rồi ra bệnh viện huyện, tỉnh làm thủ tục chuyển viện lên Bệnh viện K để nhập vào hồ sơ đang lưu tại bệnh viện. Muốn chuyển được còn phải mất thêm tiền, nếu không bệnh viện tỉnh sẽ giữ lại, vì họ nói bệnh này ở tỉnh cũng chữa được”, bà Nhung kể.

Bà Nhung bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối, đã di căn vào xương, 20 ngày lại lên Bệnh viện K cơ sở 2 điều trị, mỗi lần 1-2 ngày. Bà nhẩm tính, 4 năm qua đã mất khoảng 300 triệu đồng tiền chữa bệnh. Trong 2 năm đầu, mỗi lần lên Hà Nội xạ trị, bà Nhung đều có người nhà đi cùng, nhưng từ 2 năm nay phải tự đi 1 mình, vì còn phải để con cái lo làm việc kiếm tiền. “Ốm đau bệnh tật thế sao người ta không nhân nhượng cho chuyện thủ tục, giấy tờ. Đã xác định vào K là hết rồi, làm sao cho người ta tâm lý thoải mái. Sống chẳng được bao nhiêu mà...”, bà than thở.

Bà Phạm Thị Bình (60 tuổi, Diễn Châu, Nghệ An) cũng điên đảo vì thủ tục nhiêu khê. Tuyến dưới tự tin chữa được không cho bà được chuyển lên tuyến trên. Bà kể, bà bị ung thư đại tràng, nhưng Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An điều trị mãi, chẩn đoán hết dạ dày rồi sang mổ ruột thừa nhưng vẫn không khỏi. Chỉ đến khi người nhà nhờ cậy lãnh đạo bệnh viện này, cuối cùng mới được chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và phát hiện ung thư. Những ngày cuối năm, bà nghe đến việc quay lại bệnh viện cũ để hoàn thiện thủ tục; bà mất vía. Chưa kể, thẻ BHYT của bà còn bị người ta làm nhầm (đóng tiền hàng chục năm, nhưng chỉ ghi đóng từng năm một).

Nỗi sợ tuyến dưới

Những trường hợp như bà Nhung, bà Bình không hiếm, việc chạy thủ tục chuyển viện với họ đã thành quen. Bà Phạm Thu Thủy (60 tuổi, ở Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội) kể, bà bị ung thư xương, đã điều trị tại Bệnh viện K cơ sở 2 hơn 2 năm nay. Đây cũng là lần thứ 2 bà phải làm thủ tục để rút hồ sơ nhập viện, chuyển tuyến lại từ đầu. “Tôi nhập viện ở quận, rồi xin chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (bệnh viện khu vực - PV) thì dễ. Nhưng từ bệnh viện ở Hà Đông chuyển lên Bệnh viện K Trung ương phải mất phí cho cò. Bệnh viện gần nhà, nhưng phải đi đúng tuyến mới được bảo hiểm thanh toán 80%, tự đi chỉ được 30%, nên chấp nhận mất ít cho cò vẫn hơn. Giờ xác định ung thư rồi, bác sĩ cũng bảo chẳng được bao lâu nữa vẫn phải chạy ngược chạy xuôi với giấy tờ cũng mệt”, bà Thủy hổn hển nói.

Còn chị Lý Hồng P. (ở Lạng Sơn) cho biết, người nhà chị đang nằm ở Khoa Xạ trị, Bệnh viện K cơ sở 2. Dù vẫn phải nằm lại viện chữa trị, nhưng do thẻ hết hạn, bác sĩ hướng dẫn mượn lại thẻ để về tuyến dưới làm lại thủ tục chuyển viện sau lên bổ sung vào hồ sơ cho đầy đủ. Những bệnh nhân đang điều trị ở đây, hết năm ai cũng chung một nỗi lo thủ tục.

Người nghèo, vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ BHYT

Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam vừa có Công văn 5243 gửi BHXH các tỉnh, thành phố về việc cấp mới, gia hạn thẻ BHYT năm 2017. Theo đó, với người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số ở khu vực đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua BHYT, các địa phương chuyển trước danh sách cấp thẻ BHYT đã báo cáo Chính phủ cho cơ quan BHXH. Khi được Thủ tướng phê duyệt thì thực hiện in thẻ BHYT ngay để chuyển cho người tham gia bảo hiểm. Nếu cuối 2016, vẫn chưa hoàn thiện danh sách cấp thẻ BHYT cho những đối tượng trên, BHXH tỉnh tổng hợp danh sách, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh có chỉ đạo. Trường hợp này quyền lợi với người tham gia BHYT vẫn được đảm bảo từ ngày 1/1/2017.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.