Bí quyết thành danh của VPBank

Bí quyết thành danh của VPBank
Đâu là bí quyết giúp tổng tài sản của VPBank tăng trưởng kép bình quân hàng năm 22% trong giai đoạn 2012 – 2016, đồng thời giúp ngân hàng “lột xác” với mức lợi nhuận sau thuế chỉ xếp sau các ông lớn Vietcombank, Vietinbank và BIDV và dẫn đầu thị trường về chỉ số sinh lời?

Ba cột trụ tăng trưởng

Thời điểm năm 2010, khi VPBank thành lập Khối Dịch vụ tín dụng tiêu dùng (tiền thân của FE Credit), có lẽ chưa nhiều người hình dung ra thị trường tín dụng tiêu dùng, còn các ngân hàng thì lại chưa thèm để ý, bởi có ai đi lượm bạc cắc trong khi những khoản vay tín dụng lớn mang lại tỉ suất lợi nhuận hấp dẫn hơn rất nhiều.

Trụ cột tăng trưởng đầu tiên của VPBank ra đời trong bối cảnh như thế. Từ sản phẩm ban đầu là cho vay mua xe máy, FE Credit mở rộng danh mục sang sản phẩm cho vay tiền mặt, phát hành thẻ tín dụng và cả huy động vốn.Trong đó, sản phẩm cho vay tiền mặt là chủ lực, chiếm đến 80% thị phần của loại sản phẩm này trên thị trường các công ty tài chính tiêu dùng. Nhờ đó, FE Credit cũng sở hữu hơn 48% thị phần chung, theo báo cáo năm 2017 của Công ty nghiên cứu thị trường Stoxplus.

Trụ cột thứ 2 mà VPBank nhắm đến là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Là ngân hàng đầu tiên thành lập từ năm 2013, hiện VPBank sở hữu 70 trung tâm SME và 4 đầu mối chính, phục vụ cho hơn 50.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ.Cùng với danh mục cá nhân từ FE Credit và hoạt động bán lẻ ở ngân hàngVPBank, khối SME là 2 động lực quan trọng tạo ra lợi nhuận của VPbank trong gần 7 năm qua. Năm ngoái, dư nợ của FE Credit và khối SME tăng trưởng lần lượt 58% và 30%.

Trụ cột thứ 3 đang được VPBank dựng nền xây móng, đó là khối Tín dụng Tiểu thương (CommCredit)thành lập vào năm 2015 và phân khúc doanh nghiệp siêu nhỏ (Micro SME) triển khai năm 2016. Với mô hình này, VPBank hướng đến việc bán chéo sản phẩm tích hợp, chứ không chỉ đơn thuần là cho vay lấy lãi.

VPBank cũng phân định rõ từng nhóm khách hàng có mức thu nhập khác nhau sẽ mang lại cho mình giá trị như thế nào và ngược lại. Năm 2016, tăng trưởng dư nợ khách hàng doanh nghiệp của VPBank chỉ tăng 0,2%so với cùng kỳ (tương ứng 54.700 tỉ đồng), trong khi khối hộ kinh doanh, cá nhân tăng đến 44,6% (89.973 tỉ đồng). Xét về tỉ trọng, dư nợ của khách hàng doanh nghiệp chiếm 37,8%tổng dư nợ, trong khi hộ kinh doanh, cá nhân năm 2016 chiếm 62,2%.

Những trụ cột trên đã mang lại mức lợi nhuận sau thuế đạt hơn 3.935 tỉ đồng vào cuối năm 2016,xếp trên các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân khác.Còn thống kê của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho thấy VPBank hiện đang có chỉ số sinh lời vượt các ngân hàng khác tại Việt Nam và các các nước trong khu vực. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) của VPBank đạt 26%, còn lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 1,9% trong năm 2016.

Đi ngược dòng

Theo đánh giá của VCSC, VPBank có điểm may mắn là mở rộng đúng vào thời kỳ phân khúc khách hàng cá nhân đang có nhu cầu cao (nhu cầu tín dụng tăng 21% trong khi nhu cầu tín dụng doanh nghiệp chỉ tăng 6% trong năm 2017). Tuy nhiên,đằng sau sự tưởng chừng như may mắn đó là một câu chuyện dài hơi về chiến lược tăng trưởng ngân hàng.

VPBank thường tìm đến khoảng trống thị trường để tiến vào.Mở đầu trào lưu cho vay tiêu dùng, sáp nhập công ty tài chính, VPBank “dũng cảm” đi từ một thị trường chưa có gì, kể cả khung pháp lý, và bây giờ FE Credit giờ đã thành át chủ bài.Điều này cũng tương tự với các nhóm phân khúc SME, micro SME hay nhóm tiểu thương.

Đặc điểm chung của nhóm này là phần đông bị từ chối cho vay vì quá ro. Trên thực tế, từng khoản vay nhỏ lẻ sẽ rủi ro hơn so với các khoản vay thông thường, nhưng ngược lại, số lượng lớn các khoản vay này sẽ giúp rủi ro lại phân tán đi, trong khi người cho vay được lợi về mặt lãi suất (rủi ro cao tương ứng với lãi suất cao).Bài học quá khứ cho thấy những thất bại tín dụng của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu là vì tập trung những khoản tín dụng vào nhóm khách lớn.

Tuy nhiên, việc kiểm soát các hồ sơ vay nhỏ lẻ là không đơn giản. Ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc của FE Credit trả lời phỏng vấn trước đây cho rằng, điều quan trọng nhất của một công ty tài chính tiêu dùng là hệ thống kiểm soát rủi ro các khoản vay. Tỉ lệ nợ xấucủa FE Credit năm 2015 là khoảng 4,05%, năm 2016 khoảng 6% (chủ yếu tăng tỉ trọng là nợ quá hạn 3 tháng) nhưng bù lại dư nợ cho vay đã tăng gần 59%.

Thực tế, VPBank đã thiết lập một khối quản trị rủi ro hoạt động riêng từ năm 2012, thời điểm ngân hàng bắt đầu thực hiện chiến lược tăng trưởng trong 5 năm.Đến nay, VPBank có thể áp dụng mô hình thẻ điểm cho các hồ sơ tín dụng của khách hàng cá nhân và SME tương tự khách hàng doanh nghiệp lớn và định chế tài chính.Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ trong từng phân khúc kinh doanh cũng cho phép ngân lượng hóa chất lượng tín dụng của khách hàng, từ đó có các ứng xử phù hợp để kiểm soát rủi ro.

Việc phát triển lĩnh vực cho vay nhiều rủi ro cũng phải phụ thuộc vào dòng vốn huy động của ngân hàng. Năm ngoái, VPBank nhận được gói tài trợ thương mại trị giá 133 triệu USD từ Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), còn bản thân FE Credit cũng tự mình huy động rất tốt. Năm ngoái, huy động vốn của FE Credit năm 2016 đã đạt 29.000 tỉ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm trước đó.

Trong năm cuối cùng của hành trình thực thi chiến lược 5 năm, VPBank cũng không giấu tham vọng khi đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 5.754, tăng 46,2% so với cùng kì năm ngoái. Hãy chờ xem liệu ngân hàng có hoàn thành được mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ top 3 và ngân hàng thương mại cổ phần top 5 như đã đặt ra ban đầu hay không.

MỚI - NÓNG