Biện pháp nửa hành chính

Biện pháp nửa hành chính
Sau quyết định hạ trần lãi suất huy động còn 12%, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tự tin khẳng định, lãi suất cho vay sẽ giảm dần.

> Cần ấn định trần lãi suất cho vay

Tuy nhiên, phản ứng trên thị trường, nhiều DN tỏ vẻ không mặn mà, vì dù có mở cửa cho vay đầu tư bất động sản và lãi suất cho vay giảm tới đâu thì họ cũng khó tiếp cận, bởi không còn tài sản thế chấp và những điều kiện khác mà ngân hàng đưa ra khắt khe đến nỗi DN khó mà đáp ứng.

So sánh thì rất khập khiễng, nhưng xét ở khía cạnh việc cho vay phải có tài sản thế chấp, có thể nói ngân hàng thương mại (NHTM) ở Việt Nam giống những tiệm cầm đồ.

(Khác là lãi suất tại tiệm cầm đồ cao hơn ngân hàng, nhưng vay tiệm cầm đồ thủ tục nhanh gọn và đơn giản hơn rất nhiều).

Với lợi thế “nắm đồng tiền bát gạo”, kinh doanh tiền, “vay để cho vay”, ngân hàng huy động vốn từ dân để đem cho doanh nghiệp và cá nhân vay lại, nhưng họ có thể ép người vay đủ thứ.

Thay vì thực hiện song song 2 mục tiêu vừa là huyết mạch, dẫn dắt nền kinh tế vừa có lợi nhuận, thì hệ thống các NHTM đang đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, và khi đó người ta có thể làm mọi cách để tìm kiếm lợi nhuận, bất chấp việc làm đó có hại cho nền kinh tế.

NHTM cũng là doanh nghiệp, việc tìm kiếm lợi nhuận không xấu, nhưng đây không phải là những doanh nghiệp thông thường, mà là doanh nghiệp đặc biệt, luôn cần sự dẫn dắt của “nhạc trưởng” là Ngân hàng nhà nước.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Chính phủ lập ra các NHTM mà nhà nước chiếm cổ phần chi phối, không phải chỉ để thu thuế, mà cao hơn là dẫn dắt hoạt động của cả nền kinh tế.

Trong bối cảnh hiện nay, chỉ 5 NHTM Nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank; Agribank, MHB) chiếm đến hơn 50% thị trường tín dụng, hoàn toàn có thể dẫn dắt được thị trường tín dụng theo định hướng của Nhà nước.

Tuy nhiên, trên thực tế các NHTM này đôi khi chủ động nhường sân cho các ngân hàng tư nhân nhỏ dẫn dắt, vì khi đó dễ “đục nước béo cò”, kiếm được lợi nhuận cao.

Một điều khó hiểu, trong khi NHNN dùng biện pháp hành chính để áp trần lãi suất huy động, nhưng lại thả nổi lãi suất cho vay.

Biện pháp nửa hành chính này, chỉ có lợi cho các NHTM, bởi họ có thể ép doanh nghiệp vay lãi suất cao, trong khi bắt dân gửi tiền lãi suất thấp.

Trong trường hợp này, doanh nghiệp, nền kinh tế không thể ngồi chờ cái gọi là “đạo đức” của các NHTM tự hạ lãi suất, để được vay lãi suất rẻ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.