Bộ Công Thương xóa một tổng cục, giảm nhiều đầu mối

Theo Nghị định của Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ xóa Tổng cục Năng lượng, tách thành 2 vụ và 1 cục
Theo Nghị định của Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ xóa Tổng cục Năng lượng, tách thành 2 vụ và 1 cục
TPO - Cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương được sắp xếp, thu gọn từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị.

Theo Nghị định 98 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức ngành của Bộ Công Thương vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng cao hơn trong tình hình mới, cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương được sắp xếp, thu gọn từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị.

Theo đó, ngoài Cục Quản lý thị trường tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo các quy định pháp luật hiện hành cho đến khi Thủ tướng Chính phủ quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường, các đơn vị hành chính sự nghiệp còn lại áp dụng quy định mới ngay thời điểm Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/8/2017.

Điểm đáng chú ý trong nghị định 98 của Chính phủ là các đơn vị hành chính, sự nghiệp trong cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương được sắp xếp, thu gọn từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị. Với quyết định này, Bộ Công Thương sẽ bỏ Vụ Phát triển nguồn nhân lực, Vụ Thi đua khen thưởng, Vụ kế hoạch.

Các Vụ Thị trường châu Âu và Vụ Thị trường châu Mỹ hợp nhất thành Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ. Tương tự, Vụ Thị trường châu Á- Thái Bình Dương được hợp nhất cùng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á thành Vụ Thị trường châu Á- châu Phi.

Theo quyết định này, Bộ Công Thương sẽ tách Tổng cục Năng lượng thành Vụ Dầu khí và Than; Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo.

Cục Quản lý thị trường được nâng cấp thành Tổng cục QLTT trong khi Cục Quản lý cạnh tranh sẽ chia thành hai đơn vị: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và Cục Phòng vệ thương mại. Cục Công nghiệp địa phương đổi tên thành Cục Công Thương địa phương. 

Như vậy, sau "tái cơ cấu", Bộ Công Thương sẽ còn các đơn vị gồm: Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp; Vụ Khoa học và Công nghệ; Vụ Thị trường châu Á - châu Phi; Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ; Vụ Chính sách thương mại đa biên; Vụ Thị trường trong nước; Vụ Dầu khí và Than; Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Pháp chế; Thanh tra Bộ; Văn phòng Bộ; Tổng cục Quản lý thị trường; Cục Công tác phía Nam; Cục Điều tiết điện lực; Cục Công nghiệp; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng; Cục Phòng vệ thương mại; Cục Xúc tiến thương mại; Cục Công Thương địa phương; Cục Xuất nhập khẩu; Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số; Cục Hóa chất. 

Về khối Viện, Bộ Công Thương sẽ còn duy nhất Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương.

Các đơn vị sự nghiệp khác thuộc Bộ Công Thương trước đây như: Viện Nghiên cứu thương mại; Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim; Viện nghiên cứu cơ khí; Viện Công nghiệp Thực phẩm; Viện Năng lượng; Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu, Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa; Viện Nghiên cứu Sành sứ - Thuỷ tinh công nghiệp; Công ty TNHH1TV Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp; Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp không được nhắc tới trong cơ cấu mới của bộ này.

Trong cơ cấu này, Bộ Công Thương chỉ còn Báo Công Thương và Tạp chí Công Thương (Không còn Nhà xuất bản Công Thương) và duy nhất Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương. 31 khối trường khác thuộc Bộ Công Thương cũng không được nhắc tới và có tên trong danh sách các đơn vị thuộc Bộ Công Thương.

Hai Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại và Trung tâm Y tế - Môi trường lao động Công Thương cũng không được nhắc tới trong cơ cấu mới của Bộ Công Thương.

Theo Nghị định 98 của Chính phủ, Bộ Công Thương là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, bao gồm các ngành và lĩnh vực: điện, than, dầu khí, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp cơ khí, luyện kim, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp môi trường, công nghiệp công nghệ cao; cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khuyến công; thương mại trong nước; xuất nhập khẩu, thương mại biên giới; phát triển thị trường ngoài nước; quản lý thị trường; xúc tiến thương mại; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế; cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phòng vệ thương mại; các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ…

Bên cạnh việc Chính phủ thông qua chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức ngành của Bộ Công Thương, nhiều câu hỏi đặt ra với Bộ Công Thương trong thời điểm này chính là việc cơ cấu mới có giúp làm giảm số cán bộ công nhân viên chức, người lao động? Việc tái cơ cấu bộ máy Bộ Công Thương có giúp tăng tính hiệu quả của các đơn vị cũng như tiết kiệm được tiền cho ngân sách nhà nước? Cùng đó, các lãnh đạo các cục vụ sau khi sát nhập có dôi dư và sẽ được sắp xếp lại thế nào cho các đơn vị mới cũng là câu hỏi được đặt ra.

MỚI - NÓNG