Bộ Giao thông họp báo về trạm BOT Cai Lậy: Còn hàng loạt câu hỏi chưa rõ

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông tại buổi họp báo. Ảnh Như Ý
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông tại buổi họp báo. Ảnh Như Ý
TPO - Xung quanh căng thẳng tại trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang), chiều 17/8, Bộ GTVT tổ chức họp báo để trả lời các câu hỏi còn chưa rõ ràng.

Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, những ngày qua, Bộ GTVT đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư để giải quyết các khúc mắc. Bộ đã trả lời một số cơ quan báo chí, thông báo bước đầu về kết quả xử lý. Ông Đông cho hay, với cuộc họp báo này, Bộ GTVT sẵn sàng trả lời các câu hỏi chưa rõ ràng.

Ngay sau khi được mời, các nhà báo nêu rất nhiều câu hỏi liên quan đến vị trí đặt trạm, về cách thức đầu tư, mức phí… của dự án tuyến tránh Thị xã Cai Lậy nói riêng và các bất cập về đầu tư BOT nói chung.

Về vị trí đặt trạm thu phí Cai Lậy, ông Đông cho hay, với các trạm thu phí mới xây dựng gần đây đều phải nằm trong phạm vi dự án, các dự án trước đây có trạm chưa đúng vào dự án đã được thu xếp lại. Với dự án Cai Lậy, ông Đông cho hay, vị trí đặt trạm hiện nay được đặt trong dự án, thông qua các bộ ngành, địa phương, hội đồng nhân dân.

Về thời gian thu phí sau khi quyết định giảm mức thu như bộ GTVT mới công bố, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý các dự án Đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết, hiện lưu lượng xe qua trạm Cai Lậy chưa ổn định nên chưa thể tính toán được thời gian cụ thể, ước lượng sẽ kéo dài sẽ kéo dài 12-14 năm (hiện là 8,5 năm).

Với câu hỏi mức phí dự án Cai Lậy cao hơn dự án cao tốc Trung Lương, ông Đông giải thích do sự khác biệt giữa hai phương thức thu kín (với cao tốc) và thu hở (đối với dự án BOT trên quốc lộ như trạm Cai Lậy) và phương án tài chính của dự án.

Nhiều nhà báo đặt câu hỏi, thảm mặt đường QL 1A qua thị xã Cai Lậy không lớn (300 tỷ đồng), vì sao Bộ không lấy chi phí bảo trì đường bộ để thảm lại, ông Đông cho rằng Quỹ bảo trì chỉ “vá, láng” chứ không đủ để sửa chữa nâng cấp.

Về trách nhiệm để xảy ra việc này, ông Đông cho hay, các vấn đề phát sinh đều có điều khoản trong hợp đồng. Khi xảy ra vấn đề, nhà đầu tư phải có trách nhiệm trước tiên, Bộ GTVT có trách nhiệm và đã cử tổng cục đường bộ, địa phương cũng có trách nhiệm. Sai hình sự sẽ xử lý hình sự nhưng chưa phát hiện.

“Đã có những bất cập, chưa được người sử dụng đồng thuận. Cái này đã được Quốc hội đã đề ra và Bộ GTVT đang xử lý” – ông Đông nói.

Kéo dài thời gian thu phí kéo theo lãi ngân hàng tăng và người dân phải chịu. Ông Đông cho rằng điều này đúng. Tuy nhiên, phải có phương án tài chính để tính toán và chưa biết sẽ diễn biến ra sao.

Về đề nghị chuyển trạm Cai Lậy ra đường tránh, ông Đông cho hay, trạm này đặt trong dự án. Việc dùng ngân sách để mua lại phần nội thị Cai Lậy sẽ không đủ kinh phí, vì ngân sách cấp cho ngành GTVT rất hạn chế. “Đây là một kênh thu hút vốn, chúng ta không có tiền để mua, Bộ GTVT còn nợ nhiều lắm. Nếu trả khoản kinh phí những năm trước sẽ không cần làm gì cũng đủ khả năng giải ngân” – ông Đông nói.

Lý giải việc chuyển hai cầu thành cống tại dự án, ông Đông cho hay đây là vấn đề kỹ thuật. Ban đầu, dự án đưa ra làm 2 cầu, khi thiết kế thì làm hai cống. Ông Đông cho hay sẽ giảm chi phí nhưng cần thời gian công bố số liệu.

Trả lời Tiền Phong về các dự án BOT hiện nay chủ yếu “không lối thoát”, không có lựa chọn cho người dân, ông Đông nói: “Thực tế ngân sách chúng ta không có. Chúng tôi lo ngại, tới đây, ngay cả kinh phí để thảm lại mặt đường cũng không đủ mà phải xã hội hóa. Tuy nhiên, tới đây chúng tôi sẽ tập trung các dự án làm tuyến mới, hiện đại, thu phí kín”.

Báo Lao Động cho hay, phóng viên đã đo tuyến đường thiếu 250 m, tương đương vài tỷ đồng. Trả lời câu hỏi này, ông Đông cho hay, chiều dài sẽ được đo cụ thể dựa trên quyết toán.

Về chất lượng, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng Bộ GTVT cho biết thêm. Các bước dự án đều được giám sát. Hiện dự án đang được hoàn công. Theo hồ sơ, hiện theo hồ sơ đều đảm bảo.

Về hành lang pháp lý của BOT, ông Đông cho hay hiện đang có nghị định. Tuy nhiên chưa giải quyết được vấn đề. Hiện Bộ GTVT cho biết đang đề nghị Chính phủ xây dựng Luật Đối tác công tư. Luật này mới có thể giải quyết các bất cập hiện nay như bắt buộc nhà đầu tư phải nộp ngay số tiền.

“Ai cũng muốn miễn phí. Các nước Châu Âu không thu phí. Chí có những nước đang phát triển như Việt Nam, Trung Quốc, thậm chí là Hàn Quốc vẫn phải phát triển BOT” – ông Đông nói. Thứ trưởng GTVT cho hay, hiện ngân sách trung hạn cấp cho Bộ GTVT chỉ đáp ứng được 30 %, mong 70% này thu hút được của nhà xã hội hóa.

>>Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói về 'điểm nóng' trạm BOT Cai Lậy

MỚI - NÓNG