Bộ Tài chính trình đề xuất thuế môi trường xăng dầu 8.000 đồng/lít

TPO - Theo một cán bộ của Bộ Tài chính, việc bộ này trình Chính phủ để trình Quốc hội dự án Luật thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó có phương án tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít, mới là đưa ra để Quốc hội thảo luận.

Trước đó, sau khi Bộ Tài chính trình Chính phủ, ngày 10/3 vừa qua, Bộ Tư pháp đã thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật thuế bảo vệ môi trường vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Theo đó, dự kiến dự án luật sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 10 tới.

Theo lý giải của cán bộ Bộ Tài chính, phương án nâng khung thuế môi trường với xăng dầu trình Quốc hội là để Quốc hội thảo luận, chưa chắc trình ra sẽ được thông qua ngay. Phương án đưa ra trong dự thảo luật mới là tăng khung, không phải tăng mức thuế ngay. Còn sau này có tăng thuế hay không phải do Thường vụ Quốc hội quyết định, dựa trên các yếu tố về giá xăng dầu thế giới, thay đổi thuế nhập khẩu… 

Theo phương án khung thuế môi trường với xăng dầu được Bộ Tài chính xây dựng, bộ này đề xuất: Với xăng, khung thuế môi trường tăng lên từ 3.000 - 8.000 đồng/lít (thay cho mức 1.000 - 4.000 đồng/lít hiện hành), nhiên liệu bay từ 3.000 - 6.000 đồng/lít (thay mức 1.000 - 3.000 đồng/lít), dầu diezel từ 1.500 - 4.000 đồng/lít (thay mức 500 - 2.000 đồng/lít). 

Riêng dầu hỏa từ 300 - 2.000 đồng/lít, dầu mazut và dầu nhơn từ 900 - 4.000 đồng/lít (luật hiện hành cả 3 sản phẩm này từ 200 - 2.000 đồng/lít).

Đối với xăng sinh học, xăng E5 mức thuế đề xuất từ 2.700 - 7.200 đồng/lít, xăng E10 từ 2.500 - 6.800 đồng/lít (tương ứng bằng 90% và 85% mức thuế xăng khoáng).

Góp ý kiến cho dự thảo trên của Bộ Tài chính, phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và nhiều chuyên gia đều không đồng tình, vì tăng khung sẽ tạo điều kiện để tăng thuế sau này, ảnh hưởng tới các chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, phải cắt giảm chi phí.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, mức thu thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng bị đánh thuế (xăng, dầu, túi ni-lông…) liên tục ổn định từ năm 2012 – 2016, và số thu luôn tăng. Năm 2012 thu được 11.160 tỷ đồng, năm 2015 thu được 27.020 tỷ đồng, năm 2016 khoảng 42.393 tỷ đồng. Mức thu đó chiếm từ 1,5% đến 4,1% tổng thu ngân sách nhà nước, và chiếm tỷ trọng 0,3% - 0,9% trên GDP hàng năm.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.