Các địa phương sẽ được vay lại ODA

TP - Nhằm siết lại đầu tư công và nợ công, đặc biệt nợ nước ngoài, Bộ Tài chính đang xây dựng chính sách cho các địa phương vay lại nguồn vốn ưu đãi nước ngoài (vốn ODA), thay vì cấp phát như hiện nay. Tuy nhiên, cơ chế này khiến nhiều người lo ngại địa phương sẽ “vung tay quá trán” khi được tự đi vay để tiêu.

Giảm bao cấp

Sáng 22/3, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, Luật Ngân sách nhà nước 2015 (có hiệu lực từ năm 2017), cho phép địa phương bội chi (cho địa phương được quyền vay nợ và trả nợ). Theo cơ chế này, các khoản vay ODA sẽ được ngân sách trung ương cho các địa phương vay lại và tự chịu rủi ro. Với cơ chế này, ông Long kỳ vọng, sẽ tăng trách nhiệm chính quyền địa phương trong sử dụng vốn vay, góp phần quản lý hiệu quả nợ công.

Theo Bộ Tài chính, 10 năm qua (2005-2015), tổng vốn vay ưu đãi (ODA) Việt Nam đã ký kết khoảng 45 tỷ USD. Trong đó, 1/3 sử dụng cho ngân sách trung ương chi đầu tư; 1/3 cấp cho địa phương; 1/3 dùng cho vay lại với các dự án trọng điểm quốc gia. Trong phần vốn ODA cấp về địa phương, hầu hết (92,2%) là cấp phát, chỉ phần nhỏ còn lại cho vay lại.

Bộ Tài chính đánh giá, cơ chế cấp phát vốn hiện nay đang đặt nhiều vấn đề cần xử lý, như vốn địa phương sử dụng, nhưng toàn bộ rủi ro lại do trung ương gánh. “Hậu quả của cơ chế hiện nay là tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả, dự án chậm tiến độ, đội vốn. Việc duy trì cơ chế mang tính bao cấp từ phía trung ương trong thời gian dài, đã tạo tâm lý ỷ lại, trông chờ vào nhà nước…”, ông Long nói.

Theo Bộ Tài chính, trước năm 2010, Việt Nam vẫn là nước thu nhập thấp, các khoản vay ưu đãi kéo dài 30-40 năm, lãi vay chỉ 0,7-0,8%/năm. Tuy nhiên, từ năm 2010 (thành nước thu nhập trung bình), ưu đãi trong các khoản vay nước ngoài giảm rõ rệt (kỳ hạn vay còn 10-25 năm, lãi suất từ 2%/năm trở lên). Đặc biệt, dự kiến tháng 7/2015, Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ kết thúc các khoản vay theo điều kiện ưu đãi với Việt Nam, chuyển sang vay vốn thị trường. Việt Nam sẽ phải trả nợ nhanh gấp đôi (khoản vay 20 năm sẽ phải trả trong 10 năm), hoặc tăng lãi suất lên 2% - 3,5%/năm.

Để sử dụng hiệu quả vốn ODA trong thời gian ngắn còn lại, ông Long cho biết, phải giảm tính bao cấp của nhà nước trong cơ chế sử dụng vốn vay nước ngoài. Các địa phương cũng phải chia sẻ gánh nặng nợ với ngân sách trung ương thông qua cơ chế cho vay lại.

Lo địa phương vung tay quá trán

Với cơ chế trao thêm quyền tự đi vay để tiêu cho chính quyền địa phương, không ít chuyên gia lo ngại, điều này có thể dẫn tới tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, đặc biệt khi tư duy nhiệm kỳ còn nặng nề như hiện nay. Trước đây, khi nhà nước cấp phát vốn, địa phương chi tiêu sẽ bị kiểm soát chặt, nhưng tới hết tháng 12/2014, số nợ đọng xây dựng cơ bản và vốn ứng trước từ ngân sách nhà nước của các bộ ngành và địa phương vẫn lên tới khoảng 86.000 tỷ đồng. Nay cơ chế này được cởi bỏ, việc kiểm soát ra sao, nợ địa phương sẽ về đâu?

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong, ông Trương Hùng Long cho biết: Hiện, cơ chế ngân sách đang cấp phát trực tiếp về địa phương và Chủ tịch UBND tỉnh có quyền phê duyệt. Tuy nhiên, khi cho địa phương quyền đi vay (được bội chi), lúc đó việc chi tiêu phải trong kế hoạch đầu tư trung hạn, thẩm quyền quyết định thuộc về HĐND tỉnh. “Khi đó, địa phương phải tính toán các phương án, cân nhắc vai trò, hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ. Do đó tránh được tình trạng các địa phương đi xin ứng trước vốn để tiêu như hiện nay”, ông Long kỳ vọng.

Về trách nhiệm cơ quan trung ương, ông Long cho biết, hằng năm Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ đưa ra hạn mức được vay của từng tỉnh. Hạn mức được quyết định dựa vào nguồn thu ngân sách, hiệu quả sử dụng vốn, khả năng trả nợ của từng tỉnh.

Sức ép trả nợ sẽ đạt “đỉnh” trong 6 năm tới

Hiện mỗi năm Chính phủ dành khoảng 155.000 tỷ đồng để trả nợ và viện trợ. Năm 2016, theo Bộ Tài chính, ngân sách nhà nước phải tập trung xử lý những khoản vay ngắn hạn trong giai đoạn 2011-2013 nay đã tới kỳ hạn trả (khoảng 70% vốn huy động thông qua tín phiếu, trái phiếu kỳ hạn 3-5 năm).

Thời gian tới, theo Bộ Tài chính, bình quân kỳ hạn các khoản nợ phải trả của Việt Nam khoảng 12 năm. Việt Nam phải trả nợ nhiều nhất sẽ rơi vào giai đoạn năm 2022-2025. Ông Long cho hay, Chính phủ đang làm việc với WB để có lộ trình trả nợ, hạn chế tối đa tác động trả nợ nhanh tới ngân sách nhà nước và chủ đầu tư sử dụng vốn ODA.

Theo ông Long, những dự án có khả năng thu hồi vốn tốt sẽ chuyển sang cơ chế vay vốn thị trường, nhà nước không gánh thay rủi ro. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm, minh bạch trong quản lý, sử dụng vốn vay.

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.