Các doanh nghiệp cần tìm cách hạ giá thành

Các doanh nghiệp cần tìm cách hạ giá thành
TPCN - Bên lề phiên họp 39 Ủy ban TVQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng đã trao đổi với báo chí về nhiều vấn đề nổi lên hiện nay: quản lý vốn đầu tư sau vụ PMU18, tác động xấu của việc tăng giá xăng dầu...

Thưa ông, sau khi giá xăng dầu tăng, Chính phủ đã tính toán đến những tác động của việc này đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và giá cả các mặt hàng khác trong thời gian tới?

Chắc chắc việc tăng giá xăng dầu có tác động và Chính phủ cũng đang phải xem xét rất kỹ để có thể hạn chế tối đa các tác động xấu. Việc tăng giá xăng vào thời gian vừa rồi là không thể tránh được, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao thì Chính phủ không thể có cách gì mà ép giá xuống.

Nhưng trước việc giá xăng tăng như thế, Chính phủ đã hạ thuế suất xuống mức còn 0% và gánh nặng đang dồn lên ngân sách Nhà nước.

Hiện nay, tác động xấu thì cũng mới chỉ có mỗi xăng dầu thôi chứ một số mặt hàng khác giá tăng lại có lợi cho người sản xuất, ví dụ như gạo, cao su, cà phê.

Giá xăng tăng thì sẽ giới hạn tác động ở một phạm vi nhất định còn những mặt hàng kia tăng thì đa số người sản xuất được hưởng.  Cũng cần nói thêm, việc tăng giá xăng tác động chủ yếu đến đối tượng hưởng lương Nhà nước.

Nhưng nhiều doanh nghiệp lớn cũng đang đòi tăng giá sản phẩm của mình trước việc giá xăng tăng cao?

Không cho tăng giá thì các doanh nghiệp có thể bị giảm lợi nhuận và việc thu ngân sách sẽ bị giảm. Nhưng mục tiêu của Chính phủ trong việc yêu cầu doanh nghiệp khác không được tăng giá là nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp đó tìm cách giảm giá thành sản phẩm.

Trước khi muốn tăng giá thì tìm cách mà hạ giá thành đã. Giá thành được tạo bởi chi phí sản xuất, chi phí lưu thông, cuối cùng là thuế. Như thế thì phải tính đến chuyện giảm chi phí sản xuất, chi phí phân phối lưu thông.

Trong hội nhập, thuế sẽ hạ hết xuống còn từ 0-5%, nếu doanh nghiệp không tích cực giảm giá thành thì không thể cạnh tranh được. Nếu làm tốt việc hạ giá thành mà vẫn gặp khó khăn thì Chính phủ mới xem xét việc cho tăng giá.

Tác động của tăng giá xăng, như ông vừa nói  ảnh hưởng lớn nhất là đến những đối tượng hưởng lương Nhà nước. Liệu sau đợt tăng giá này, tốc độ cải cách tiền lương có được đẩy nhanh?

Theo lộ trình thì từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục tăng lương. Hiện nay, phần ngân sách dùng để trả lương đang chiếm 1/3 tổng ngân sách. Nếu tăng gấp đôi tiền lương mà dùng ngân sách để chi trả thì sẽ không còn nhiều ngân sách dành cho đầu tư phát triển, chi cho các lĩnh vực xã hội, công ích...

Thế nên gắn với tăng lương, chúng ta còn phải đẩy mạnh xã hội hoá các lĩnh vực giáo dục, y tế để tạo thêm những nguồn trả lương khác rồi thì mới có bước thay đổi cơ bản về tiền lương được.

Sau vụ tiêu cực xảy ra tại PMU 18, Bộ Tài chính đã rà soát lại các quy định về quản lý vốn đầu tư từ ngân sách và vốn ODA, thưa ông?

Cái này Chính phủ đã giao cho Bộ KH-ĐT chủ trì cùng các bộ liên quan xem xét, rà soát lại xem mình có những sơ hở gì về cơ chế. Tiếp đến là tăng cường giám sát, kiểm tra việc sử dụng vốn. Cái cơ bản là phải xem xét toàn diện, cả về cơ chế và con người.

 H.K (lược ghi)

MỚI - NÓNG