Các ông lớn giao thông phấn chấn trong màu áo tư nhân

Bệnh viện GTVT Trung ương là đơn vị sự nghiệp công lập, bệnh viện công đầu tiên được IPO thành công (vào ngày 21/10/2015). Ảnh: Như Ý
Bệnh viện GTVT Trung ương là đơn vị sự nghiệp công lập, bệnh viện công đầu tiên được IPO thành công (vào ngày 21/10/2015). Ảnh: Như Ý
TP - Năm 2011 - 2015 là thời kỳ cổ phần hóa (CPH) mạnh mẽ của ngành GTVT - lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp (DN) nhà nước quy mô lớn nhất trong các bộ ngành. Hiện nay, DN phát triển mạnh, thu nhập của người lao động tăng, đóng góp tích cực vào nền kinh tế đã chứng minh hiệu của quá trình chuyển dịch dần từ kinh tế nhà nước sang kinh tế tư nhân…

Tư nhân nắm quyền, hiệu quả tăng rõ rệt

Tổng công ty (TCT) Xây dựng Ðường thủy (Vinawaco) vốn là đơn vị làm ăn bê bết, nhiều tai tiếng nhất của Bộ GTVT. Ông Ngô Văn Tuấn, Tổng GÐ Vinawaco cho hay: Khi vừa CPH xong, chủ nợ thuê đầu gấu đến đòi nợ, trấn áp lãnh đạo; lương công nhân 6, 7 tháng không trả được; không có đất đai, máy móc hết hạn sử dụng.

Sau đó, Vinawaco trả hết nợ, trả lương đúng hạn, toàn bộ thiết bị máy móc đã đại tu, sửa chữa mua mới đi vào thi công. “Trước CPH, tôi đi đến đâu cũng bị đuổi vì làm ăn bê trễ, bùng nhùng; nay các dự án đã hoàn thành đúng chất lượng, tiến độ, lương công nhân tăng 15%” – ông Tuấn nói. Ông Tuấn là Chủ tịch Cty TNHH Ðầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng, bỏ ra 200 tỷ đồng mua 61% cổ phần, nắm quyền chi phối Vinawaco.

Ðó là câu chuyện tương đối điển hình của các DN ngành GTVT hậu CPH. Trong 5 năm qua, ngành GTVT triển khai CPH 137 DN (bao gồm 16 TCT, tăng 67 DN so với kế hoạch phê duyệt); trong đó, có các TCT quy mô lớn như: Hàng không VN, Cảng hàng không VN, Hàng hải VN.

Ðến nay, 124 DN đã hoàn thành chuyển đổi sang công ty cổ phần, trong đó có 12 TCT, thực hiện nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN tại TCT Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) 1.701 tỷ đồng (chưa bao gồm ACV); chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại 6 DN sang SCIC với tổng số vốn 581 tỷ đồng.

Với 11 TCT (ACV mới hoàn thành IPO cuối năm 2015) chuyển sang mô hình công ty cổ phần, theo báo cáo tài chính được kiểm toán, tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh cơ bản có mức tăng trưởng tốt về doanh thu, lợi nhuận, vốn chủ sở hữu, thu nhập bình quân người lao động và nộp ngân sách. Trong đó, những DN thoái toàn bộ vốn hoặc tỷ lệ vốn nhà nước còn nắm giữ dưới 35% vốn điều lệ có tốc độ phát triển tốt hơn (điển hình là Cienco 1, Cienco 4).

Ðặc biệt, Bộ GTVT là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm CPH 12 đơn vị sự nghiệp công lập mà “phát súng lệnh” đầu tiên là Bệnh viện GTVT Trung ương (đây cũng là bệnh viện đầu tiên cả nước thực hiện CPH). Giá trị thương hiệu của T&T với tư cách là cổ đông chi phối và những cam kết của Tập đoàn này (tập trung đầu tư các dịch vụ y tế chất lượng cao, tăng thu nhập cho người lao động mỗi năm từ 10-15%) đã tạo nên bầu không khí phấn chấn. 

TS Trần Trung - GÐ bệnh viện cho hay: “Tâm lý lo lắng trước khi CPH nay đã được thay thế bằng không khí háo hức chờ đợi sự thay đổi về quản trị, phong thái làm việc mới và hy vọng vào sự ổn định và phát triển“. Ngoài ra, theo ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Quản lý DN Bộ GTVT, ưu điểm không nhỏ của CPH bệnh viện này là ngân sách không phải chi khoản lương khoảng 25 tỷ đồng/năm cho các y bác sỹ tại đây.

Ðánh giá chung tình hình DN thuộc Bộ sau CPH, ông Minh cho rằng: “Sau khi chuyển thành công ty cổ phần, dưới sự giám sát của Ðại hội đồng cổ đông, các cơ chế, quy chế quản lý của công ty cổ phần đã làm tăng tính công khai, minh bạch của DN, giảm chi phí, giá thành sản phẩm, dịch vụ. Ðiều này khẳng định năng lực quản trị của DN đã được cải thiện, thay đổi tích cực“.

Nhà nước không “tranh” việc của tư nhân

Kết quả nêu trên bắt nguồn từ chủ trương của Ðảng và sự chỉ đạo chặt chẽ của Chính phủ. Với Bộ GTVT, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay: “Ban Cán sự đảng của Bộ ban hành Nghị quyết chuyên đề; trong đó, trọng tâm là CPH tất cả các DN thuộc diện nhà nước không cần nắm giữ trên nguyên tắc nhà nước đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của DN. Nhà nước chỉ nắm giữ tại các lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không làm được, không muốn làm và không được làm, còn lại là xã hội hóa triệt để“.

Lãnh đạo Bộ GTVT cam kết, chủ trương CPH triệt để sẽ tiếp tục được thực hiện. Theo kế hoạch phê duyệt, sau năm 2015, Bộ GTVT chỉ còn 4 TCT do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chủ yếu hoạt động công ích (Ðường sắt VN, Quản lý bay, Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc và miền Nam) và 2 công ty thuộc Bộ (Thông tin điện tử hàng hải VN và Nhà xuất bản GTVT).

Nhìn lại quá trình tái cơ cấu, CPH doanh nghiệp, Bộ GTVT đã vượt qua không ít khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là chưa có hệ thống quy định cơ chế, chính sách đầy đủ, đồng bộ dưới hình thức Nghị định hoặc Luật để tạo hành lang pháp lý trong quá trình thực hiện tái cơ cấu. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính cho tái cơ cấu rất hạn chế, kinh nghiệm tái cơ cấu gần như không có dẫn đến việc tái cơ cấu DN hết sức khó khăn, phức tạp.

Ðể khắc phục, Bộ GTVT bám sát thực tiễn, nắm bắt, chủ động đề xuất kịp thời 9 cơ chế chính sách để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, gồm tỷ lệ đối chiếu công nợ, quy trình lựa chọn tư vấn xác định giá trị DN, tư vấn bán cổ phần lần đầu, kiểm toán nhà nước kiểm toán kết quả xác định giá trị DN, CPH công ty con đồng thời công ty mẹ, xác định giá trị quyền sử dụng đất… Ðồng thời, Bộ đã chủ động đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thoái vốn theo lô. Thông qua kết quả thí điểm cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định CPH các đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện đồng bộ trong cả nước. 

Bộ GTVT vượt kế hoạch

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện công tác tái cơ cấu, sắp xếp, CPH DN nhà nước thuộc Bộ GTVT tổ chức vào đầu tháng 12/2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Ðổi mới và phát triển DN đánh giá: Bộ GTVT hoàn thành vượt mức kế hoạch về tái cơ cấu, sắp xếp, CPH với số lượng DN tăng hơn so với kế hoạch được duyệt. Các hình thức sắp xếp khác như giải thể, phá sản, sáp nhập cũng được Bộ GTVT triển khai tích cực. Ngoài ra, Bộ GTVT đã triển khai thi điểm từng bước CPH đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế và giáo dục.

 “Chúng ta thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp, CPH nhắm tới hai mục tiêu là thoái vốn ở những DN nhà nước không cần nắm giữ để đầu tư lĩnh vực nhà nước cần nắm giữ; nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN, các đơn vị sự nghiệp để phục vụ tốt hơn cả về số lượng và chất lượng. Với mục tiêu như thế, Bộ GTVT đã triển khai thực hiện rất tích cực”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho rằng, sau khi thực hiện CPH hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN đều có hiệu quả hơn. Tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, doanh thu, thu nhập bình quân người lao động đều tăng trong khi tỷ suất nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lại giảm. Cùng với đó, Bộ GTVT triển khai nghiêm túc việc chuyển giao vốn về SCIC.

“Quá trình triển khai thực hiện có nhiều vướng mắc vì đặc thù các DN là khác nhau trong khi chính sách lại chung cho tất cả. Tuy nhiên, Bộ GTVT chủ động phối hợp với các Bộ trình Chính phủ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc một cách kịp thời”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.

Giai đoạn 2011-2014, tổng doanh thu của 18 TCT thuộc Bộ (không tính Vinashin vì thực hiện lộ trình tái cơ cấu theo đề án của Chính phủ) tăng trưởng 15,28%; lợi nhuận trước thuế tăng 194,84%, bình quân tăng 48,7%/năm; nộp ngân sách nhà nước tăng 51,52%, bình quân tăng 12,85%/năm; thu nhập bình quân người lao động tăng 32,28%, bình quân tăng 8,07%/năm.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.