Mua bán cổ phiếu (CP) không chính thức:

Cạm bẫy trên thị trường OTC

Cạm bẫy trên thị trường OTC
TP - Dân đầu tư cổ phiếu OTC nếu nghe tin giá trung bình của CP Mai Linh “mẹ” chỉ 45.000-46.000đồng/CP mà có kẻ lại rao mua đến 55.000đồng/CP đều sẽ cười “trò trẻ con”. Nhưng họ sẽ cảnh giác khi ai đó đòi mua nhiều và cao hơn bất thường một loại CP nào đó.
Cạm bẫy trên thị trường OTC ảnh 1

Bài học xương máu

Nửa cuối năm 2006, khi mới tham gia sân chơi OTC, Đặng Thị Bích V. (Ngô Đức Kế, P. Bến Nghé, Q.1 TPHCM) dính ngay một lô cổ phiếu ngân hàng An Bình giá cao.

Đang hoang mang giữa khoảng giá 700.000 - 780.000 đồng/ cổ phiếu (mệnh giá 100.000 đồng) thì cô được chào mua với giá 775.000 đồng/ cổ phiếu, hỏi khắp nơi không ai trả lời chính xác vì OTC không có giá niêm yết, tự thỏa thuận là chính.

Cẩn thận, V. lên các trang web dò giá và chấp nhận đặt cọc ngay mua lô 3.000 cổ phiếu An Bình vì 4 - 5 tin liên tiếp đều đăng mua, bán trên giá cô được chào.

Bốn ngày sau, tình cờ V. phát hiện toàn bộ những tin trên là trò làm giá của một nhóm chuyên “kích” giá để bán giá cao, còn ngay ngày hôm đó không khó để mua giá 730.000- 740.000 đồng/cổ phiếu. Xem như V. phải trả học phí trên dưới 100 triệu đồng để khôn hơn. May cho cô, An Bình lên chứ xuống thì chắc là “em lại phải cầm cố nhà”.

Các trang web OTC mọc nhan nhản và luôn bị lợi dụng để làm giá nên các quản trị mạng đều cảnh báo “tự chịu trách nhiệm” khi các thành viên giao dịch trên đó.

Chuyện từ TPHCM, biết nhau qua web rồi gọi điện đặt cọc mua ngoài Hà Nội hay ngược lại trung gian sau đó bị “xù” do giá lên cao hay xuống thấp chỉ vài ba ngày là chuyện thường ngày.

Nguyễn Ngọc Tiến (Cty TNHH Việt Úc) vẫn còn căm chuyện anh đặt cọc 50 triệu đồng một lô 8.000 HPG (Hòa Phát) khi giá đang còn dưới 80.000 đồng/cổ phiếu.

Hẹn 3 ngày sau hoàn tất thủ tục và giao cổ phiếu, giao tiền cho chủ lô cổ phiếu tại Hà Nội thông qua một người bạn của anh ta tại TPHCM. Đúng hẹn HPG đang lên vùn vụt và chủ lô cổ phiếu trên tỉnh bơ: “Em có biết đâu, anh đi tìm thằng ấy mà lấy lại tiền, em cũng đang bị nó chiếm 100 triệu  tiền vốn đây”.

Hai tuần sau, Tiến mới lấy lại được tiền và “còn may cho em vì biết nhà biết cửa, giao tiền tại đấy và nó đang thắng nên không muốn ầm ĩ”.

Lừa lọc từng giờ

Tại chợ chứng khoán sát trụ sở của Cty Chứng khoán SSI (Nguyễn Công Trứ, Q.1, TP HCM), sáng nào cũng được nghe chuyện lừa lọc. Hết Tâm “mập” bị “ bỏ bom” bán hớ quả Bảo hiểm dầu khí mất 200 triệu đến bà Thủy “Phú Mỹ Hưng” đang tìm “cò” cầm sổ Eximbank đi thế chấp tín dụng đen vay tiền hơn tuần nay hoặc “ông Thắng “cáo” thế mà cũng bị con Hồng lừa vụ Đông Á mất cả tỷ bạc”.

Thế mới thấy không chỉ dân đầu tư “cò con” bị dính bẫy mà ngay cả các nhóm có máu mặt trên OTC cũng thường xuyên “ăn phải bả” của nhau.

Tháng 1/2007, dân trong chợ chứng khoán SSI ai cũng phải thán phục nhóm Hương, Thủy, Cúc, Thu... tung tin Hoàng Anh - Gia Lai “có vấn đề” và họ bán tống bán tháo 4.000 cổ phiếu, gặp ai cũng nài nỉ: “Em xem có mua hộ chị ít, chịu tiền vài ngày cũng được”.

Nhiều người lo nhóm này mà thế thì mình cũng phải bán vội. Thế là thi nhau bán theo với giá trên dưới 80.000 đồng/ cổ phiếu . Nhóm Hương, Thủy âm thầm gom hơn 150.000 cổ phiếu và đến khi Hoàng Anh - Gia Lai bắt tay với Asenal đầu tháng 3 thì 120.000 đồng/ cổ phiếu cũng chẳng có mà mua.

Còn việc “mua” chính người trong các Cty, tổ chức có quyền công bố thông tin để họ cố tình “rò rỉ” thông tin có lợi cho các nhóm nhà đầu tư hoặc đại gia nắm số lượng cổ phiếu khổng lồ đang muốn mua thêm hay bán bớt vẫn xảy ra như cơm bữa.

Trước Tết Đinh Hợi, cổ phiếu M. đang từ 45.000-46.000đ đồng/cổ phiếu rớt nhanh xuống 32.000-35.000 đồng/cổ phiếu vì chính một nhân vật VIP có uy tín trong giới OTC “vô tình” tiết lộ M. đang bị ngân hàng xiết nợ, Thanh tra Chính phủ sắp vào làm việc.

Thật ra, đó là trò ghìm giá để thu gom cổ phiếu M. giá thấp. Ngay sau Tết M. công bố kết quả kinh doanh khả quan và trả cổ tức 35% đã khiến nhiều người yếu vía bán tháo cổ phiếu M. ngẩn ngơ, tiếc đứt ruột vì M. đã lên gần 80.000 đồng/cổ phiếu.

Nhưng thời gian qua dân chơi OTC phập phồng nhất là chuyện kiểu như Thiên Việt. Nghe thông tin cực tốt giá lên trên 80.000 đồng/cổ phiếu. Hai tuần sống trong tin xấu loan tải khắp các báo, cổ phiếu Thiên Việt lập tức sụt giá.

Việc chơi cổ phiếu B. hay K. trên OTC thua méo mặt vì “sập bẫy” thông tin dỏm không ai dám khoe nhưng cũng chẳng biết đâu mà kiện cáo thông tin sai lệch này.

Ông Trần Đắc Sinh - Giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM - ngán ngẩm nói: “OTC đã đến mức báo động đỏ, một phần lỗi là do các nhà đầu tư ham lời nhiều nên dễ bị lũng đoạn, làm giá, tung tin thất thiệt. Đừng nên đùa quá dai, quá mạo hiểm với sản nghiệp của mình”.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.