Đổi mới quản lý vốn xây dựng cơ bản:

Cần nghiêm cấm kiểu cấp trên giới thiệu nhà thầu

Cần nghiêm cấm kiểu cấp trên giới thiệu nhà thầu
TP - Sau vụ PMU 18, có nhiều báo cáo của các bộ lên Chính phủ về sử dụng vốn ngân sách, ODA trong đầu tư XDCB đã kiến nghị cần có quy định mới chống đấu thầu hạn chế.
Cần nghiêm cấm kiểu cấp trên giới thiệu nhà thầu ảnh 1

Đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, một trong những công trình thất thoát lớn ảnh: Phùng Sưởng

Những bàn cãi: vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) thất thoát 30 hay 40% đã tạm lắng. Khi Chính phủ yêu cầu tất cả các bộ báo cáo thực trạng sử dụng vốn ngân sách, ODA… nhiều người đã đặt vấn đề:

Đổi mới quản lý vốn phải từ quản lý con người, cụ thể là những nhà thầu “sân sau” chuyên vây, thông thầu, hối lộ…

60% gói thầu được đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu!

Sau vụ PMU 18, có nhiều báo cáo của các bộ lên Chính phủ về sử dụng vốn ngân sách, ODA trong đầu tư XDCB đã kiến nghị cần có quy định mới chống đấu thầu hạn chế.

Không nên tách vốn ODA khỏi vốn ngân sách

Theo Bộ KH&ĐT, hệ thống quản lý vốn ODA còn quá cồng kềnh, không hiệu quả. GS-TS Nguyễn Mại-Tổ nghiên cứu kinh tế đối ngoại của Chính phủ cho rằng:

Để quản lý vốn ODA chặt chẽ hơn, tránh chồng chéo, không nên tách ODA khỏi vốn ngân sách Nhà nước như hiện nay. ODA hiện chiếm khoảng 22% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, mục tiêu cũng là tạo tăng trưởng kinh tế, do đó, tách nguồn vốn ODA đầu tư độc lập là không chuẩn xác, tạo nhiều khe hở…

Để quản lý nguồn vốn đầu tư XDCB khổng lồ đang bị thất thoát ở nhiều nơi, các chuyên gia kinh tế đề nghị phải xem xét lại toàn bộ gần 20 nghị định, thông tư; xem xét tính phù hợp của nó với luật đã ban hành trước đó. Đây là gánh nặng rất lớn, song chậm thực hiện cùng đồng nghĩa góp phần làm thất thoát tiền của nhân dân.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Ngọc Thuật đề nghị: “Cần nghiêm cấm cán bộ quản lý cấp trên giới thiệu nhà thầu đến chủ đầu tư, Ban quản lý dự án trực thuộc…”.

Nhận định chung về tình hình đấu thầu, Bộ KH&ĐT cho biết, hình thức đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu là phổ biến hiện nay ở các địa phương ( chiếm 60%), đấu thầu hình thức, thông thầu diễn ra rất phức tạp.  Nhiều gói thầu được chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế hiệu quả thấp, giá trị tiết kiệm qua đấu thầu rất thấp.

Do tình trạng đấu thầu khép kín ở rất nhiều nơi, các chủ thể tham gia đấu thầu, xét thầu (quan chức, chủ đầu tư, nhà thầu) đều thuộc một bộ, ngành, địa phương đã làm giảm tính minh bạch, tiêu chuẩn đánh giá tùy tiện… 

Chưa có thống kê cụ thể về các dự án bị vây, thông thầu… song, theo các chuyên gia xây dựng, điểm mặt tất cả các dự án bị phát hiện tham nhũng, tiêu cực đều thấy tình trạng có hạng mục đã bỏ qua việc đấu thầu, khiến đội giá, tham nhũng.

Còn tình trạng “B ruột” (bên B có quan hệ đặc biệt với bên A) thì khá phổ biến. Một quan chức Cty xây dựng ở Hà Nội cho biết, nếu không có thông thầu thì các Cty xây dựng cũng khó thắng được thầu xây dựng. Mỗi công trình qua tay các nhà thầu đều bị cắt phần trăm, giá công trình bị đội lên, còn chất lượng thì giảm.

Có những công trình thất thoát 100% (xây dựng xong nhưng bỏ hoang) cũng một phần bởi tình trạng thông thầu, không coi trọng khâu chuẩn bị đầu tư.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, trong 5 năm 2001-2005, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.100 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư cho các địa phương chiếm hơn 63%. Nếu suy luận một cách tương đối thì 5 năm qua, hàng trăm nghìn tỷ đồng nằm trong các dự án bị đấu thầu hạn chế. Kéo theo việc thất thoát, lãng phí là rất lớn.

Không “khoán trắng” cho chủ đầu tư

Tính đến nay, số lượng chính sách quản lý vốn đầu tư XDCB đã làm “bội thực” người thực thi. Tuy nhiên, theo Cục quản lý XDCB (Bộ NN&PTNT), nhược điểm lớn nhất là không làm rõ được mối quan hệ giữa cấp quyết định đầu tư và chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách và các nguồn vốn tài trợ.

Năm 2006, tổng vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước là 81,58 nghìn tỷ đồng (trong đó, ODA là 7,85 nghìn tỷ đồng), chiếm 21,7% tổng đầu tư toàn xã hội.

Nếu chính sách quản lý không được đổi mới thì lượng tiền thất thoát rất lớn. Trong 3 năm qua, để khắc phục quản lý yếu kém và tránh tình trạng các bộ ở TW tham nhũng chính sách (do vừa hoạch định chính sách vừa phân bổ vốn), Chính phủ đã giảm tỷ trọng do TW quản lý vốn từ 37% xuống 30,5%; tỷ trọng vốn do địa phương quản lý tăng từ 63% lên 69,5%.

Hiện nay, cấp xã đã được phân cấp quyết định thực hiện dự án có trị giá 1 tỷ đồng trở xuống, cấp huyện: 3 tỷ đồng trở xuống.

Hai văn bản quan trọng cần sửa đổi sớm trước hết là: Nghị định 16 năm 2005 của Chính phủ về quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; Nghị định 17 về quản lý và sử dụng vốn ODA.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Thuật, việc giao quá nhiều quyền lực cho chủ đầu tư hoặc đại diện chủ đầu tư như Nghị định 16 có thể khiến cơ quan quản lý đứng ngoài cuộc, “khoán trắng” cho chủ đầu tư trong khi năng lực chủ đầu tư hạn chế, khiếm khuyết như trường hợp PMU 18 là ví dụ.

Chính vì vậy phải có quy chế trách nhiệm của cá nhân, tổ chức ra quyết định và thẩm định các dự án đầu tư; chống khép kín trong đầu tư XDCB. Ông Thuật đặc biệt nhấn mạnh, phải khắc phục ngay tình trạng thanh, kiểm tra hình thức.

Với rất nhiều dự án đã qua 1 lần thanh tra và kết luận “không có vấn đề gì” nhưng khi tiêu cực, thất thoát bị phát hiện thì tổ chức thanh tra nêu kết luận trên vô can là không thể chấp nhận.

MỚI - NÓNG