Cẩn trọng nới tín dụng

TP - Thông tin tín dụng quý 1 tăng mạnh nhất trong 8 năm trở lại đây và Chính phủ quyết tâm thực hiện mục tiêu GDP đạt 6,7% năm 2017, sẽ phải nới lỏng chính sách tiền tệ và tăng tín dụng đang gây nhiều quan ngại.

Số liệu tăng trưởng tín dụng mới nhất cho thấy, tín dụng đã tăng 5,76% trong 4 tháng, cao hơn nhiều so với con số công bố trước đó tại Họp báo Chính phủ tháng 4 và là mức cao nhất trong 8 năm. Cùng thời điểm này, Chính phủ vừa triệu tập họp khẩn các bộ ngành để bàn về các giải pháp “thúc” tăng trưởng kinh tế.  Một nguồn tin chia sẻ với PV Tiền Phong, dù muốn hay không, rất có thể tới đây chính sách tiền tệ sẽ phải “nới” nhằm bơm vốn cho nền kinh tế, kích thích tăng trưởng.

Bình luận về khả năng này, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI cho rằng: Với những người đầu tư chứng khoán thì đây là thông tin rất tốt cho ngắn hạn. Lượng vốn lớn được bơm ra thị trường thông qua nới lỏng chính sách tín dụng sẽ giúp thị trường thanh khoản và nhiều cổ phiếu cơ bản tốt sẽ được nâng lên một mức giá mới.  Tuy nhiên, việc nới lỏng chính sách tiền tệ lúc này là chưa hợp lý. “Nền kinh tế và doanh nghiệp giống như rừng và những cây trồng trên đấy, tín dụng giống như phân bón. Chỉ nên bón vừa phải để rễ cây phải tự tìm nguồn dinh dưỡng khác”, ông Hưng ví von .

Theo Ủy ban Giám sát tài chính, tín dụng chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngắn hạn giảm tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn. Cập nhật  cho thấy: Thanh khoản hệ thống nhìn chung đã bớt căng thẳng ở các ngân hàng lớn nhưng vẫn còn diễn ra ở các ngân hàng nhỏ. Mặt bằng lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng ở kỳ hạn trung và dài hạn, các ngân hàng bắt đầu phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất 8 đến trên 9% đối với kỳ hạn 18 tháng trở lên. Hiện tại các ngân hàng vẫn đang chịu sức ép của việc duy trì lãi suất cho vay trong khi vẫn phải đảm bảo hệ số vốn ngắn hạn/cho vay trung và dài hạn ở mức 40% trong năm 2018.

Tại buổi họp khẩn chiều tối 22/5 với các bộ, ngành về các kịch bản tăng trưởng năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ ngành tổng hợp như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước báo cáo cụ thể những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng đồng thời phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.  Hiện GDP quý I/2017 chỉ đạt mức 5,2% ; nếu muốn cả năm đạt 6,7% điều đó đồng nghĩa trong 3 quý còn lại, bình quân phải đạt mức tăng mỗi quý 7,1%.

Vấn đề tăng trưởng kinh tế năm 2017 có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô khác, nhất là thu, chi và bội chi ngân sách, nợ công cũng như việc làm, thu nhập cho người lao động. Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), quý II/2017, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,6%, cả năm đạt 6,2%, thấp hơn mục tiêu 6,7% được Quốc hội thông qua.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.