Thủ tướng khen Bộ Công Thương khi cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh

TPO - Theo Tổ công tác, Thủ tướng biểu dương Bộ Công Thương đã mạnh dạn cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh và Bộ trưởng Bộ trường Trần Tuấn ANh đã trực tiếp đôn đốc, xử lý 12 dự án thua lỗ kéo dài, thành lập tổ công tác, tham mưu cho Thủ tướng xem xét cụ thể hướng xử lý từng dự án.  

Mỗi mặt hàng chỉ giao một bộ chủ trì kiểm tra 

Sáng 22/9, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng dẫn đầu, đã có buổi làm việc với Bộ Công Thương về kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK).

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao 3 vấn đề lớn mà Bộ Công Thương làm được trong thời gian qua. Trước hết, đây là bộ tiên phong trong vấn đề đổi mới, sắp xếp bộ máy theo hướng gọn nhẹ, tinh giản theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Thứ hai, vừa qua Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trực tiếp đôn đốc, xử lý 12 dự án thua lỗ kéo dài, thành lập tổ công tác, tham mưu cho Thủ tướng xem xét cụ thể hướng xử lý từng dự án; Thứ ba, Bộ Công thương đã cắt giảm được 675 điều kiện kinh doanh. “Đây là động thái rất tích cực của Bộ Công Thương, giảm được bộ thủ tục KTCN danh mục hàng hóa, rất đáng khen” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trên cơ sở đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương phải tiếp tục xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả kéo dài. Việc này, giao trách nhiệm cho Bộ Công thương, trong đó trực tiếp là Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

Thứ hai, phải thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) theo tinh thần chỉ đạo năm nay phải thoái vốn 65 ngàn tỷ đồng, nhằm thu lại cho Nhà nước số tiền lớn nhất. Thời gian của 2017 không còn nhiều nhưng mục tiêu trong năm lại cao, công việc còn rất nhiều, do đó Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng cần phải có sự nỗ lực hơn nữa của toàn ngành Công thương.

Tổ công tác của Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ Công Thương đã cắt giảm được 55% điều kiện kinh doanh (ĐKKD). Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị, Bộ Công Thương cần tiếp tục rà soát theo hướng đơn giản hóa, mỗi mặt hàng chỉ chịu sự tác động, điều chỉnh của ít văn bản nhất.

“Hiện đang có tình trạng, một mặt hàng phải chịu KTCN của nhiều bộ, thậm chí 1 bộ nhưng có tới 2 cơ quan cùng kiểm tra một mặt hàng. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo phải rà soát kỹ theo hướng 1 mặt hàng chỉ giao 1 Bộ chủ trì kiểm tra” – Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết.

Để thuận lợi cho công tác KTCN hàng hóa XNK, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các sản phẩm hàng hóa cần phải có công bố tiêu chuẩn hợp quy. Mặt hàng nào ủy quyền được cho doanh nghiệp (DN) hoặc địa phương kiểm tra, công bố thì nên để họ làm.

Thủ tướng khen Bộ Công Thương khi cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trao đổi tại buổi làm việc

Tiếp thu chỉ đạo của Chủ nhiệm VPCP, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, việc bộ xóa bỏ được 675 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) là kết quả của cả một quá trình làm việc bài bản, quyết liệt của tập thể bộ. Tuy nhiên, đây chưa phải là những ĐKKD cuối cùng, còn phải rà soát thêm theo tinh thần công khai, minh bạch, trong sáng, cầu thị, đúng thực tiễn và có cơ sở khoa học.

“Chúng ta không thể chạy theo thành tích, tháo gỡ khó khăn cho DN bằng mọi giá. Phải đảm bảo yêu cầu hiệu quả cho đất nước trong thời buổi hội nhập, tính đồng bộ, kiên quyết, hướng đến cộng đồng DN” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.

Vấn đề tồn tại đang được các DN hết sức quan tâm hiện nay là sự "chồng chéo" về KTCN trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ví dụ như sữa vừa phải kiểm dịch, vừa phải kiểm tra nhà nước về chất lượng thực phẩm nhập khẩu). Theo lãnh đạo Bộ Công thương, nội dung này đã được thảo luận nhiều và hy vọng sẽ được tháo gỡ trong thời gian tới. Vấn đề đặt ra ở đây không phải là lựa chọn để xóa bỏ 1 trong 2 hình thức kiểm tra (kiểm dịch rồi thì không kiểm tra chất lượng hoặc ngược lại) bởi cả 2 đều cần thiết theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ sức khỏe con người.  

Cần tinh giản bộ máy sau khi bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh

GS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, chúng ta không chỉ tháo gỡ khó khăn cho DN mà còn phải đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, hiệu quả kinh tế.

“Chúng ta đang muốn cắt giảm rất nhiều thủ tục rườm rà, cả chi phí chính thức và phi chính thức. Việc Bộ Công thương cắt một phát 55% ĐKKD chứng tỏ hệ thống ĐKKD của chúng ta đang quá bất hợp lý, nếu soi kỹ chắc còn cắt được nhiều hơn nữa. Do đó, tôi đề nghị những điều kiện đang được giữ lại cũng phải rà lại, cắt bỏ thêm. Việc Bộ Công thương cắt giảm một loạt ĐKKD là một tấm gương cho các bộ khác noi theo. Trên đà này, cần làm mạnh hơn nữa”, Viện trưởng Trần Đình Thiên bày tỏ.

Ngoài ra, theo ông Thiên, khi cắt bỏ nhiều thủ tục, ĐKKD thì bộ máy hành chính cũng phải cải cách, chuyển động theo. Cơ chế nào bộ máy đấy! Không thể cứ sinh ra bộ máy rồi phải soạn cơ chế cho bộ máy đó có việc làm. Do đó, theo ông Thiên, đã bỏ thủ tục thì bộ máy nhân sự lĩnh vực đó cũng cần giải quyết luôn.

Thủ tướng khen Bộ Công Thương khi cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh ảnh 2
GS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: "khi cắt bỏ nhiều thủ tục, ĐKKD thì bộ máy hành chính cũng phải cải cách, chuyển động 

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và đại diện các Bộ, ngành, viện nghiên cứu, hiệp hội... Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian tới bộ sẽ tiếp tục phối hợp với tất cả các bộ, ngành liên quan chủ động rà soát, cắt giảm những ĐKKD không phù hợp, báo cáo Chính phủ đề xuất phương hướng giải quyết,...

Về việc xử lý các dự án thua lỗ tồn đọng, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là trách nhiệm cả tập thể ban lãnh đạo Đảng và các đơn vị trong bộ, tất cả đều thống nhất quan điểm phối hợp giải quyết.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.