Chạy vốn cho bất động sản

Chạy vốn cho bất động sản
Rất nhiều dự án bất động sản (BĐS) đang đứng trước nguy cơ thiếu vốn trầm trọng. Ngân hàng siết chặt tín dụng cho vay BĐS, muốn huy động vốn từ khách hàng phải chờ xây xong phần móng...

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam gợi ý có nhiều cách để doanh nghiệp có thể huy động vốn.

Lâu nay các doanh nghiệp mới chỉ huy động vốn bằng 2 cách: vay ngân hàng và vốn góp theo hợp đồng mua nhà của khách hàng.

"Trên thế giới, người ta còn khuyến khích huy động vốn từ các nguồn khác, như từ các quỹ đầu tư BĐS, quỹ tiết kiệm nhà ở, trái phiếu công trình..." - Ông Nam nói.

Doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng đồng vốn vay. Người mua trái phiếu cũng phải có trách nhiệm tìm hiểu kỹ năng lực của Cty phát hành và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Ông Trần Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Cty địa ốc Vinaland - thừa nhận: "Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp thực ra phải làm từ lâu rồi. Hiện tại, thị trường BĐS Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay ngân hàng, trong khi trên thế giới, người ta không làm như vậy".

Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Minh Hoàng, với khuôn khổ pháp lý còn mỏng như hiện nay, việc huy động trái phiếu doanh nghiệp cho BĐS không phải dễ. "Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể phát hành trái phiếu. Chỉ những doanh nghiệp được hỗ trợ hoặc bảo lãnh từ ngân hàng mới có thể phát hành được trái phiếu" - Ông Hoàng nói.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại địa ốc Thanh Bình, Đặng Hoàng Vũ khẳng định: "Huy động vốn bằng trái phiếu chỉ là tạm thời".

Một chuyên gia về tài chính phân tích, trái phiếu doanh nghiệp là một loại chứng khoán nợ, trong đó xác nhận nghĩa vụ trả cả gốc và lãi của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu khi đến hạn.

"Tuy nhiên, điều kiện phát hành trái phiếu hiện nay rất đơn giản: chỉ cần có thời gian hoạt động đủ 1 năm với kinh doanh có lãi. Điều này có nghĩa, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp chứa rất nhiều rủi ro, cũng đồng nghĩa với việc rất hiếm người (dám) mua trái phiếu doanh nghiệp" - Ông này khẳng định.

Ông Đặng Hoàng Vũ cho rằng "hợp đồng góp vốn" vẫn được xem là giải pháp tốt hơn phát hành trái phiếu.

Đã có nhiều doanh nghiệp lên tiếng đề nghị các cơ quan chức năng sửa đổi Luật Nhà ở để tháo gỡ cho các doanh nghiệp trong việc huy động vốn từ khách hàng nhưng Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam vẫn bảo lưu quan điểm của Bộ Xây dựng: "Dự án nhà ở muốn huy động vốn từ khách hàng phải xây dựng xong phần móng".

Song ông Nam cũng hé mở rằng, hệ thống pháp luật cần phải được khảo sát, nghiên cứu, điều chỉnh dần cho phù hợp yêu cầu thực tế và sự phát triển của xã hội.

Đi tìm một giải pháp căn cơ hơn cho tài chính BĐS, ông Trần Minh Hoàng đề nghị cần có những quyết sách ở tầm vĩ mô để tránh cho việc nguồn vốn cho BĐS phụ thuộc hoàn toàn vào ngân hàng như hiện tại.

"BĐS cần phải được tạo điều kiện có thể quay vòng nhanh hơn, bao gồm cả việc thế chấp, chuyển nhượng bình thường. Khi BĐS có tính thanh khoản cao thì thị trường tài chính BĐS mới phát triển được" - Ông Hoàng phân tích.

Cũng theo ông Hoàng, nếu còn tư duy theo kiểu hạn chế lưu chuyển hàng hóa BĐS ở thị trường thứ cấp chưa thể tạo ra thị trường BĐS hoàn chỉnh.

Theo An Nguyên
Thanh niên

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...