Chính phủ thoái vốn tại các “ông lớn” Vinamilk, Sabeco, Habeco ra sao?

TPO - “Hiện phương án bán Vinamilk đã trình rồi. Habeco và Sabeco đã có chỉ đạo rất cụ thể. Phải căn cứ vào thị trường làm sao tối đa hóa lợi ích; đó là nghệ thuật của người bán”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi đề cập đến vấn đề thoái vốn tại nhiều 'ông lớn' doanh nghiệp nhà nước.

Chiều 10/4, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp vừa cập nhật tình hình thoái vốn tại 12 doanh nghiệp có quy mô lớn đã thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, đã có 11/12 DN đã niêm yết hiện chỉ còn công ty CP Hạ tầng bất động sản Việt Nam chưa niêm yết.

Liên quan đến việc thoái tiếp phần vốn tại Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), trong quý 1/2017, Ban chỉ đạo cho biết Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp rút kinh nghiệm về việc bán cổ phần Vinamilk năm 2016 và triển khai bán tiếp trong năm 2017. Hiện, Tổng công ty kinh doanh Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) đã trình Thủ tướng Chính phủ hai phương án bán tiếp phần vốn Nhà nước tại công ty này.

Phát biểu tại cuộc họp, liên quan đến  thoái vốn của Vinamilk, ông Nguyễn Đức Chi – Chủ tịch HĐTV SCIC tỏ ra khá sốt ruột:  “Hôm nay đã là ngày 10/4 nếu không được quyết định sớm việc thoái vốn mất rất nhiều thời gian. Thị trường cuối năm sẽ có nhiều khó khăn do đó, chúng tôi xin chỉ đạo sớm để thoái vốn hiệu quả nhất” , ông Chi nói.

Về những DN lớn như : Tổng công ty Bia- Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Ban đổi mới cho biết hiện đã trình Thủ tướng Chính phủ việc lựa chọn tư vấn thực hiện thoái vốn; Văn phòng Chính phủ đang trình Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ xem xét, quyết định.

Đối với Tổng công ty Bia – Rượu- Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Bộ Công thương đang chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan xử lý các vướng mắc trong thoả thuận với Carlsberg Breweries A/S. 

Nói về lợi ích của việc các “ông lớn” nhà nước lên sàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt câu hỏi: như Habeco và Sabeco lên sàn giá trị tăng lên bao nhiêu mọi người có biết không?” Rồi ông lại tự trả lời: “Giá trị vốn hoá lên trên 200 ngàn tỷ.”

Riêng phần còn lại của Vinamilk, ông lưu ý theo giá thị trường trên sau này chúng ta bán theo giá tư vấn nhưng không được thấp hơn giá trị sổ sách.  Nói về đợt bán vốn VNM trước đây, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Vinamilk trên sàn giá 131 ngàn đồng/cổ phiếu chúng ta bán được 144 ngàn đồng/cổ phiếu thế là được lời hơn 500 tỷ đồng“.

MỚI - NÓNG