Chính thức kết thúc đàm phán Việt - Mỹ

Chính thức kết thúc đàm phán Việt - Mỹ
Mặc dù nội dung chính thức về thoả thuận Việt - Mỹ chưa được phía VN công bố, song những gì mà báo chí Mỹ tiết lộ trong những ngày vừa qua cho thấy việc ký kết chính thức thoả thuận này thì cả hai bên đều có lợi.

Trả lời câu hỏi của báo chí mới đây: "Ông có hài lòng với thoả thuận Việt - Mỹ?", Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đã khá thẳng thắn: "Cả hai bên đều không hài lòng"! Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là cả hai bên đều phải trả cái giá quá đắt.

Theo Bộ trưởng Tuyển thì cái mà VN "bỏ túi" được qua thoả thuận này là sẽ không phải chịu quota với hàng dệt may, nhưng có một cái nữa mà lẽ ra VN sẽ "bỏ túi" được (như các đối tác khác) là QH Mỹ phải thông qua quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PTNR) cho VN. Nhưng điều này thì phải chờ đợi.

Tuy nhiên, ông Tuyển cũng tỏ ra hài lòng khi cho rằng việc ký thoả thuận này sẽ tạo ra một hệ thống chính sách của VN ổn định và tin cậy, từ đó các đối tác nước ngoài có thể yên tâm đầu tư và kinh doanh tại VN - đó mới là cái được lớn nhất.

Về phần mình, phát biểu tại Washington trước khi lên đường sang VN, Phó Đại diện Thương mại Mỹ Karan Bhatia cho rằng, thoả thuận WTO với VN sẽ giúp mở ra một thị trường mới đáng kể cho các nhà chế tạo và cung cấp dịch vụ Mỹ, trong đó có lĩnh vực ngân hàng cho đến viễn thông. Khá nhiều DN Mỹ tỏ ra hài lòng không giấu giếm với thoả thuận này.

Quả đúng như Đại sứ Ngô Quang Xuân đã từng nói: "Trong đàm phán thì không có chuyện bên này được cả, bên kia mất cả"!

Chưa "kết thúc" đã phải "bắt đầu"

Chính thức kết thúc đàm phán Việt - Mỹ ảnh 1

Hàng dệt may - vấn đề nhạy cảm trong quá trình đàm phán.

Ký được thoả thuận với Mỹ, VN mới chỉ hoàn thành phần đàm phán song phương với 28 đối tác có yêu cầu. Nhưng để "trọn vẹn" với đối tác gai góc này, VN cần phải được QH Mỹ thông qua quy chế PTNR.

Theo Bộ Trưởng Trương Đình Tuyển thì ông khá lạc quan về khả năng QH Mỹ sẽ tiến hành sớm việc này. Mặt khác, về đàm phán đa phương, VN vẫn cần phải tiến hành thêm 1- 2 phiên nữa mới có thể kết thúc và phải tiến hành rất sớm (có thể là vào tháng 7 - tháng 8 tới). Nếu tất cả những động thái trên thông đồng bén giọt thì khả năng VN gia nhập WTO trước thềm Hội nghị thượng đỉnh APEC (tháng 11 tới) mới có thể thành hiện thực.

Tuy nhiên, đó mới là xét trên phương diện hình thức của lộ trình gia nhập WTO. Quan trọng hơn là khi đã vào WTO, VN sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Bộ trưởng Trương Đình Tuyển từng than phiền rằng, cái khó của VN là càng gia nhập sau càng bị áp đặt những tiêu chuẩn cao hơn và một bất công khác với các nước đang phát triển (trong đó có VN) là không cân bằng giữa quyền lợi (không tương xứng) và nghĩa vụ (rất nặng nề). Bởi vậy, theo bộ trưởng, vào WTO chẳng qua chỉ là tấm giấy chứng nhận quốc tế, còn cái chính vẫn là phải tạo ra sức mạnh từ chính nội lực.

Ở một khía cạnh khác, khi đã vào WTO, VN sẽ bước sang giai đoạn cạnh tranh cực kỳ khốc liệt. Có hiểu biết mới bảo vệ được thị trường trong nước và tạo thị trường xuất khẩu. Bởi vậy, theo Đại sứ Ngô Quang Xuân thì sau khi đã trở thành thành viên, WTO có nhiều nhóm như các nước phát triển, nhóm đang phát triển, nhóm xuất khẩu nông nghiệp... Vậy tham gia nhóm nào để ta đạt được nhiều lợi ích. Đại sứ Ngô Quang Xuân tỏ ra rất sốt ruột vì nếu chậm chuẩn bị đội ngũ đàm phán thời "hậu" WTO sẽ rất khó khăn trong việc bảo vệ lợi ích của mình khi trở thành thành viên WTO.

Theo Lao động

MỚI - NÓNG