Chợ đêm thành chợ... đại hạ giá

Chợ đêm thành chợ... đại hạ giá
Chợ đêm (phố đi bộ, Hà Nội) họp vào thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, nhằm quảng bá mặt hàng của các làng nghề truyền thống và phát triển du lịch. Song hiện chợ đã "chuyển hướng" sang bán những loại hàng tiêu dùng đại hạ giá.
Chợ đêm thành chợ... đại hạ giá ảnh 1
Hàng đại hạn giá tràn vào chợ. Ảnh: Tuổi Trẻ

Chợ đêm bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2004. Thời gian đầu khi ghé tới đây, du khách có thể cảm nhận được phần nào nét độc đáo của Hà Nội. Ngoài những mặt hàng truyền thống của các làng nghề, du khách còn thưởng thức hát xẩm, chèo... do các nghệ sĩ Nhà hát trung ương biểu diễn.

Giờ đây, chiếu xẩm vẫn còn nhưng những mặt hàng truyền thống trong chợ dần dần nhường chỗ cho trăm thứ hàng kém chất lượng của Trung Quốc và những hàng tồn đem tới bán với giá rất rẻ.

Giữa không gian ồn ào của chợ vẫn liên tục xuất hiện những tiếng rao hấp dẫn: “Áo hàng Hong Kong 30.000-40.000 đồng siêu rẻ, siêu đẹp, mua đi chị em ơi”, “Bít tất giá 10.000 đồng 3 đôi, khẩu trang 1.500 đồng một chiếc”...

Một chủ hàng bán gốm sứ làng nghề ở đây nói: “Những mặt hàng này từ chợ Đồng Xuân tới chứ chẳng phải làng nghề nào. Giá còn đắt hơn trong siêu thị”.

Dạo qua một vòng chợ đêm, có thể thấy những quầy hàng san sát nhau không còn khoảng trống để cho khách sang đường. Lối đi của khách dần bị thu hẹp phải chen chúc nhau. Vì vậy, thỉnh thoảng lại xảy ra mất cắp và một số vụ xô xát. Hàng ăn uống đủ loại bày trong chợ như mực nướng, ngô, sắn, ô mai...

Những khu vực giữ xe tự phát lấy giá cao cũng xuất hiện, lực lượng giữ xe của chợ tại khu vực Đồng Xuân vẫn thu phí trông xe 4.000 đồng/xe. Trong khi đó, quy định của quận Hoàn Kiếm về tổ chức trông giữ xe chỉ được thu 2.000 đồng/xe vào buổi tối.

Ban đầu, phạm vi của chợ chỉ từ phố Hàng Đào cho tới hết phố Hàng Đường, đến nay chợ đã kéo dài tới hết phố Đồng Xuân và khu vực xung quanh chợ Đồng Xuân. Những sạp hàng truyền thống tại khu vực Hàng Ngang, Hàng Đào, những doanh nghiệp đến từ các làng nghề hay những sạp hàng nhỏ lẻ kinh doanh chủ yếu các mặt hàng truyền thống hiện còn lại rất ít.

Chị Lan, một chủ cửa hàng tại chợ đêm, cho biết, do không thể cạnh tranh với những mặt hàng đại hạ giá nên họ phải nghỉ và cho thuê lại sạp hàng. Có thể ví chợ đêm như chợ Đồng Xuân được tổ chức vào ban đêm, có khác chỉ là các mặt hàng được bán lẻ mà thôi.

Tự phát triển

Nhiều người dân ở phố Hàng Đào bức xúc: “Thời gian gần đây cảnh họp chợ, rác rưởi ô nhiễm đầy tuyến phố”. Từ 5h30 đã họp chợ, xe rác không vào được nên rác ứ đọng đầy tuyến phố, mất vệ sinh.

Hiện không có một ban quản lý chuyên trách chợ đêm mà phân chia quản lý theo địa giới từng phường, từ Hàng Đào đến Đồng Xuân. Mỗi phường cử một phó chủ tịch UBND phường để quản lý. Riêng chợ đêm Đồng Xuân (xung quanh khu vực chợ Đồng Xuân) thuộc Công ty cổ phần Đồng Xuân quản lý.

Ông Nguyễn Sơn Hải, phó chủ tịch UBND phường Hàng Đào, đơn vị quản lý phần lớn tuyến phố đi bộ cũng như hoạt động chợ đêm trên toàn tuyến, cho biết, hiện chủ trương hoạt động của chợ là để cho phát triển tự do các mặt hàng chứ chưa cứng nhắc theo tiêu chí ban đầu, sau một thời gian sẽ đánh giá, phân loại những mặt hàng chủ chốt để tổ chức lại việc kinh doanh. Vì vậy cũng xuất hiện các mặt hàng đại hạ giá, hàng đổ đống trong khu chợ.

Theo ông Hải, Ban quản lý sẽ chấn chỉnh, đồng thời tăng các đội quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm của các gian hàng tại chợ. Theo ông Hải, để tuyến phố đi bộ và chợ đêm thật sự hoạt động hiệu quả, phải có một ban quản lý chuyên trách chung cho toàn tuyến.

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG