Chống chọi trong cơn lốc giá

Chống chọi trong cơn lốc giá
Trong "cơn lốc" giá cả hiện nay, biện pháp duy nhất là cố gắng nâng cao hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, đối với từng doanh nghiệp, phải nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh lên thì mới kiểm soát được giá cả.
Chống chọi trong cơn lốc giá ảnh 1
Ngành chi phối đến giá thành đầu vào mà tăng cao (như giá xăng dầu) thì buộc phải tăng giá

Câu trả lời cho "cơn lốc giá", theo ông Ngô Trí Long - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kế hoạch thị trường giá cả (Bộ Tài chính) -  là làm sao giảm cả các chi phí tiêu cực đang làm chậm bước tiến của doanh nghiệp.

Thưa ông, có ý kiến nhận định rằng đang có một mặt bằng giá mới - lần thứ hai hình thành do một loạt cơn lốc giá của các mặt hàng xăng dầu và vàng, (thậm chí cả USD)? Ông nghĩ sao về nhận định này?

Người ta nói "mặt bằng giá mới" là quan điểm thôi, nhưng giá cả là luôn luôn biến động, thay đổi và không bao giờ ổn định. Do cung - cầu biến động nên có thể nói, giá cả luôn luôn hình thành mặt bằng giá mới, chứ không phải là đến thời điểm này mới có.

Trước xu thế như vậy, đối với người làm quản lý là làm sao phải kiểm soát được giá cả. Năm nay, Quốc hội không định ra tốc độ tăng giá cụ thể, mà chỉ quy định tốc độ tăng giá thấp hơn tốc độ tăng trưởng thì chấp nhận được, nghĩa là tăng giá phải thấp hơn tăng trưởng GDP- 8%.

Trong trường hợp giá thế giới tăng, giá trong nước vẫn buộc phải kiểm soát, tức là không được tăng như giá thế giới thì Chính phủ sẽ điều tiết thế nào?

Đối với những ngành chi phối đến giá thành đầu vào mà tăng cao (như giá xăng dầu) thì buộc phải tăng giá và Chính phủ đã tăng rồi. Một số mặt hàng khác như ximăng cũng tăng rồi, điện chắc chắn sẽ tăng, mà những chi phí đầu vào tăng rồi thì  đầu ra buộc phải tăng. Đó là điều tất yếu.

Trong lúc này, Nhà nước phải tính toán, kiềm chế đến mức độ nào đó mà để thua lỗ thì cũng không nên. Nhưng đồng loạt tăng giá, gây những diễn biến phức tạp, một sự chấn động về giá thì cũng không nên. Cho nên vấn đề là phải xem xét những mặt hàng nào Nhà nước còn giữ độc quyền về giá thì phải kiểm soát, khi điều chỉnh giá phải thận trọng. Còn những mặt hàng thị trường đã quyết định thì để thị trường tự quyết định, chứ Nhà nước cũng không nên áp đặt.

Nhưng việc điều hành như vậy đã hợp lý chưa khi mà có ý kiến cho rằng, việc kiềm chế tốc độ tăng giá đang đi ngược lại quy luật giá và sẽ phải chịu những bất cập khó tránh?

Cái này hoàn toàn tuỳ thuộc vào sức chịu đựng của nền kinh tế. Thông thường thì khi thị trường phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, thì sự chủ động càng hạn chế. Song sức cạnh tranh của nền kinh tế còn được quyết định bởi trình độ năng lực, công nghệ, hiệu quả của nền kinh tế của nước đó.

Ví dụ ở nhiều nước, mặc dù cũng chịu tác động của giá thế giới, nhưng chỉ số lạm phát của họ chỉ ở mức 2-3% thôi. Trong khi ở nước ta chỉ số lạm phát rất cao, điều này thể hiện là hiệu quả nền kinh tế, hiệu quả sản xuất, khả năng cạnh tranh của ta còn rất thấp.

Vậy thì biện pháp duy nhất là ta phải cố gắng nâng cao hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, đối với từng doanh nghiệp, phải nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh lên và nâng cao khả năng cạnh tranh thì mới kiểm soát được giá cả, nếu không làm được điều đó, không chú ý đến chất lượng, đến hiệu quả thì sẽ rất khó để giữ mặt bằng giá trong nước và chỉ số giá trong nước.

Trong trường hợp giá xăng dầu thế giới quá cao, Nhà nước liệu có chọn giải pháp thả nổi giá xăng dầu không, theo ông?

Hiện nay Nhà nước không thể thả giá, mà vai trò điều tiết của Nhà nước chính là phải được thể hiện ở những lúc này. Lý do vì xăng dầu là mặt hàng chiến lược quan trọng, là đầu vào của nhiều ngành kinh tế khác. Nhưng không thả nổi không có nghĩa là không tăng giá, phải làm sao để ngân sách có thể chịu được, chẳng hạn ta có nguồn thu từ xuất khẩu dầu rất lớn, Nhà nước sẽ cân đối từ nguồn này để hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu, tạo điều kiện để doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh.

Ai cũng biết chỉ số cạnh tranh của ta còn thấp, nhưng càng kiềm chế giá cả, khả năng tự đứng vững như ông nói cũng có mặt hạn chế?

Chỉ số cạnh tranh thấp do nhiều yếu tố, như trình độ công nghệ, khả năng quản lý của bản thân từng doanh nghiệp, nhưng còn có yếu tố do cơ chế, chính sách của mình. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh thì biện pháp là đổi mới công nghệ, quản lý tốt.

Nhưng còn một yếu tố mà ai cũng thấy, nhưng chưa ai dám nói là những chi phí bất hợp lý, chi phí tiêu cực làm cản bước tiến của doanh nghiệp rất lớn. Điều này góp phần tăng thêm chi phí cho các doanh nghiệp, mà liệu tới đây bộ máy nhà nước có dám làm mạnh vấn đề này không. Ngay cả khi Chính phủ đã chú ý đến vấn đề này, nhưng thực tế chưa giảm được bao nhiêu?

Chính phủ thì đã tuyên chiến rồi, nhưng biện pháp có quyết liệt, có quyết tâm mới hy vọng đẩy lùi được tham nhũng, nâng cao hiệu quả không chỉ của doanh nghiệp mà chính là của cả nền kinh tế.

Theo Lao động

MỚI - NÓNG