Chống hàng giả, hàng nhái: Càng xử lý vi phạm càng tăng

Chống hàng giả, hàng nhái: Càng xử lý vi phạm càng tăng
5 năm qua, phát hiện và xử lý gần 20.000 vụ vi phạm về sản xuất lưu hành hàng giả. Tuy nhiên, việc xử lý như vậy vẫn chưa thấm tháp gì so với hiện trạng. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần có những biện pháp hữu hiệu hơn.

Hôm qua, 7/4, Cục Xúc tiến thương mại, Cục quản lý thị trường và Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam tổ chức hội thảo “Bảo vệ thương hiệu và chống hàng giả”, tại Hà Nội. Theo phản ánh của các DN, gần như tất cả các hàng hoá họ sản xuất đều chỉ tồn tại được một thời gian, sau đó thì bị làm giả, làm nhái tràn lan.

Ông Hoàng Tiến Đức-Trưởng chi nhánh CLIPSAL-VTEC tại Hà Nội kêu: kẻ gian đã làm nhái, giả thiết bị điện CLIPSAL vô tội vạ, bán nhan nhản ở các cửa hàng đồ điện. Thương hiệu võng Duy Lợi cũng bị các DN của Mỹ, Nhật tranh chấp gây khó khăn rất lớn cho DN phát triển, vươn ra thị trường trong và ngoài nước. Các DN cho rằng, họ đang bị thiệt hại rất lớn về kinh tế, thương hiệu thì bị cơ sở sản xuất hàng giả làm ô danh. Ông Nguyễn Đức Thịnh-Cục trưởng Cục quản lý thị trường (Bộ TM) bức xúc nói: “Để lột tả nạn hàng giả liên quan đến sở hữu trí tuệ đang hoành hành ở nước ta, tôi dồn nén vào 4 từ sau: phổ biến, phức tạp, nghiêm trọng, gia tăng”.

Môi trường đầu tư, kinh doanh bị méo mó

Số vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái những năm qua lên đến hàng chục nghìn, song số vụ bị xử phạt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo ông Lê Thế Bảo-Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu VN, gần như tất cả các vụ vi phạm về hàng giả đều không được xử lý đúng mức. Trong khi đó, chế tài xử  phạt đối tượng vi phạm về hàng giả, nhái quá nhẹ, nên càng bắt, càng xử thì số vụ vi phạm càng tăng nhanh.

Ông Bảo đưa ra ví dụ, những người sản xuất, buôn lậu rượu giả lãi hàng trăm tỷ đồng mà quy định phạt chỉ 5-10 triệu đồng/lần phạt thì sẽ chẳng có ai sợ bị phạt. Và thực tế đang tồn tại những người làm hàng giả, hàng nhái tình nguyện nộp phạt để được…khuynh đảo thị trường. Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu đề nghị Bộ Thương mại cần kiến nghị Nhà nước sửa đổi, ban hành  sớm những quy định phạt nặng đến mức người làm hàng giả phải sập tiệm ngay từ lần phạt đầu tiên thì mới giảm được vấn nạn hàng giả.

 Ông Nguyễn Đức Thịnh thì cho rằng phải đẩy mạnh thực thi pháp luật, tăng cường giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực này bằng toà án thay vì áp dụng biện pháp hành chính. Như vậy chống hàng giả mới có hiệu quả. Khi toà án yếu năng lực chuyên môn về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, hàng giả..,và còn ngồi chơi nhiều thì người làm hàng giả sẽ còn hoành hành. 

Cục quản lý thị trường (Bộ TM) cảnh báo: Thiệt hại lớn nhất cho nền kinh tế do tồn tại nạn làm hàng giả là môi trường kinh doanh, đầu tư bị méo mó; cạnh tranh không còn bình đẳng, quyền lợi hợp pháp của nhà sản xuất và lợi ích của người tiêu dùng bị xâm hại nghiêm trọng. Còn DN sản xuất trong nước thì khắc khoải và chán nản vì hàng hoá của mình bị làm biến tướng, thật giả lẫn lộn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế thì môi trường kinh doanh sẽ còn tiếp tục bị méo mó, nếu các chế tài xử phạt vi phạm vẫn còn nâng cao đánh khẽ như hiện nay. Từ góc nhìn của DN, ông Nguyễn Trần Quang-GĐ tiếp thị DN sản xuất cà phê Trung Nguyên cho rằng, cách chống hàng giả, tạo môi trường kinh doanh tốt cho chính mình là DN phải xây dựng được kênh phân phối rộng khắp và xây dựng lòng tin với khách hàng bằng chính chất lượng sản phẩm sản xuất ra.

MỚI - NÓNG