Phiên họp thứ 23 UBTVQH:

Chưa đồng thuận đánh thuế nhà ở

Chưa đồng thuận đánh thuế nhà ở
TP - Nhiều ý kiến chưa đồng thuận với quy định thu thuế nhà ở trong dự thảo Luật Thuế nhà, đất (quy định về thu thuế hàng năm đối với nhà ở, đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp) tại phiên thảo luận dự luật này của UB Thường vụ Quốc hội chiều 9/9.
Chưa đồng thuận đánh thuế nhà ở ảnh 1
Cả nhà, đất sẽ bị đánh thuế từ năm 2011 nếu Luật Thuế nhà, đất được thông qua. Ảnh: P.Thúy

Tờ trình của Chính phủ đưa ra hai phương án tính thuế suất đối với nhà ở.

Phương án một, áp dụng thuế suất 0,03 phần trăm đối với các loại nhà ở có giá tính thuế từ trên 500 triệu đồng (tính trên toàn bộ giá trị nhà). Phương án hai, áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần.

Cụ thể, nhà ở có giá trị đến 500 triệu đồng áp thuế suất bằng 0; còn phần trên 500 triệu đồng, áp thuế suất 0,03 phần trăm (kể cả nhà chung cư). Với quy định này, chỉ những nhà có giá trị trên một tỷ đồng mới phải chịu thuế, bởi dự kiến chỉ tính giá nhà bằng một nửa đơn giá quy định.

Phương án trên được Ủy ban Tài chính - Ngân sách (cơ quan thẩm tra dự luật) tán thành, nhưng nhiều ý kiến của các Ủy viên UBTVQH tỏ ra chưa đồng thuận.

"Nhà ở không tạo ra lợi nhuận thì không nên thu thuế, hoặc chỉ nên thu một lần, nhưng tốt nhất là không thu"- Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, ông Ksor Phước, phát biểu. Ông Phước đề nghị phải xem xét dạng nhà ở sân golf 4-5 sao, phục vụ toàn ông chủ thì đánh thuế thế nào.

Bên cạnh đó, cần thống nhất quan điểm đánh thuế đối với những tài sản có sở hữu. "Nhiều người sở hữu ô tô nhiều tỷ đồng nhưng chưa bị đánh thuế sở hữu. Phải thống nhất tài sản có giá trị bao nhiêu trở lên thì đều phải thu thuế. Hay hiện nay chúng ta thu thuế nhà trước, sau này mới thu thuế sở hữu ô tô và những tài sản khác?".

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, có nhiều loại ý kiến khác nhau về thuế nhà. Có ý  kiến cho rằng không nên thu thuế nhà vì khi mua nhà đã phải nộp thuế rồi. Có ý kiến đề nghị phải thu để chống đầu cơ, tăng ngân sách.

"Ngoài ra, có  ý kiến cho rằng với quy định của dự thảo luật mỗi năm chỉ thu được 1.200 tỷ đồng, không đủ chi phí để thu. Như vậy có nên quy định hay không? Tuy nhiên, chúng ta nên đặt ra mục tiêu tập dượt, để từng bước quản lý nhà, đất quy củ hơn"- Ông Hiển nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đề nghị có lộ trình phù hợp và phải tính đến đặc thù nhà ở khác các tài sản khác vì Hiến pháp quy định quyền nhà ở đối với mọi công dân.

"Phải cân nhắc thời điểm đối với việc thu thuế nhà ở. Việc tính theo diện tích mét vuông nhà để thu thuế là vô lý, bởi khi làm nhà, dân đã phải trả thuế cho từng viên gạch, từng cân xi măng, chưa kể hàng năm còn phải duy tu, bảo dưỡng. Thu thuế nhà lúc này là không hợp lý"- Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nói.

Cơ bản không tăng thuế đất

Theo dự thảo luật, Chính phủ đề xuất phương án về thuế suất lũy tiến:  Thuế suất 0,03 phần trăm đối với diện tích trong hạn mức (theo quy định); 0,06 phần trăm đối với diện tích vượt hạn mức nhưng không quá ba lần; và mức 0,09 phần trăm đối với diện tích vượt trên ba lần hạn mức (hiện 30 tỉnh, thành phố đã ban hành hạn mức công nhận đất ở cho hộ gia đình, cá nhân với hạn mức đất trung bình ở đô thị khoảng 120m2/hộ và ở nông thôn khoảng 350m2/hộ).

Đa số ý kiến đồng tình với phương án trên. Bởi phần lớn gia đình có diện tích không vượt quá hạn mức và tại thời điểm hiện nay mức thuế suất khởi điểm 0,03 phần trăm áp dụng cho đất trong hạn mức là không cao đối với thu nhập bình quân của người dân.

"Mức thu trong hạn mức theo quy định mới không cao, vì hiện nay người dân cũng đã nộp với mức này rồi, chỉ phần vượt hạn mức mới điều tiết thêm"- Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói thêm.

Về thời điểm có hiệu lực của Luật, Ủy ban Tài chính-Ngân sách (Cơ quan thẩm tra dự luật) cho rằng, theo đề xuất của Chính phủ, nếu được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2010 (để có hiệu lực thi hành từ 1/1/2011) sẽ gấp gáp, chưa đủ các điều kiện thực thi. Cần cân nhắc thời điểm thích hợp.

Chưa đồng thuận đánh thuế nhà ở ảnh 2
 
MỚI - NÓNG