Tổng Giám đốc LienVietBank:

Chúng tôi có hẳn một chương trình 'về quê'

Chúng tôi có hẳn một chương trình 'về quê'
TP - “Mục tiêu lớn nhất của doanh nhân thời đại mới không phải là làm được bao nhiêu tiền mà là hiểu biết đến đâu và giúp được bao nhiêu người” - Tổng Giám đốc LienVietBank Nguyễn Đức Hưởng chia sẻ trong cuộc trò chuyện với Tiền Phong.

Với những đóng góp của ông trên cương vị Tổng Giám đốc, LienVietBank có được thành công đáng kể. Thành công của cá nhân ông và ngân hàng này ở đây là gì?

Tôi trưởng thành được là nhờ có sự may  mắn. Không có LienVietBank, có lẽ tôi vẫn là ông Hưởng - Giám đốc (Agribank Thăng Long), chứ không phải là ông Hưởng - Tổng Giám đốc như bây giờ.

Chúng tôi có hẳn một chương trình 'về quê' ảnh 1

Không phải cha truyền, con nối nhưng có lẽ do cái nghèo, cái khó đã âm ỉ trong tôi máu kinh doanh, để vươn lên. Vô tình tôi đã gia nhập ngành đi vay để cho vay.

Thực ra, lúc được các cổ đông sáng lập mời về làm tổng giám đốc ngân hàng này, tôi rất đắn đo. Tiếng là giám đốc chi nhánh nhưng là chi nhánh cấp I, hạng I - lớn nhất nhì của Agribank với số lượng hơn 400 nhân viên, trong khi quy mô của Liên Việt kể cả hiện nay chỉ nhỉnh hơn chút.

Nhưng rồi dự cảm sang đây mình sẽ có điều kiện để bung hẳn năng lực, hơn thế, bị hấp dẫn với những ý tưởng mới, đột phá và trên hết là nhìn thấy cái tâm và tầm của ông chủ tịch HĐQT và ban trù bị dạo đó. Thế là tôi về.

Ngân hàng vừa ra đời, đã đón tin khủng hoảng tài chính Mỹ, kéo theo sự sụp đổ của hệ thống các NH lớn trên thế giới. Ông ứng xử với thông tin đó thế nào?

Mặc dù các ngân hàng Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra ở bên kia bán cầu, vì sự liên thông với hệ thống tài chính Mỹ chưa nhiều nhưng, về tâm lý, đúng là có bị tác động.

Câu chuyện từ nước Mỹ (tín dụng cho vay dưới chuẩn - PV) là bài học đáng quý đối với hệ thống NHTM nước ta. Qua đó, các ngân hàng có thể rút ra bài học về xây dựng và phát triển trên cơ sở quy mô bảo đảm tiền gửi, dự trữ thanh toán, dự trữ bắt buộc.

Rủi ro lớn nhất trong hoạt động của doanh nghiệp chính là sợ rủi ro. Tuy nhiên trong kinh doanh có những quy luật như  đọc được rủi ro - tìm siêu lợi nhuận. Bởi thế, trong ngành tài chính còn có một thuật ngữ kinh doanh khủng hoảng.

Có thể nói, chúng tôi đã may mắn hội tụ đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ra đời trong bão nhưng, kết thúc năm đầu tiên, ngân hàng đạt tổng tài sản 9.000 tỷ đồng với lãi ròng hơn 300 tỷ. Sáu tháng đầu năm 2009, lợi nhuận đạt gần 340 tỷ đồng, tổng tài sản gần 12.000 tỷ đồng.

Tâm đắc với Warren Buffett

Đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự bị loại vì không đủ cân, từng bôn ba vào Sài Gòn - sáng đi học chiều ra bến cảng khuân vác.

Ra trường, xin về chi nhánh Gia Lai - Kon Tum, vùng đất cực bắc của Tây Nguyên heo hút. Rồi liên tục trưởng thành qua mọi vị trí, nấc thang ngành ngân hàng, ngoài kinh doanh, ông Hưởng vẫn say mê nghiên cứu khoa học.

Hiện ông vẫn lên giảng đường, trực tiếp giảng dạy, ra câu hỏi kiểm tra, chấm bài thu hoạch cho sinh viên.

Làm việc từ 4 giờ sáng và lên ô tô hoặc máy bay là ngủ, ông Hưởng thường bị nhận xét: “Làm như vậy, khổ hạnh khác nào thầy tu”.

Giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp là từ con người, vì con người. Tôi thấy ông hay nhắc đến triết lý này? 

Tôi đeo đuổi điều này vì nhận thấy nó sẽ giúp mình điều hành công việc suôn sẻ. Chẳng hạn, ở ngân hàng, chúng tôi luôn kêu gọi nhân tài về đầu quân. Ngoài việc cho nhân viên chủ động trong công việc, tôi luôn đặt niềm tin vào họ, học hỏi và biết ơn họ đã giúp mình hiện thực hóa ý tưởng và hoàn thành nhiệm vụ tập thể giao.

Bên cạnh đó, tất cả cán bộ ngân hàng đều được hướng tới cách sống và nếp nghĩ tri ân với những gì mình có được. Thế nên, ngoài chuyện làm từ thiện xã hội, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, sinh viên nghèo, chúng tôi có hẳn một chương trình về quê.

Theo đó, chúng tôi lập quỹ để xây dựng trên mỗi địa phương nghèo, thiếu trường lớp ít nhất một trạm xá, trường học khang trang. Ngoài ra, bằng nguồn tiền các cá nhân đóng góp, còn tu sửa đình, chùa miếu - nơi sinh hoạt tín ngưỡng mang tính truyền thống ở các vùng quê Việt Nam.

Nói thật, về quê, nhìn các cụ phấn chấn trong những ngày lễ, thấy lòng thanh thản.

Làm từ thiện, vậy còn lợi ích cổ đông thì sẽ thế nào?

Phải nói rõ thế này để tránh hiểu nhầm. Thực ra, trong số tiền làm từ thiện đó, của ngân hàng chỉ một phần nhỏ, còn chủ yếu do các cổ đông sáng lập tự nguyện đóng góp vào (chẳng hạn như anh Minh - Chủ tịch HĐQT, hiện có phần vốn lớn nhất tại ngân hàng đã đóng góp toàn bộ cổ tức). Cho nên, chắc chắn không ảnh hưởng tới lợi nhuận. Điều này, thông qua các báo cáo tài chính, cổ đông của chúng tôi rất biết.

Ông nghĩ việc chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội có vai trò thế nào trong phát triển bền vững của doanh nghiệp?

Một trong những tôn chỉ hoạt động của chúng tôi là Gắn xã hội trong kinh doanh. Hơn một năm qua, chúng tôi đã chi trên 200 tỷ đồng để có mặt trong nhiều chương trình từ thiện.

Tôi rất tâm đắc với phát biểu của tỷ phú người Mỹ Warren Buffett khi ông quyết định quyên tặng gần bốn tỷ USD cho năm quỹ từ thiện: “Tôi trả lại cho xã hội những gì đã góp nhặt được từ xã hội”.

Thiết nghĩ, quy luật người may mắn giúp đỡ người kém may mắn hơn mình nên là chuyện bình thường. Cái tâm trong kinh doanh nhiều khi sẽ quyết định thành hay bại.

Từ bé, bố mẹ tôi đã dạy trong cuộc sống cứ có đức, sẽ được hưởng phúc, điều tốt. Tôi nghĩ, tất cả những gì mình có được hôm nay mới chỉ là tạm thời.

Giữ thương hiệu ở từng điểm từ thiện

Ngân hàng của ông đang đỡ đầu huyện nghèo  Xín Mần (Hà Giang). Giúp một địa phương vốn rất khó khăn và lạc hậu thoát nghèo không đơn giản. Ông và ngân hàng của ông sẽ thực hiện thế nào?

Không thuộc đối tượng được giao thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ (giúp đỡ 61 huyện nghèo trên cả nước) nhưng, ngay khi nghe tin còn một số huyện nghèo chưa có đơn vị đỡ đầu, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT đã bàn bạc và đi đến quyết định nhận giúp đỡ một huyện.

Khác với cách làm của nhiều đơn vị đang thực hiện là rót tiền vào giúp dân làm nhà, xây dựng hạ tầng (làm đường, thủy lợi), chúng tôi đi theo một hướng dài hạn - xây dựng đề án phát triển địa phương từ nay tới 10 - 15 năm đạt được mục tiêu thoát nghèo.

Chúng tôi đang thuê quy hoạch, tư vấn, kinh phí dự kiến khoảng trên dưới 10 tỷ đồng/năm.

Cụ thể hơn, trong đề án thoát nghèo cho huyện Xín Mần do Cty Him Lam và Ngân hàng Liên Việt đang xây dựng (sẽ có một ban quản lý chuyên nghiệp), sắp tới sẽ làm ngay một cây cầu trị giá 15 tỷ đồng. Tiến đến là xây dựng trường học nội trú, cấp cả tiền ăn học cho con em dân tộc, thậm chí thuê, trả lương cao cho giáo viên.

Cùng đó là xây trường dạy nghề, thuê thầy, thuê thợ giỏi lên Xín Mần đào tạo nghề cho các em. Thay đổi một huyện nghèo cần có thời gian và phải bắt đầu từ bây giờ - đầu tư cho con trẻ.

Chúng tôi tính, sẽ tìm mối tạo sản phẩm hàng hoá cho địa phương làm theo kiểu tìm cả đầu vào, đầu ra. Nói chung, tất cả các công trình tại địa phương sẽ làm theo phương thức chìa khoá trao tay. 

Khi khảo sát giúp đỡ huyện nghèo, thường thì địa phương sẽ chủ động xin với đơn vị đỡ đầu cấp kinh phí các hạng mục. Tại sao ngân hàng lại muốn tự làm?

Lúc đầu, địa phương cũng muốn chúng tôi làm theo ý họ như làm một con đường hay một công trình thuỷ lợi. Nhưng sau khi nghe qua phác thảo đề án, huyện Xín Mần rất thích và liên tục có văn bản gửi lên Chính phủ đề nghị sớm tạo điều kiện để Ngân hàng Liên Việt và Tập đoàn Him Lam (cổ đông sáng lập của LienVietBank) về huyện.

Còn sở dĩ chúng tôi muốn làm “chìa khoá trao tay” là bởi hai mục đích: tiết kiệm, tránh thất thoát và hiệu quả, giữ thương hiệu ở từng điểm từ thiện.

Thạch Thảo
thực hiện

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.