Cơ chế xin - cho làm méo mó phân bổ nguồn lực

Nhà hát ở huyện Đan Phượng (Hà Nội) trăm tỷ xây dở bỏ không. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Nhà hát ở huyện Đan Phượng (Hà Nội) trăm tỷ xây dở bỏ không. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - “Rõ ràng nếu có cơ hội để xin thì ai cũng sẽ cố gắng xin cả. Xin không phải lúc nào cũng được, nhưng không xin thì không bao giờ được. Muốn xin thì buộc người ta phải “vẽ” ra dự án. Mà như vậy thì cơ chế xin- cho, tự nó đã làm cho việc phân bổ nguồn lực bị méo mó...”, TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trao đổi với PV Tiền Phong quanh việc quản lý và sử dụng ngân sách hiện nay.

Cơ chế khuyến khích đi xin

Trong khi nguồn ngân sách của quốc gia còn khó khăn, thiếu thốn, nợ công đang lớn thì nhiều địa phương lại “vẽ” ra những dự án lớn mà dư luận nói nhiều trong thời gian qua. Ông nghĩ sao về thực trạng này?

Thật đáng tiếc, thực trạng trên là có thật. Ở đây có vấn đề của cơ chế xin - cho. Rõ ràng nếu có cơ hội để xin thì ai cũng sẽ cố gắng xin cả. Xin không phải lúc nào cũng được, nhưng không xin thì không bao giờ được. Muốn xin thì buộc người ta phải “vẽ” ra dự án. Mà như vậy thì cơ chế xin - cho, tự nó đã làm cho việc phân bổ nguồn lực bị méo mó và rất nhiều chi phí bất hợp lý phát sinh: chi phí “vẽ” dự án, chi phí đi xin, chi phí duyệt cho...

Thứ hai là vấn đề thiết kế hệ thống, nếu tập trung nguồn lực tài chính vào trung ương lớn mà không phân quyền cho địa phương thì rõ ràng nhu cầu xin bao giờ cũng có. Do vậy cần phân quyền về tài chính cho địa phương. Trên cơ sở đó, địa phương chủ động xác lập đúng ưu tiên của mình. Lúc đó, chưa chắc người ta đã “vẽ” ra việc xây dựng bảo tàng, quảng trường, vì đó chưa chắc đã là sự ưu tiên của địa phương. 

Ông có thể giải thích rõ hơn về cơ chế hiện nay đang khuyến khích xin?

“Việc phân cấp phân quyền cho địa phương rất quan trọng, đặc biệt càng quan trọng hơn đối với vấn đề tài chính. Những cái gì của quốc gia thì trung ương quyết, còn những gì thuộc về địa phương thì không nên để địa phương chạy xin trung ương. Chúng ta phải tạo ra một khuôn khổ cho việc phân quyền đó để mỗi địa phương tự xác lập thứ tự ưu tiên và tự chịu trách nhiệm”. 

TS Nguyễn Sĩ Dũng

Cũng dễ hiểu thôi, theo Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành,  tiền có thể được bổ sung cho các địa phương để cân đối ngân sách hoặc được bổ sung theo mục tiêu. Cả hai cách này đều là chuyện trung ương cho địa phương tiền để chi. Mà như vậy, thì cơ hội để xin và để cho vẫn chưa bị loại trừ. Có lẽ, chúng ta vẫn cần phấn đấu để có được một sự phân cấp, phân quyền rõ ràng hơn, mạch lạc hơn. Những nhiệm vụ gì của quốc gia thì trung ương chi, những gì thuộc về địa phương thì địa phương chi. Ngân sách chỉ nên bổ sung cả gói cho địa phương, còn địa phương phải tự quyết định lấy các ưu tiên của mình.

Theo tôi, phân bổ cả gói theo những nguyên tắc nào cần phải tranh luận ở Quốc hội. Có phải theo đầu người không? Phân bổ theo tình hình khó khăn cụ thể của từng địa phương hay theo nguyên tắc nào?... Đó là những vấn đề cần phải tranh luận với nhau. Khi đã phân cả gói rồi, các địa phương phải tự xác lập lấy ưu tiên của mình, chi cho cái này thì thôi chi cho cái kia, đừng chạy lên trung ương xin nữa.

Cơ chế xin - cho làm méo mó phân bổ nguồn lực ảnh 1

TS Nguyễn Sĩ Dũng.

Phân bổ cả gói để địa phương tự quyết

Nhưng khi đã phân cả gói như vậy, lãnh đạo địa phương đó lại sử dụng nguồn tiền đầu tư vào những dự án không hiệu quả, hoặc không đúng mục đích, không phải vì người dân thì sao, thưa ông?

Những chuyện như vậy nếu xảy ra thì phải xét đến trách nhiệm của người lãnh đạo trước cử tri của địa phương ấy. Nếu chúng ta cứ đứng ở trên này mà bảo cái này cấp thiết, cái này không thì đó chỉ là ý kiến chủ quan thôi. Cái quan trọng là lãnh đạo địa phương phải đưa ra các chủ trương, trên cơ sở có được sự đồng thuận, hài lòng từ người dân ở địa phương đó. Vấn đề chính ở đây là áp lực của cử tri như thế nào? Do vậy cần phải xác lập chế độ trách nhiệm đối với lãnh đạo địa phương. Khi đã có chế độ trách nhiệm trước cử tri thì hãy để cho địa phương tự quyết, tự chịu trách nhiệm, bởi mỗi địa phương sẽ có một đặc thù khác nhau.

Khi đã phân cả bọc rồi, ông lấy tiền xây dựng sân bóng, không chi cho giáo dục, ông phải chịu trách nhiệm trước cử tri. Nếu quyết định đó không hợp lý, không hiệu quả, có sân bóng chẳng để làm gì, trong khi trẻ em lại không có trường học thì cử tri sẽ không bầu nữa, lúc đó lãnh đạo chỉ còn nước nghỉ việc thôi. Bên cạnh đó, một điều nữa cũng rất quan trọng là nền tảng bầu cử của trung ương phải là của trung ương, không nên phụ thuộc vào địa phương như hiện nay.

Thực chất nền tảng bầu cử là nền tảng của quyền lực. Nhưng thực tế hiện nay, ai đó muốn là đại biểu Quốc hội thì phải là đại biểu của địa phương, của tỉnh này tỉnh kia, cho dù họ là người của trung ương. Khi đã là đại biểu của tỉnh, thì phấn đấu để có nhiều tiền từ trung ương phân về cho tỉnh cũng là điều dễ hiểu. Mà như vậy thì xác lập các ưu tiên của quốc gia sẽ rất khó khăn.

Không ít những dự án, công trình với nguồn vốn “khủng” được đầu tư nhưng lại không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí lớn. Theo ông có cần phải gán trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo địa phương để hạn chế tối đa những dự án kém hiệu quả, không hợp lòng dân?

Nếu xác lập chế độ trách nhiệm trước cử tri thì sẽ làm được điều này. Mặt khác kiểm soát việc chi tiêu như thế nào còn có hệ thống kiểm toán. Ở đây không chỉ kiểm toán về mặt pháp lý, tài chính mà còn có cả hệ thống kiểm toán về hiệu quả. Kiểm toán sẽ xác định ông chi tiêu như vậy tốt hơn hay chi cái khác tốt hơn? Do vậy chúng ta có thể phát triển hệ thống kiểm toán, đồng thời xác lập chế độ trách nhiệm trước cử tri, điều này cũng cần được áp dụng với ngay cả cơ quan có chức năng thẩm định là HĐND các cấp. Dù xây cầu, xây sân vận động, hay xây dựng nhà mẫu giáo, trạm y tế thì đại biểu đều phải chịu trách nhiệm trước cử tri. Chỉ như vậy thì thứ tự ưu tiên của địa phương mới có thể xác lập đúng đắn được.

 Thực tế hiện nay, với sự khuyến khích xin trung ương nên người ta cứ “vẽ” ra cho thật to, rồi đến khi trung ương cắt đi một nửa là vừa chẳng hạn. Chuyện này không phải không có. Do vậy cần phân quyền thế nào để không còn cơ chế khuyến khích đó. Lúc đó, địa phương chỉ “đấu đá” làm sao để ngân sách trung ương phân về địa phương một cách công bằng thôi.

Sau loạt bài Tiền Phong nêu về chuyện quy hoạch 10 sân golf ở tỉnh Quảng Bình, đã có nhiều ý kiến khác nhau quanh việc này. Theo ông, việc khắc phục những bất cập từ cơ chế xin cho, để địa phương tự xác lập thứ tự ưu tiên có khắc phục được những bất cập này?

Việc quy hoạch 10 sân golf có bất cập hay không thì phải có phân tích, đánh giá chiến lược phát triển của tỉnh Quảng Bình mới có thể trả lời chính xác được. Có thể gắn với ưu thế của động Phong Nha-Kẻ Bàng, động Sơn Đoòng, tỉnh Quảng Bình muốn xây dựng định hướng phát triển của mình là du lịch. Vấn đề không phải là lãnh đạo tỉnh quy hoạch gì, mà là lãnh đạo tỉnh chịu trách nhiệm về quy hoạch đó như thế nào.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG