Cơ hội cho nền kinh tế phát triển mạnh

Dệt may tại xưởng may Hanosimex.
Dệt may tại xưởng may Hanosimex.
TP - Trả lời Tiền Phong, TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM nhấn mạnh: Với việc ký kết các Hiệp định tự do thương mại và sửa hàng loạt luật như Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…, năm 2015 nền kinh tế sẽ có cơ hội để phát triển mạnh mẽ.

“Nếu nắm bắt được cơ hội và cải cách mạnh về thể chế kinh tế, các  doanh nghiệp sẽ bứt phá. Tôi nhìn thấy kinh tế 2015 có điểm sáng hơn, triển vọng phát triển là rất rõ ràng”, TS Lịch khẳng định.

Nhìn vào tín hiệu từ việc ký kết các hiệp định thương mại vừa qua, ông đánh giá như thế nào đối với việc mở rộng thị trường xuất khẩu và những thuận lợi, thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2015?

Trước hết, tôi thấy cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp (DN) là rất lớn trên cơ sở các hiệp định thương mại tự do vừa ký, đặc biệt là Hiệp định khu vực mậu dịch tự do Việt Nam và Liên minh Hải quan (Nga, Belarus, Kazakhstan).

Ngoài ra, vừa qua chúng ta đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam-Hàn Quốc, đây là sự kiện hết sức quan trọng, không chỉ có ý nghĩa tăng cường hợp tác thương mại song phương hướng tới mục tiêu 70 tỷ USD vào năm 2020, mà còn góp phần thúc đẩy toàn diện quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc.

Tôi tin rằng, năm 2015 chúng ta sẽ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP nữa  – tức là cơ hội mở rộng xuất khẩu cho các DN Việt Nam sẽ vô cùng lớn. Vì với mức thuế giảm xuống 0-5% đối với các mặt hàng, nhất là dệt may, da giày và  thủy sản, các DN chúng ta sẽ có cơ hội để mở rộng thị trường ra thế giới. Thứ hai, với dự báo giá nhiên liệu giảm sẽ giúp giảm chi phí sản xuất xuống.

Những yếu tố như vậy, rõ ràng đang đem lại cơ hội lớn cho các DN. Nhưng hiện nay, chỉ có một bộ phận hơn 30% DN đang làm ăn tốt sẽ đón được cơ hội này. Phần lớn các DN còn lại khó khăn, để nắm được cơ hội này vươn lên thì vẫn còn nhiều rào cản.

Chính vì vậy, trong các chính sách kinh tế, phải làm sao có biện pháp nới lỏng chính sách tín dụng thực sự, hỗ trợ nhóm DN này về phương diện tài chính, để DN đứng vững được. Có như vậy họ mới cùng với nhóm DN kia tiếp cận được thị trường, cung ứng hàng hóa, dịch vụ để thúc đẩy sản xuất hàng hóa xuất khẩu, tạo sức lan tỏa trong nền kinh tế.

Chúng ta phải có ngay chính sách hỗ trợ để từ cơ hội này đa số các DN trong nước cùng đi lên chứ không chỉ là cơ hội cho một số DN đang làm ăn tốt. 

Trần Du Lịch

Tôi nhấn mạnh, chúng ta phải có ngay chính sách hỗ trợ để từ cơ hội này đa số các DN trong nước cùng đi lên chứ không chỉ là cơ hội cho một số DN đang làm ăn tốt. Đó là cái mà chúng ta cần hướng tới trong 2015 để cộng đồng DN trong nước cùng phát triển mạnh mẽ.

Vậy khả năng để chúng ta hỗ trợ DN còn khó khăn nhằm giúp các DN này phục hồi, nắm bắt cơ hội phát triển sản xuất ra sao?

Khả năng hỗ trợ của chúng ta đối với các DN trong năm nay chắc chắn khá hơn rất nhiều so với thời gian qua. Vì điều kiện hiện nay để mở rộng thị trường ra bên ngoài, như tôi đã nói là rất thuận lợi. Quan trọng nhất, chúng ta đã khống chế được lãi suất, lạm phát cao.

Chúng ta hoàn toàn có thể nới tay đối với chính sách tiền tệ và tài khóa, để thúc đẩy tổng cầu trong nước lên cao hơn. Như vậy, nếu nắm bắt được cơ hội, có quyết tâm thì nền kinh tế sẽ có cơ hội phục hồi mạnh. Năm nay phải tạo được sức bật trở lại để 2016 và những năm tiếp theo kinh tế tiếp tục tạo đà phát triển mạnh mẽ và không thể chần chừ.

Vậy đâu là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam trong năm nay?

Tôi cho rằng những thị trường truyền thống đang có sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ thì vẫn phải giữ vững. Nhưng chúng ta cũng đang hướng tới hai khu vực vừa ký đó là khu vực thuế quan tự do Nga, Belarus, Kazakhstan và Hàn Quốc. Ngoài ra với thị trường khác như thị trường Mỹ, chúng ta vẫn tiếp tục phát triển tốt.

Những thị trường mới đương nhiên là những cơ hội mở ra và chúng ta phải tiếp cận nhanh chóng. Bởi vì chính sách tự do thương mại tác động rất mạnh đối với các DN, nên phải khẩn trương. Cái chính ai cũng thấy, đó là những thị trường mới mở ra rất phù hợp với phân khúc thị trường hàng hóa của Việt Nam.

Còn đối với thị trường Trung Quốc thì sao, thưa ông?

Tôi cho đây vẫn là thị trường truyền thống phải giữ vì họ là một thị trường lớn và chúng ta phải tranh thủ. Không phải vì nhập siêu mà chúng ta quên thị trường này. Tôi chỉ tính 3 thị trường lân cận là các địa bàn Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây cũng là rất lớn đối với hàng hóa của chúng ta. Đối với thị trường Trung Quốc chúng ta phải có tư tưởng thế này: Anh muốn phòng thủ thì phải tấn công. Chúng ta phòng thủ bằng cách tấn công đối với thị trường này, cũng như chơi trên sân bóng thôi, anh phải vừa phòng thủ vừa tấn công.

Cảm ơn ông!

Không chủ động sẽ mất hết lợi thế sân nhà

Trao đổi với Tiền Phong, một thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đồng thời cũng là Chủ tịch một hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, trong xu thế hiện nay kinh tế càng hội nhập sâu thì càng có nhiều lợi ích. Tuy nhiên, khi tham gia hội nhập có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi, luật chơi chung. Vì thế nếu doanh nghiệp không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo thì rất khó có thể giành được lợi thế. 

Vị Chủ tịch hiệp hội trên cũng thừa nhận, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thiếu thông tin, hoặc chưa nhận thức được đầy đủ những nội dung của các hiệp định FTA mà chúng ta đang đàm phán, hoặc cơ bản đã kết thúc đàm phán. Đây là một mối lo lớn, đòi hỏi các cơ quan nhà nước cần phải quan tâm.

Doanh nghiệp có đầy đủ thông tin, hiểu hết được ý nghĩa của các Hiệp định FTA thì mới có thể chủ động xây dựng được chiến lược kinh doanh phù hợp. Chứ không lợi thế sẽ thuộc về hết các doanh nghiệp nước ngoài. Đơn cử như thị trường bán lẻ, hay thị trường thức ăn gia súc lợi thế gần như thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài, và chúng ta rất khó để cạnh tranh.

MỚI - NÓNG