Cơ hội và thị trường Nga vẫn hấp dẫn đối với người Việt

Cơ hội và thị trường Nga vẫn hấp dẫn đối với người Việt
"Đã có không ít người VN chuyển thể kinh doanh “ra biển lớn” ngay tại Matxcơva: nhà hàng Sông Lam lâu nay kinh doanh thành đạt, đông khách; Hanoi-cafe mới được đầu tư sang trọng, qui mô 350 chỗ..." ông Nguyễn Bá Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân VN tại Liên bang Nga cho biết.
Cơ hội và thị trường Nga vẫn hấp dẫn đối với người Việt ảnh 1
Ông Nguyễn Bá Anh

Số phận những khu chợ hàng hóa của người Việt sẽ ra sao?

Chợ hàng tiêu dùng ở Matxcơva là khái niệm tổ chức buôn bán tạm (chợ tạm) trên các giấy phép cấp cơ sở (quận, huyện).

Chúng được hình thành trong cơ chế thị trường giai đoạn 1993 - 2003. Vì thế, các chợ người VN hiện đang kinh doanh (gọi chung cho cả chợ thuê lại của Nga hoặc cả chợ do người Việt tổ chức) đều liên quan đến quá trình điều chỉnh trên.

Chúng có tiếp tục tồn tại hay không là còn phụ thuộc vào các điều kiện:

a) Giấy phép lập chợ (các chủ chợ cần công khai giấy phép cho bà con để thể hiện cùng lợi ích với đồng bào; ai giấu giếm, thông tin sai là cố ý gây thiệt hại cho bà con hoặc có dụng ý khác); b) Phương thức kinh doanh tại các chợ này (hàng có nguồn gốc rõ ràng, bán hàng qua máy thu ngân... nhưng với các yêu cầu này, phần đông bà con người Việt chưa đáp ứng được); c) Điều kiện đầu tư hạ tầng; d) Hợp đồng thuê đất; e) Tính pháp lý của chủ doanh nghiệp đứng tên quản lý chợ...

Đây là những yêu cầu mà người Việt kinh doanh tại các chợ trên cần được biết để quyết định tương lai kinh doanh của mình.

Cụ thể, xin ông cho biết về tình hình một số khu thương mại của người Việt?

Chợ Vòm đã có lộ trình được tuyên bố. Trung tâm An Đông đã đầu tư chuyển thể thành khu khách sạn, văn phòng, nhà hàng, từ lâu không còn là chợ.

Khu trung tâm thương mại Lion từng bước chuyển thành xưởng may có hiệu quả, đang lập dự án đầu tư thành tổ hợp siêu thị, khách sạn, văn phòng hiện đại. Chợ Bến Thành đã thôi tồn tại từ lâu.

Sau việc Nga chấn chỉnh thị trường bán lẻ, tình hình làm ăn của người Việt tại Nga, theo ông hình dung, sẽ như thế nào?

Đã có không ít người VN chuyển thể kinh doanh “ra biển lớn” ngay tại Matxcơva: nhà hàng Sông Lam lâu nay kinh doanh thành đạt, đông khách; Hanoi-cafe mới được đầu tư sang trọng, qui mô 350 chỗ; chuỗi Viet-cafe bắt đầu phát triển, có mô hình hiệu quả; cửa hàng ăn nhanh thương hiệu Nem's đang chuẩn bị mở chuỗi ở các siêu thị tại Matxcơva...

Những mô hình chuyển đổi như vậy đang được chú ý và chứng tỏ còn nhiều hướng mở để bà con kinh doanh. Không kể có tới 10 doanh nghiệp sản xuất đã ổn định, có doanh số tốt và uy tín trên thị trường, các nhóm kinh doanh dịch vụ như du lịch, nhà hàng, tư vấn, IT... đang phát triển.

Tuy nhiên số đông bà con VN (80%) hiện vẫn còn nặng gánh với phương thức cũ, mà không có hoặc chưa có điều kiện chuyển đổi. Lý do chính là tư cách pháp lý bản thân (theo luật không được hành nghề bán lẻ), cách bán buôn chưa tuân thủ theo qui định về giao dịch hàng hóa (hàng hóa không rõ xuất xứ và chất lượng, tôn trọng thuế khóa,...).

Thật ra, nếu người Việt chịu khó liên kết với nhau thì có thể tìm ra những hình thức kinh doanh phù hợp..., không nhất thiết bán hàng trực tiếp.

Nếu có ý định lập nghiệp lâu dài, họ có thể góp vốn vào các dự án sinh lời, như chuỗi dịch vụ các loại kinh doanh hình thành và phát triển, các khu siêu thị mới (Trung tâm thương mại Hồ Chí Minh, Hà Nội...), tái đầu tư vào khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ... Sẽ phải cần tư vấn, nghiên cứu trong quá trình chuyển đổi. Nhưng cơ hội và thị trường vẫn hấp dẫn.

Theo Duy Văn
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG