Nhập nhèm thu chi quỹ bảo trì chung cư:

Cư dân dọa kiện chủ đầu tư

 Cư dân tòa nhà Kengnam dọa kiện chủ đầu tư vì không giao hàng trăm tỷ đồng phí bảo trì cho Ban quản trị. Ảnh: Như Ý
Cư dân tòa nhà Kengnam dọa kiện chủ đầu tư vì không giao hàng trăm tỷ đồng phí bảo trì cho Ban quản trị. Ảnh: Như Ý
TP - Hàng trăm tỷ đồng thu từ khách hàng cho quỹ bảo trì chung cư nhưng nhiều chủ đầu tư trì hoãn việc bàn giao lại cho Ban quản trị (BQT) tòa nhà. Thu chi nhập nhèm, là lý do xảy ra tranh chấp kéo dài tại nhiều chung cư hiện nay.

Nhập nhèm

Theo quy định, phí bảo trì chung cư được chủ đầu tư thu mỗi khách hàng 2% trên tổng giá trị căn hộ. Chủ đầu tư được quản lý khoản tiền này trong thời hạn tối đa 1 năm.

Sau khi bầu được BQT, chủ đầu tư phải giao toàn bộ số tiền này cho BQT quản lý, cùng với 2% giá trị của phần diện tích mà chủ đầu tư giữ lại không bán. Quy định là thế, tuy nhiên, trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp khi chủ đầu tư không chịu bàn giao số tiền phí bảo trì chung cư.

Ông Bùi Thức Khiết, Trưởng BQT chung cư Keangnam (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, theo tính toán, tổng số diện tích sàn căn hộ và thương mại của toà nhà khoảng 150.000m2, giá bán căn hộ là 2.800 USD/m2, phí bảo trì chủ đầu tư Keangnam Vina đã thu khoảng từ 190 đến 210 tỷ đồng.

“Chúng tôi nhiều lần làm văn bản đề nghị chủ đầu tư giao lại quỹ bảo trì. Chủ đầu tư luôn tìm mọi lý do né tránh, trì hoãn hoặc trả lời rất vòng vo, khó hiểu. Hiện chúng tôi không hề biết đến giờ số tiền còn bao nhiêu, đã chi vào việc gì?”, ông Khiết bức xúc.

Sau khi bàn bạc các thành viên trong BQT chấp thuận phương án đến tháng 6/2014, Cty Keangnam Vina phải trả lời về quỹ bảo trì này. Nếu không giải trình được BQT sẽ kiện Cty này ra tòa.

Cư dân đang sinh sống tại chung cư Sky City (88 Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) cũng đang sốt ruột vì chủ đầu tư Cty TNHH Hanotex chỉ giao 15 tỷ đồng quỹ bảo trì cho BQT. Ông Đặng Trọng Hiếu, Trưởng BQT cho hay, tòa nhà gồm 450 căn, giá bán từ 2.200 - 2.500 USD/m2, mỗi căn đóng 2% giá bán nên tổng số tiền quỹ bảo trì khoảng 45-50 tỷ đồng.

Hiện, BQT không nắm được chính xác số tiền quỹ đang là bao nhiêu. “Với chủ đầu tư quyết không chịu trả số tiền bảo trì cho BQT nên có chế tài xử phạt. Việc giữ quá lâu số tiền này, khiến chúng tôi có quyền nghi ngờ chủ đầu tư đang chiếm dụng vốn làm việc khác”, ông Hiếu nói.

Cư dân như bị lừa

Cư dân khu The Manor (Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) phản ánh, chủ đầu tư Bitexco thu 5,2 tỷ đồng phí bảo trì của 58 căn hộ, nhưng không bảo trì khiến nhiều hạng mục chung cư xuống cấp nghiêm trọng.

Được biết, dự án The Manor có 450 căn hộ. Sở dĩ đến nay dự án này vẫn chưa thu được hết tiền quỹ bảo trì do tại thời điểm mua bán căn hộ năm 2003-2004, chưa có quy định này. Hiện, chủ đầu tư mới bàn giao cho BQT 1 tỷ đồng. 

Bà Nguyễn Nhung Hạnh, tổ trưởng tổ dân phố The Manor khẳng định: “Nếu chủ đầu tư không giao số tiền còn lại cho BQT, các hộ còn lại nhất quyết không đóng phí bảo trì. Chúng tôi mất lòng tin vào chủ đầu tư”.

“Chúng tôi sẽ kiến nghị với Sở Xây dựng Hà Nội và các cơ quan chức năng có liên quan để giải quyết vấn đề tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng người mua nhà”.

Ông Nguyễn Mạnh Hà

Gần 700 căn hộ tại khu tái định cư Đồng Tàu (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang phải “sống trong sợ hãi” khi tòa nhà xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Viết Thắng, tổ trưởng tòa N6, N7, N9, N10 (với 250 hộ dân và 900 nhân khẩu) cho biết: “Hợp đồng mua nhà không có phí 2% bảo trì. Bây giờ có bắt chúng tôi cũng không đóng phí này. Chủ đầu tư phải có trách nhiệm”. Ông Nguyễn Đức Minh, Phó Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội nói: Nhiều khu tái định cư Hà Nội không có quỹ 2% phí bảo trì do bán trước năm 2005, trong đó có khu tái định cư Đồng Tàu.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, cư dân có thể kiện nếu chủ đầu tư không chịu giao số tiền quỹ bảo trì cho BQT.

Trong khi đó, ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng, cho rằng, tại Việt Nam, chúng ta mới chỉ quan tâm tới việc kinh doanh chung cư, chứ chưa quan tâm tới việc quản lý sau khi đi vào hoạt động. Vì vậy, mới dẫn tới những xung đột giữa người dân và chủ đầu tư.

MỚI - NÓNG