Đã có giải pháp cho núi thải cực độc ở Hải Phòng

Phó chủ tịch Uông Chu Lưu phát biểu tại Hội nghị.
Phó chủ tịch Uông Chu Lưu phát biểu tại Hội nghị.
Trước nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ các núi chất thải cao hàng chục mét của nhà máy sản xuất phân bón DAP Đình Vũ, Hải Phòng, một giải pháp biến núi chất thải này thành phụ gia xây dựng đã được triển khai thành công, giúp giải quyết điểm nóng môi trường nhức nhối nhiều năm qua đồng thời tạo ra phụ gia xây dựng chỉ bằng ½ giá nhập ngoại hiện nay.

Tin vui cho Hải Phòng

Sáng nay (21/1/2017), Viện Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) phối hợp với Công ty TNHH Ngọc Linh tổ chức Hội nghị KH&CN đánh giá chất lượng sản phẩm thạch cao nhân tạo thu được từ quá trình xử lý chất thải GYPS (bã thải phosphogypsum) của nhà máy phân bón DAP Vinachem thuộc KCN Đình Vũ, Hải Phòng. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng đại diện nhiều bộ, ngành và gần 20 nhà khoa học tham dự.
Vấn đề ô nhiễm môi trường từ các bãi thải GYPS của nhà máy phân bón DAP Vinachem Đình Vũ, Hải Phòng là vấn đề nhức nhối nhiều năm qua. Ông Phạm Quốc Ka, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng kể, trong tất cả các nghị trường rồi cơ quan truyền thông liên tục chất vấn trong vai trò quản lý nhà nước của ngành trước điểm nóng ô nhiễm này. 

Ông Ka cho hay, nhà máy DAP là một trong những trọng điểm ô nhiễm, vị trí ô nhiễm nhất chính là bãi thải GYPS của nhà máy này. Bãi thải nằm ngay vị trí hết sức nhạy cảm là cửa ngõ đi vào vùng du lịch Cát Hải, Cát Bà, lại đầu nguồn gió, rất nhạy cảm về vấn đề sinh thái. Trong quá trình vận hành xảy ra nhiều lần sự cố, đặc biệt là thu gom và xử lý nước rỉ từ bãi thải GYPS. Vấn đề nữa là bụi, ô nhiễm môi trường không khí và hơi axit. “Trong quá trình sản xuất, vận hành gây nên rất nhiều bức xúc trong nhân dân và cử tri thành phố”, ông Ka chia sẻ.
Bã thải GYPS tiềm ẩn nguy cơ rất lớn với môi trường do chứa nhiều chất độc hại như axít HF, H2SO4, H3PO4 và các muối kim loại nặng, phóng xạ. Bã thải GYPS sẽ gây hại khi hàm lượng axit dư trong bã GYPS rò rỉ ra môi trường và không được xử lí triệt để.
Để giải quyết vấn đề này, một doanh nghiệp khoa học và công nghệ là Công ty  TNHH Ngọc Linh ở Hà Nội đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học chế biến bã thải GYPS thành thạch cao làm phụ gia điều chỉnh thời gian đông kết cho xi măng. Đề tài do ba nhà khoa học nhiều lần nhận Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Vifotec) thực hiện gồm ThS Vũ Đức Tuấn, KS Trịnh Văn Tiến và ThS Trịnh Hồng Tú. Đề tài đã thực hiện việc thu hồi thạch cao từ chất thải GYPS bằng công nghệ hóa học với một số hóa chất do công ty phát hiện và tổng hợp.

Sau nhiều năm nghiên cứu, triển khai, Đề tài đã thu hồi thành công thạch cao có chất lượng đảm bảo các yêu cầu theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, Ấn Độ và dự thảo tiêu chuẩn của Việt Nam. Bước đầu cung cấp sản phẩm cho một số nhà máy sản xuất xi măng như Xi măng VINACONEX Yên Bình, Xi măng Yên Bái và Xi măng Tân Quang.
Đánh giá về công nghệ này, ông Ka chia sẻ “Đây là tin vui đầu năm cho Hải Phòng”.

Đã có giải pháp cho núi thải cực độc ở Hải Phòng ảnh 1 Tái chế bã thải GYPS thành phụ gia xây dựng của Công ty TNHH Ngọc Linh.

Tạo ra phụ gia xây dựng bằng ½ giá nhập ngoại

PGS.TS Lương Đức Long, Viện trưởng Viện Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng chia sẻ, việc tái chế chất thải GYPS làm thạch cao xây dựng là việc làm hết sức cấp bách và cần thiết. Quy trình công nghệ của Công ty TNHH Ngọc Linh có cơ sở khoa học và có thể xử lý được các sản phẩm thạch cao đạt yêu cầu chất lượng với phụ gia điều chỉnh đông kết trong xi măng. Ông Long cũng cho biết, dự thảo TCVN về thạch cao phốt pho dùng để điều chỉnh thời gian đông kết trong sản xuất xi măng của Việt Nam chặt chẽ hơn nhiều của Trung Quốc. Tuy nhiên, sản phẩm của công ty Ngọc Linh vẫn đáp ứng được.

Vị chuyên gia này cũng cho biết, thạch cao tái chế có khả năng điều chỉnh thời gian đông kết cho xi măng tương tự thạch cao tự nhiên. Tính tương tác của xi măng dùng thạch cao tái chế và thạch cao tự nhiên là không có khác biệt lớn. Vì thế, sản phẩm từ đề tài nghiên cứu có thể thay thế thạch cao tự nhiên làm phụ gia cho vật liệu xây dựng
 Bên cạnh ý nghĩa bảo vệ môi trường, việc sản xuất thành công thạch cao có ý nghĩa kinh tế. Việt Nam không có mỏ thạch cao tự nhiên, nguồn thạch cao sử dụng trong công nghiệp sản xuất xi măng hoàn toàn được nhập khẩu từ nước ngoài như Lào, Thái Lan, Trung Quốc. Theo số liệu thống kê, năm 2015 sản lượng xi măng ở nước ta khoảng 72 triệu tấn, tính trung bình lượng thạch cao sử dụng trong xi măng là 4%, thì lượng thạch cao cần sử dụng là 2,88 triệu tấn/năm. Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030, năm 2020 nhu cầu sử dụng xi măng ở nước ta khoảng 94 triệu tấn/năm, khi đó lượng thạch cao sử dụng sẽ là 3,76 triệu tấn/năm

Với công nghệ thu hồi thạch cao từ bã thải GYPS mà Công ty TNHH Ngọc Linh thực hiện thì 1,1 tấn GYPS sẽ thu hồi 1 tấn thạch cao. Giá sản phẩm khoảng 600.000 đồng/tấn, bằng 50% thạch cao nhập khẩu từ Lào, Thái Lan và 70% giá nhập khẩu từ Oman.

Đã có giải pháp cho núi thải cực độc ở Hải Phòng ảnh 2 Núi thải GYPS của Công ty DAP Vinachem Đình Vũ, Hải Phòng. 

Sẽ giải quyết vấn đề môi trường ở nhiều nơi

Hiện nay, ở nước ta không chỉ có bã thải GYPS của Công ty CP DAP Vinachem - Đình Vũ tại Hải Phòng, hai nhà máy nữa cũng phát thải gồm Công ty CP DAP số 2 tại Lào Cai và tại Công ty CP hóa chất và phân bón Đức Giang - Lào Cai. Riêng Nhà máy DAP Đình Vũ, lượng phát sinh bã thải GYPS hàng năm là 750.000 tấn. Hiện nay bã thải GYPS được đổ tại bãi thải nhà máy, lượng phế thải này phần lớn chưa được xử lý và sử dụng làm vật liệu xây dựng, ước tính lượng bã thải GYPS tại nhà máy tính đến cuối năm 2016 khoảng trên 4 triệu tấn. Nhà máy DAP số 2 đặt tại Lào Cai dự kiến cũng phát thải bã thải GYPS khoảng 750.000 tấn bã thải GYPS /năm. Ngoài ra, Nhà máy hóa chất Đức Giang - Lào Cai cũng sẽ phát thải khoảng 463.000 tấn bã GYPS /năm. Tính đến nay đại đa số lượng bã thải GYPS chưa được sử dụng trong bất kỳ lĩnh vực nào. Lượng tồn đọng còn 5,6 triệu tấn. Dự báo đến năm 2020, bã GYPS thải ra mỗi năm là 3.885.000 tấn.

Việc thu hồi thạch cao từ bã thải GYPS sẽ giải quyết được vấn đề trên. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chia sẻ chúng tôi hoan nghênh nỗ lực, cố găng của các nhà đầu tư, sản xuất để giải quyết vấn đề này. Hiện nay, mỗi năm có 20 triệu tấn tro xỉ, 6-7 triệu tấn chất thải từ nhà máy sản xuất đạm, hóa chất. cChất thải này không được xử lý tốt sẽ có khả năng gây ra sự cố môi trường nặng nề.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chia sẻ, trong một kỳ họp HĐND thành phố Hải Phòng, đại biểu và cử tri rất quan tâm đến vấn đề chất thải nhà máy phân bón DAP Vinachem Đình Vũ, đại biểu nói không xử lý được vấn đề môi trường ở đó thì có thể xảy ra sự cố Formosa thứ 2. 
Việc công ty Ngọc Linh tự bỏ tiền nghiên cứu là một hướng rất đáng hoan nghênh, cái quan trọng cuối cùng là làm sao đểsản phẩm thạch cao nhân tạo phải có tính ổn định, đảm bảo tiêu chí môi trường, tiêu chuẩn và hiệu quả kinh tế xã hội lâu dài.

MỚI - NÓNG