Đại biểu Quốc hội: 'Cần minh bạch hơn nữa với dự án ODA'

POSCO E&C đang bị nghi ngờ lập quỹ đen lại quả cho nhà thầu trong dự án xây dựng đường cao tốc tại Việt Nam. Ảnh: Như Ý.
POSCO E&C đang bị nghi ngờ lập quỹ đen lại quả cho nhà thầu trong dự án xây dựng đường cao tốc tại Việt Nam. Ảnh: Như Ý.
TP - ODA chỉ thực sự có lợi nếu được quản lý chặt chẽ, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Còn nếu để xảy ra thì bao nhiêu lợi ích của ODA cũng không đủ để bù đắp cho những thiệt hại do tham nhũng, hối lộ gây ra, nhất là trên bình diện hình ảnh quốc gia”, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nói như vậy khi trao đổi với Tiền Phong về khả năng tiêu cực ở các dự án sử dụng vốn ODA và hậu quả.

Hành lang pháp lý còn lỏng

Ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng, hành lang pháp lý lỏng, cộng với công tác phòng, chống tham nhũng còn hạn chế là những nguyên nhân chính dẫn đến việc chúng ta không chủ động phát hiện ra những tiêu cực trong sử dụng vốn vay ODA. Nhiều trường hợp chỉ đến khi các cơ quan bảo vệ pháp luật nước ngoài phát hiện ra thì trong nước mới vào cuộc xác minh, làm rõ và xử lý. 

Theo ông Nghĩa, hiện nay, để được vay ODA, chúng ta thường phải chấp nhận một số điều kiện mà phía cho vay đề ra như ưu ái cho nhà thầu, mua sắm thiết bị, công nghệ của nước đó. Vì thế, ODA chỉ thực sự có lợi khi nó được tiến hành minh bạch, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng. “Còn nếu để những điều trên xảy ra thì bao nhiêu lợi ích của ODA cũng không thể bù đắp đủ cho những thiệt hại mà hối lộ, tham nhũng gây ra, nhất là trên bình diện hình ảnh quốc gia”, ông Nghĩa nói.

Theo bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, những năm qua, nguồn vốn ODA đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cũng đã phát sinh nhiều bất cập, thậm chí nảy sinh tội phạm. Thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong một số dự án ODA đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình, làm mất uy tín của Việt Nam đối với nhà tài trợ.

Bà Nga cho rằng, hành lang pháp lý ODA hiện nay chủ yếu được điều chỉnh bởi Nghị định 38 CP/2013, quyết định của Thủ tướng, hướng dẫn của các bộ, ngành, địa phương và quy định của nhà tài trợ nên chưa thể ngăn chặn hoàn toàn tình trạng xin - cho, “cò dự án”, tiêu cực, tham nhũng.

Tiến tới “cai” dần ODA

Theo bà Nga, sau khi chúng ta thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp, ưu đãi giảm đi, điều kiện vay và trả nợ khó khăn hơn, nếu lạm dụng ODA thì sẽ để lại gánh nặng nợ nần cho tương lai. Hơn nữa, do chưa kiểm soát được thất thoát, lãng phí, tham nhũng nên một số dự án sử dụng vốn vay ưu đãi đã bị “đội” chi phí. Vì thế, việc sử dụng vốn ODA cần có chọn lọc, hạn chế và có lộ trình chấm dứt ODA trong tương lai gần. “Bất cứ quốc gia nào, nếu phụ thuộc lâu dài vào ODA thì là sự thất bại của chiến lược phát triển”, bà Nga nói.

Ông Nghĩa cũng cho rằng, ODA thực sự là “con dao hai lưỡi” nên việc quản lý ODA đòi hỏi phải chặt chẽ, minh bạch. “Chúng ta ưu tiên nhưng cũng không có nghĩa cứ phải chấp nhận tất cả điều kiện của họ đưa ra. Bởi rõ ràng việc họ hối lộ quan chức để được trúng thầu dự án sử dụng vốn vay ODA có nghĩa là họ đang muốn chúng ta bỏ qua những yếu tố tiêu cực, giúp họ trúng thầu”, ông Nghĩa nói. Ông đề nghị sớm hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý ODA, nhất là về các dự án sử dụng nguồn vốn này. Đồng thời xây dựng cơ chế thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để không xảy ra tham nhũng, hối lộ… Bà Nga cho rằng, cần ban hành Luật Quản lý, sử dụng ODA, trong đó chú trọng quy định chặt chẽ tiêu chí chấp nhận vốn ODA công khai, minh bạch chi tiết các dự án và quy trình phân bổ…

Thêm một dự án “có vấn đề”

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa quyết định không cho phép Cty Louis Berger Group (LBG, Mỹ) tham gia các dự án sử dụng vốn WB trong một năm. Nguyên nhân được WB đưa ra là LBG có đưa khoản tiền có yếu tố tham nhũng cho quan chức tại dự án Giao thông nông thôn 3 và Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên ở thành phố Đà Nẵng.

Một số bê bối liên quan dự án sử dụng ODA

- Tháng 3/2014, ông Tamio Kakinuma (Giám đốc Cty Tư vấn Giao thông Nhật Bản - JTC) thừa nhận với cơ quan công tố Tokyo (Nhật Bản) rằng, JTC đã “lại quả” 80 triệu Yên (tương đương 16,4 tỷ đồng) cho các lãnh đạo ngành đường sắt Việt Nam. JTC chi tiền để được trúng thầu gói tư vấn thiết kế kỹ thuật tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội - tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên). Dự án đã tiếp nhận 2 khoản vay ODA từ Nhật Bản, với tổng trị giá 21,271 tỷ Yên.

- Đầu tháng 8/2008, cơ quan công tố Nhật Bản bắt và khởi tố 4 cựu cán bộ cao cấp của Cty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) về tội danh hối lộ. Cả 4 người đều thừa nhận đưa hối lộ 820.000 USD cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ, thời điểm đó là Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM, kiêm Giám đốc Ban quản lý Dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TPHCM, để thắng thầu dự án này. Dự án có tổng vốn đầu tư ban đầu gần 10.000 tỷ đồng, trong đó có 6.394 tỷ đồng vay ODA của Nhật Bản. Tháng 9/2011, tòa phúc thẩm tuyên án Huỳnh Ngọc Sĩ phạm tội nhận hối lộ, giảm án từ phạt tù chung thân (án sơ thẩm) xuống 20 năm tù giam.

- Tháng 1/2006, Bùi Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Ban quản lý Các dự án giao thông 18 (PMU 18) bị bắt, vì liên quan đánh bạc và tham nhũng xảy ra tại các dự án sử dụng vốn ODA do PMU 18 làm đại diện chủ đầu tư. Năm 2007, tòa án tuyên án Bùi Tiến Dũng 13 năm tù vì tội đánh bạc và đưa hối lộ.

Lê Hữu Việt 

MỚI - NÓNG