Đại gia đi xây nhà giá rẻ

Động thái tham gia vào phân khúc nhà giá rẻ của nhiều đại gia bất động sản được các chuyên gia nhận định là một tín hiệu tích cực đối với thị trường.
Động thái tham gia vào phân khúc nhà giá rẻ của nhiều đại gia bất động sản được các chuyên gia nhận định là một tín hiệu tích cực đối với thị trường.
Thị trường nhà giá rẻ trước đây chủ yếu chỉ có sự tham gia của các doanh nghiệp Nhà nước và số ít công ty tư nhân thì đến nay, một số tên tuổi lớn như Vingroup, FLC, Him Lam... cũng nhập cuộc.

Tập đoàn Vingroup vừa công bố chiến lược sẽ tham gia vào phân khúc nhà giá rẻ với dự định sẽ xây dựng 200.000-300.000 căn hộ VinCity có mức giá cho người có thu nhập trung bình. Đơn vị này dự kiến sẽ triển khai đồng loạt thương hiệu VinCity được tại 7 tỉnh, thành phố lớn gồm Hà Nội, Hưng Yên, TP HCM, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nha Trang.

Trao đổi với VnExpress, đại diện Vingroup cho biết, VinCity là dòng sản phẩm hoàn toàn mới của tập đoàn này với các căn hộ có diện tích từ 35m2 đến 90m2 và mức giá bán trung bình 13 - 19 triệu mỗi m2. Tại Hà Nội và TP HCM, các dự án của VinCity được đầu tư ở các quận huyện ngoại thành nhưng vẫn đảm bảo sự đồng bộ với đầy đủ hệ thống tiện ích thiết yếu cho cư dân như y tế, trường học, trung tâm thương mại, các cửa hàng tiện ích, cây xanh, cảnh quan, các khu thể thao và hạ tầng dịch vụ…

Tại Hà Nội, Vingroup cho biết đang làm thủ tục các dự án ở huyện Gia Lâm (gần 300 ha) và huyện Đan Phượng (130 ha); ở TP HCM thì các dự án ở quận 7 (20ha) và quận 9 (gần 300ha), tại Hưng Yên là một dự án 500 ha ở gần khu đô thị Ecopark. Tại Hải Phòng, Nha Trang, Thanh Hóa dự án nằm ở các vùng trung tâm thành phố với quy mô từ 50 đến 150 ha...

Nếu như trước đây, nhắc đến phân khúc nhà giá rẻ chủ yếu là các doanh nghiệp Nhà nước tham gia phân khúc nhà ở xã hội như Viglacera, Handico 5, HUD, Vinaconex… Số ít các các doanh nghiệp tư nhân cũng tham gia vào phân khúc này như Tập đoàn Mường Thanh với một loạt dự án như Xa La, Đại Thanh, Tây Nam Linh Đàm và gần đây là Thanh Hà Cienco với mức giá chỉ trên dưới 10 triệu đồng một m2. Tuy nhiên, gần đây nhiều doanh nghiệp tư nhân tên tuổi lớn cũng có những động thái chuyển hướng hoặc chính thức công bố sẽ tham gia vào phân khúc căn hộ giá rẻ.

Từ đầu năm 2016, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) đã mở bán hàng nghìn căn hộ tại Khu đô thị Ecopark, Tập đoàn FLC công bố triển khai hàng loạt căn hộ có giá từ một tỷ đồng tại Đại Mỗ (Nam Từ Liêm)... Tại TP HCM, Công ty Địa ốc HimLam Land - một trong số các chủ đầu tư chuyên phát triển dòng sản phẩm căn hộ cao cấp, gần đây đã chuyển hướng phát triển thêm các dự án căn hộ giá bình dân. Cách đây không lâu, đơn vị này đã tung ra thị trường dự án Him Lam Phú Đông (quận Thủ Đức) với giá bán chính thức vào khoảng 1-1,2 tỷ mỗi căn cùng với kế hoạch cung cấp cho thị trường ít nhất 2.000 căn hộ giá rẻ trong thời gian tới...

Các chuyên gia bất động sản nhận định, đây là một trong những xu hướng tích cực và mang tính tất yếu bởi thị trường đang bộc lộ sự lệch pha lớn về mặt cung - cầu. Trong buổi làm việc với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) diễn ra cách đây không lâu, chính Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Phạm Hồng Hà nhận định, nguồn cung căn hộ cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng đang nhiều hơn nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp. Người đứng đầu ngành xây dựng cũng nhận định, nếu thực hiện hết các dự án bất động sản thì có khả năng cuối năm 2016 và đầu năm 2017 sẽ dư thừa nguồn cung cao cấp, trong khi đó nhà cho người thu nhập thấp thì vẫn thiếu.

Tại báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, VNREA cũng cho rằng, cơ cấu hàng hóa trên thị trường đang có sự mất cân đối và tiềm ẩn các nguy cơ rủi ro.

"Trong khi nhu cầu của đại bộ phận người dân là nhà ở phân khúc trung bình và thấp, chiếm khoảng 70% thì trên thị trường hầu hết các dự án lại cung cấp loại nhà ở cao cấp, thiếu nhà có giá bán thấp phù hợp với khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân có nhu cầu nhà ở. Tại Hà Nội và TP HCM rất ít căn hộ chung cư mới có giá bán dưới 20 triệu đồng mỗi m2", Hiệp hội bất động sản nhận định.

Có cùng đánh giá đó, ông Nguyễn Văn Đực - Phó tổng giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết, theo mục tiêu của cơ quan quản lý là đến năm 2020 xây dựng thêm ít nhất 22,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, hướng tới nhóm cư dân có mức thu nhập thấp, các công nhân khu công nghiệp. Tuy nhiên, thực tế, Việt Nam mới chỉ đạt được khoảng 20% mục tiêu nói trên, nên phân khúc nhà giá rẻ còn thiếu hụt rất lớn. Ngoài ra, theo ông Đực, ở phân khúc này, các dự án đã được triển khai còn tồn tại nhiều bất cập về vấn đề kết nối hạ tầng, tiện ích, an toàn cháy nổ...

Trong khi đó, ông cho rằng thị trường bất động sản thời gian qua lại chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của phân khúc nhà ở cao cấp. Vì thế, theo ông, sự tham gia của nhiều đại gia vào phân khúc nhà giá rẻ sẽ khiến thị trường diễn biến theo hướng sáng sủa và tích cực hơn. Ông cũng nhận định, phân khúc nhà ở giá thấp sẽ rất sôi động và cũng sẽ là xu hướng chính của năm 2017. Bởi theo ông, khi các doanh nghiệp lớn nhảy vào chắc chắn sẽ tạo ra một làn sóng mới dẫn dắt, xu hướng cạnh tranh lành mạnh và luồng sinh khí mới cho thị trường bất động sản nói chung và phân khúc nhà giá rẻ nói riêng.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.