Đàm phán WTO : Việt Nam nhượng bộ gì với Mỹ ?

Đàm phán WTO : Việt Nam nhượng bộ gì với Mỹ ?
Việt Nam sẽ cho phép thành lập chi nhánh bảo hiểm (phi nhân thọ), công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam, cũng như thực hiện những cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu đối với sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp.
Đàm phán WTO : Việt Nam nhượng bộ gì với Mỹ ? ảnh 1

Việt Nam đang đứng trước triển vọng lớn gia nhập WTO trong năm 2006.

Đó là những điểm đáng chú ý trong bản thông báo dài 2 trang, tóm tắt nội dung thỏa thuận đàm phán Việt - Mỹ về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vừa được Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ - USTR phát đi ngày 15/5 vừa qua.

“Trong lĩnh vực dịch vụ, theo thỏa thuận, Việt Nam đã cam kết bền vững về việc mở cửa một số lĩnh vực quan trọng như viễn thông (bao gồm cả dịch vụ vệ tinh), phân phối, tài chính và năng lượng cho doanh nghiệp nước ngoài.

Việt Nam đã cam kết cho phép các công ty bảo hiểm (phi nhân thọ), công ty chứng khoán nước ngoài thành lập chi nhánh tại Việt Nam như đã làm đối với lĩnh vực ngân hàng”, bản thông báo nêu rõ.

Với những thỏa thuận đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp, khoảng 3/4 sản phẩm nông nghiệp của Mỹ xuất khẩu vào Việt Nam sẽ dược hưởng mức thuế 15% hoặc thấp hơn.

Một số mặt hàng được giảm thuế như bông, thịt bò, thịt lợn, nho, táo, đậu tương… Việt Nam cũng đồng ý công nhận cơ chế kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của Mỹ với thịt bò, thịt lợn và thịt gia cầm.

Trong lĩnh vực sản phẩm công nghiệp, khoảng 94% sản phẩm Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ cũng sẽ được hưởng mức thuế từ 15% trở xuống. Đối với một số sản phẩm quan trọng trong các lĩnh vực như thiết bị xây dựng, dược phẩm và máy bay sẽ có mức thuế thấp từ 0-5%.

Việt Nam cũng cam kết áp dụng ngay lập tức mức thuế thấp đối với gần như tất cả sản phẩm thiết bị y tế.

Về quyền thương mại, Việt Nam sẽ xóa bỏ những hạn chế trong hoạt động nhập khẩu của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Một danh sách rất hạn chế về số lượng những mặt hàng sẽ được áp dụng trong giai đoạn chuyển đổi và việc nhập khẩu một số mặt hàng được tiến hành thông qua các công ty nhà nước.

Về trợ cấp công nghiệp, Việt Nam sẽ xóa bỏ những trợ cấp theo thỏa thuận. Trong lĩnh vực dệt may, việc xóa bỏ trợ cấp sẽ có hiệu lực ngay lập tức tại thời điểm gia nhập.

Đối với những lĩnh vực khác, việc dỡ bỏ các trợ cấp không phù hợp cũng sẽ được áp dụng, riêng có hai chương trình sẽ được tiến hành theo lộ trình 5 năm.

Việt Nam sẽ giảm vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong các hoạt động thương mại, bao gồm xóa bỏ vai trò độc quyền của nhà nước trong việc nhập khẩu một số hàng hóa.

 Ngoài ra, các công ty Mỹ sẽ được tham gia cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam và các doanh nghiệp này sẽ tiến hành các hoạt động mua bán hàng hóa và dịch vụ dựa trên các thỏa thuận thương mại.

Bản thông báo cũng nêu rõ phía Mỹ sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp dành cho một nước có nền kinh tế phi thị trường đối với Việt Nam trong các vụ kiện chống bán phá giá trong vòng 12 năm sau khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO.

Về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Việt Nam đang hoàn thiện các văn bản luật về bảo về quyền sở hữu trí tuệ. Phía Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với phía Việt Nam về luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mới để đảm bảo rằng luật này là thống nhất và phù hợp với các quy định của TRIPs.

Trước đó, tờ Thời báo Tài chính (Anh) cũng cho biết theo thoả thuận song phương mà Việt Nam cần ký với Mỹ trước khi gia nhập WTO, mức giới hạn cổ phần của các nhân hàng tư nhân nước ngoài trong bất cứ ngân hàng nào do nhà nước Việt Nam quản lý sẽ nâng từ 10% hiện nay lên 30%; các thị trường bảo hiểm và chứng khoán của Việt Nam cũng được mở cửa đáng kể cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Nguyễn Hoàng

TBKTVN

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.