Để Việt Nam không tụt hậu: Năng suất lao động quyết định thành bại

Năng suất lao động sẽ quyết định thành - bại của Việt Nam những năm tới. Ảnh: Phạm Anh.
Năng suất lao động sẽ quyết định thành - bại của Việt Nam những năm tới. Ảnh: Phạm Anh.
TP - Gần 200 năm trước, Việt Nam từng có quy mô kinh tế dẫn đầu khu vực, nhưng hiện nay chúng ta chỉ xếp trên Lào, Campuchia và Myanmar. Làm sao để Việt Nam trở thành con chim đầu đàn của ASEAN, các chuyên gia chỉ ra: Hãy bắt đầu từ cải cách nâng cao năng suất lao động!

Thụt lùi năng suất lao động

Sáng 23/2, Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ được công bố. Báo cáo do Bộ KH&ĐT phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, với sự tham gia của hàng chục chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.

Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, đầu thế kỷ 19 (năm 1820), Việt Nam đã có vị thế rất đáng nể trong khu vực về quy mô kinh tế (lớn hơn Philippines và Myanmar cộng lại, gấp hơn 1,5 lần của Thái Lan). Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khi đó xấp xỉ mức trung bình thế giới. Nhưng hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của nước ta chỉ bằng 1/5 mức trung bình thế giới, 1/3 của Thái Lan, 1/5 của Malaysia. Dù Việt Nam phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nhưng theo ông Vinh, nước ta đã có 40 năm sống trong hòa bình, 30 năm đổi mới. “Đây là quãng thời gian tương đương để Hàn Quốc, Nhật Bản… từ nước nông nghiệp nghèo nàn thành quốc gia kinh tế phát triển”, ông Vinh nói. Sau đổi mới (1986), Việt Nam đã thành nước thu nhập trung bình, nhưng theo ông Vinh, yêu cầu đổi mới và phát triển hiện cấp bách hơn bao giờ hết. Nếu không, Việt Nam sẽ tụt hậu, kinh tế trì trệ và rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp.

Theo ông Vinh, kỳ vọng 20 năm tới, tăng trưởng GDP khoảng 8%/năm, thu nhập bình quân đầu người từ 15.000 đến 18.000 USD/người vào năm 2035. “Để đạt được mục tiêu này, con đường duy nhất là phải tăng năng suất lao động”, ông Vinh nói. Ông dẫn lời nhà kinh tế Paul Krugman (đoạt giải Nobel kinh tế): “Năng suất không phải là tất cả, nhưng về lâu dài thì gần như là tất cả”. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết các nước không thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình hoàn toàn do năng suất đình trệ.  Dù vậy, tăng năng suất lao động của Việt Nam liên tục sụt giảm từ cuối những năm 1990 tới nay và ở mức rất thấp so với các nước trong khu vực.

Ông Vinh chỉ ra hàng loạt nguyên nhân khiến năng suất lao động Việt Nam thấp. Như, cơ cấu kinh tế, lao động Việt Nam lạc hậu, lao động trong khu vực phi chính thức cao hơn nhiều so với khu vực chính thức. Hơn 44% lao động cả nước làm nông nghiệp (giá trị gia tăng thấp). Nền tảng kinh tế thị trường chậm hoàn thiện gây phương hại đến quyền sở hữu tài sản và làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường hàng hóa. Đồng thời, thị trường vốn, đất đai, tài nguyên… được phân bổ chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính (không theo thị trường).

Kinh tế tư nhân có là cứu cánh?!

Theo Báo cáo Việt Nam 2035, năng suất lao động đang giảm trong các ngành khai khoáng, tiện ích công cộng, xây dựng, và tài chính (những ngành mà doanh nghiệp (DN) nhà nước giữ vai trò chủ đạo, và nhận nhiều ưu đãi). Trong khi hoạt động của các DN tư nhân Việt Nam còn đáng ngại hơn, dù số lượng DN tư nhân tăng, nhưng năng suất lại giảm. Điều này do hầu hết DN tư nhân có quy mô nhỏ và hoạt động trong khu vực phi chính thức nên khó tăng năng suất dựa vào quy mô, công nghệ. DN tư nhân Việt Nam “chậm lớn”, theo các chuyên gia, chủ yếu do bị DN nhà nước, DN có quan hệ thân hữu chèn lấn (dù những DN này chưa hẳn hoạt động hiệu quả).

Dù Việt Nam ủng hộ cơ chế thị trường trong phân bổ nguồn lực, nhưng việc nhà nước thừa nhận sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất vẫn dè dặt và không rõ ràng.

Chương trình cải cách nhằm tăng năng suất là nhu cầu rõ ràng và mạnh mẽ với Việt Nam, trong đó trọng tâm là phát triển khu vực kinh tế tư nhân. “Tăng năng suất lao động nhanh, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh tế sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh, bền vững. Đồng thời, Việt Nam cần xây dựng thể chế hiện đại và minh bạch để giúp đạt được mục tiêu thịnh vượng của mình”, ông Jim Yong Kim, Chủ tịch WB nói. Theo ông Kim, thách thức lớn nhất với cải cách của Việt Nam là làm sao để khu vực DN tư nhân phát triển, bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực (vốn, đất đai…).

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt của cải cách và phát triển. Để đạt được khát vọng hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, lựa chọn duy nhất là thực hiện cải cách. “Tôi tin, những thế hệ người Việt Nam hiện nay và tương lai chắc chắn có đủ ý chí, bản lĩnh và năng lực để thực hiện thành công cuộc đổi mới này”, ông Vinh nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, những vấn đề thời sự như chiến lược phát triển, cạnh tranh, năng suất, đổi mới sáng tạo, môi trường… đều được đưa ra trong Báo cáo Việt Nam 2035. Những vấn đề này đã được các chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu, phân tích và đưa ra khuyến nghị có tính khoa học. Theo Phó Thủ tướng, Báo cáo là tài liệu quan trọng với hoạch định chính sách của Việt Nam, nhiều điểm trong Báo cáo đã được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng vừa qua. 

MỚI - NÓNG