Đem Việt Nam đến phố Wall

Đem Việt Nam đến phố Wall
"Bây giờ mới thực sự là thời điểm Việt Nam. Chúng tôi sẽ làm một số riêng về Việt Nam trong thời gian tới" - Tim Ferguson, Tổng biên tập Forbes Asia nói như vậy tại bữa tiệc cocktail mừng đàm phán Việt - Mỹ thành công.
Đem Việt Nam đến phố Wall ảnh 1

Bradley LaLonde, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Quản lý đầu tư BIDV - Vietnam Partners (BVIM),  là người đến sau cùng trong tiệc cocktail tại nhà riêng của James Lewis, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Morgan Stanley, một trong những người sáng lập Vietnam Partners, ở khu Manhattan (New York).

Bradley vừa trở về từ Hà Nội. Tiệc cocktail được tổ chức không chỉ để chiêu đãi những vị khách từ Việt Nam qua, mà còn để mừng đàm phán Việt - Mỹ về việc Việt Nam gia nhập WTO đã thành công.

“Thời điểm Việt Nam”

Giới tài chính và truyền thông có lẽ là những người quan tâm đến kết quả đàm phán nhất. Tỉ phú Steve Forbes, Chủ tịch kiêm Tổng biên tập tạp chí nổi tiếng Forbes đón chúng tôi ở tận cửa tòa nhà Forbes Building với nụ cười tươi “chào Việt Nam”.

Phía sau ông, Tim Ferguson, Tổng biên tập Forbes Asia, nói ngay: “Thời điểm Việt Nam. Chúc mừng đàm phán WTO kết thúc”. Ông giơ cho chúng tôi xem trang bìa của một số Forbes Asia phát hành cách đây ba năm có hình ảnh giám đốc một công ty dệt may tư nhân ở TPHCM và lời tựa “Vietnam’s moment”.

“Chúng tôi đã có một chuyên đề về Việt Nam hơi sớm. Bây giờ mới thực sự là thời điểm Việt Nam. Chúng tôi sẽ làm một số riêng về Việt Nam trong thời gian tới”, ông giải thích.

Ở thị trường chứng khoán New York (NYSE) trên phố Wall, khi dẫn chúng tôi qua những sàn giao dịch, Marc Iyeki, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tập đoàn Global Corporate Client Group, luôn miệng hỏi liệu thông tin về đàm phán WTO có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu ở sàn giao dịch Tp.HCM. Mối quan tâm của ông là làm sao để đầu tư được vào các công ty của Việt Nam. “Tôi nghe nói nhiều nhà đầu tư Nhật đã mua cổ phiếu các công ty niêm yết Việt Nam”, ông nói.

Còn Sam Van, đồng nghiệp của ông, cũng đặt không ít câu hỏi, như bao giờ các ngân hàng Việt Nam lên sàn? Vietcombank có niêm yết ở nước ngoài không? Có niêm yết ở NYSE không? Ông hy vọng một ngày không xa Vinamilk sẽ có mặt ở NYSE.

Ở nhà James Lewis, Bradley LaLonde chỉ đề cập đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông bảo: “Giá cổ phiếu ở sàn TPHCM đã phản ứng tích cực với thông tin về đàm phán WTO. Thị trường sắp tới sẽ tiếp tục phát triển. Ngay ngày mai chúng tôi sẽ tập hợp, gặp gỡ các doanh nghiệp Mỹ đang làm ăn với Việt Nam và chúng tôi sẽ gõ cửa từng văn phòng các thượng nghị sĩ quốc hội, vận động họ thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam”.

Ông kể, tuần trước tại Hà Nội, ông đã nhận được nhiều cú điện thoại, e-mail của các doanh nghiệp Mỹ tại Mỹ đề nghị tác động đến phía Việt Nam khi nghe tin Bộ trưởng Trương Đình Tuyển có thể rời Washington D.C khi đàm phán chưa kết thúc.

“Việt Nam và Mỹ đang rất gần nhau. Đây là cơ hội! Chúng tôi sẽ góp phần mang Việt Nam đến phố Wall và mang phố Wall đến Việt Nam”, ông khẳng định.

Việt Nam có thể chào bán những gì?

Nhiều nhà đầu tư tài chính Mỹ biết sự tăng trưởng cao của kinh tế Việt Nam, sự phát triển nhanh của thị trường chứng khoán, nhưng cụ thể cao đến đâu, nhanh đến mức nào, thì họ không có thông tin. Và do thiếu thông tin, họ không thể đánh giá, phân tích để đưa ra những quyết định đầu tư kịp thời.

Trong cuốn thông tin về thị trường chứng khoán toàn cầu số mới nhất tháng 4/2006 (xuất bản hàng tháng) của Standard & Poor’s, không có một dòng nào, chữ nào về thị trường chứng khoán Việt Nam. Alka Banerjee, Phó trưởng bộ phận điều hành chỉ số toàn cầu (Global Index Management) của Standard & Poor’s, cho biết: “Thị trường chứng khoán Việt Nam quá nhỏ. Chúng tôi không có nhiều thông tin về chứng khoán Việt Nam”.

Bà thậm chí còn hỏi Việt Nam có chỉ số Index không, trong khi năm ngoái Standard & Poor’s đã xếp hạng tín nhiệm Việt Nam ở mức BB-.

Thông tin và hệ số tín nhiệm của Standard & Poor’s về kinh tế và thị trường chứng khoán các nước được giới tài chính Mỹ tham khảo như nền tảng cơ bản trước khi đầu tư. Nhưng làm thế nào để Việt Nam có mặt trong các cuốn sách, các bản báo cáo của Standard & Poor’s?

“Các nhà đầu tư cần có nguồn thông tin chính xác, đáng tin cậy và toàn diện về Việt Nam. Họ cần có cái nhìn tổng thể liệu Việt Nam có thể chào bán (offer) cho họ những gì (cổ phiếu nào)?”, Alka Banerjee nói.

Standard & Poor’s hàng năm đều gửi nhiều câu hỏi tới quan chức các bộ, ngành Việt Nam trước khi sang tận nơi khảo sát và đưa ra hệ số xếp hạng tín nhiệm nền kinh tế. Tuy nhiên, với thị trường chứng khoán Việt Nam họ chưa làm như thế.

Ngay cả khi đã vào WTO, nếu không có thông tin, các tập đoàn tài chính Mỹ cũng sẽ chỉ dừng ở hai tiếng “Good morning Việt Nam”, mà không thể đầu tư. Có thông tin, có minh bạch, Việt Nam mới thu hút được sự chú ý từ những công ty tài chính sừng sỏ của Mỹ.

Chinh Chu, Giám đốc điều hành cao cấp của The Blackstone Group, một trong những công ty hàng đầu thế giới về đầu tư tài chính, với tổng tài sản 14 tỉ Đôla Mỹ, nói ông chỉ có thể đầu tư vào Việt Nam nếu Việt Nam có những doanh nghiệp trị giá từ 800 triệu Đôla Mỹ trở lên. The Blackstone Group sẽ đầu tư 25% vốn và thu xếp 75% vốn còn lại cho các dự án.

Việt Nam đang có những công ty quy mô như thế, nhưng số lượng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Liệu bao lâu nữa sau khi gia nhập WTO Việt Nam sẽ có hàng loạt doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế và niêm yết trên thị trường chứng khoán? Đó là một trong những vấn đề mà giới tài chính ở New York thường hỏi các đoàn từ Việt Nam sang trong những ngày này!

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...