ĐHCĐ ngân hàng 2017: Bất ngờ, còn hay hết?

Ngày 24/4, LienVietPostBank tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2017.
Ngày 24/4, LienVietPostBank tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2017.
TP - Mùa đại hội cổ đông ngân hàng 2017 diễn ra khá tốt đẹp với thông tin nhiều NH chia cổ tức cao hay sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán. Dẫu vậy, vẫn có những điều cổ đông không hài lòng như GPBank cuối cùng đã không nhập vào VietinBank như dự tính hay Eximbank, không thực sự thêm gương mặt nào mới? Chỉ còn lại một vài nhà băng chưa đại hội, như Vietcombank, Sacombank, vậy bất ngờ còn hay hết?

Mong sớm niêm yết, sáp nhập

Ngày 21/4 đồng loạt diễn ra ĐHCD hàng loạt các ngân hàng khác như KienLongBank, HDBank, TPBank. GPBank. Tại ĐHCĐ Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank - mã: EIB) diễn ra ngày 21/4, mọi thứ đều trong trật tự.

Ông Yutaka Moriwaki là Phó Tổng giám đốc kiêm trưởng ban quản lý dự án tái cấu trúc và chiến lược Eximbank đã được đề cử vào chức danh thành viên HĐQT thay thế ông Naoki Nishizawa. Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán tại thời điểm 31/12/2016, Eximbank đang ghi nhận khoản lỗ lũy kế là 461,4 tỷ đồng và không thực hiện chia cổ tức.

ĐHCĐ NHTMCP Petrolimex, điều cổ đông không hài lòng là chưa đạt kế hoạch đề ra là việc sáp nhập với VietinBank (kéo dài 3 năm). “Đề nghị HĐQT cần có thái độ dứt khoát ở việc làm việc với NHNN, với VietinBank xem nếu không sáp nhập được thì thôi. Chúng tôi không muốn kết thúc năm 2017 rồi lại ĐHCĐ với tâm lý chờ đợi”, một cổ đông nói.

Năm 2016, lợi nhuận trước thuế hợp nhất HDBank đạt 1.248 tỷ đồng, trong đó ngân hàng mẹ HDBank đạt 830 tỷ đồng. Về việc cổ phiếu HDBank chưa niêm yết, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch HĐQT thường trực cho biết cổ phiếu chưa niêm yết không hẳn là không tốt, bởi niêm yết tại thời điểm giá cổ phiếu không phản ánh tốt nhất giá trị ngân hàng. Năm 2017 là giai đoạn phát triển mới, gặt hái, tăng tốc của HDBank.

Tại Đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Chủ tịch HĐQT ông Đỗ Minh Phú cho biết, việc lên sàn còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, khi thị trường chứng khoán minh bạch thì niêm yết mới phản ánh được sức khỏe chính xác của doanh nghiệp. TPBank cũng có kế hoạch theo lộ trình của Nhà nước song sẽ báo cáo trước cổ đông khi thực hiện và thời gian đó là không xa.

Sacombank- Chủ tịch vẫn là “ẩn số”

Cách đây vài ngày, HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank - mã: STB) công bố thông tin tạm hoãn thời gian (dự kiến ngày 28/4) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm tài chính 2015;2016. Thời gian lùi theo STB sẽ chừng khoảng 1 tháng. Trong số các nội dung sẽ thảo luận, đáng chú ý là thông tin Sacombank dự kiến số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2021 là 7 người. Trong đó, 1 thành viên HĐQT độc lập, tối thiểu 1/2 tổng số thành viên HĐQT phải là người không điều hành ngân hàng và thành viên HĐQT độc lập. Số lượng thành viên BKS dự kiến là 4 người. Hiện HĐQT Sacombank cũng đang có 7 thành viên, trong đó ông Kiều Hữu Dũng là Chủ tịch HĐQT.

Lúc này, tâm điểm “ngắm” vào Sacombank là có hay không gương mặt mới? Theo giới thạo tin, đã gần như chắc chắn sẽ không có nhóm cổ đông nào mới từ bên ngoài “lọt” mắt xanh NHNN vào Sacombank. Một nguồn tin cho biết, với 54% vốn được chuyển giao từ cha con ông Trầm Bê sang, có thể NHNN sẽ chọn từ 2-3 ứng viên làm đại diện phần vốn này (hiện đang tạm giao cho VAMC quản lý).

Ai sẽ là chủ tịch Saconbank, câu hỏi vẫn chờ lời giải? Sáng 23/4, trên TTCK, sóng tin đồn bắt đầu nổi lên. Một nhà đầu tư kể: sáng ra tất cả đều hớt hải khi nghe thấy khả năng ông Thành không vào STB nữa và giá cổ phiếu này lập tức nằm sàn. Tuy nhiên, chỉ ít phút giao dịch sau đã có lệnh đặt mua khối lượng lớn STB với giá hơn 11.000 đồng/cổ phiếu.

“Tôi cũng lập tức xuống tiền đặt mua  30.000 cổ với tổng trị giá hơn 300 triệu. Ngoài tin tốt có một công ty bảo hiểm Nhật sẽ rót khoản tiền lớn vào đầu tư tại đây, nghe nói có thể STB còn tin tốt hơn, tôi cứ mua và hi vọng nó  còn lên nữa”, vị này cho hay.

Với kinh nghiệm từng làm Vụ trưởng tại NHNN và kinh qua nhiều vị trí như Chủ tịch Công ty chứng khoán ACB,  Chủ tịch HĐQT Sacombank, có dự đoán, biết đâu, ông Kiều Hữu Dũng sẽ “tái cử” vị trí ghế nóng này? (vừa qua, ông Dũng đã mua vào 300 ngàn cổ phiếu STB với giá trị khoảng hơn 3 tỷ đồng trong khi trước đó ông Dũng chưa từng sở hữu cổ phiếu STB nào). Tuy nhiên, một chuyên gia tài chính khác lại cho rằng muốn hay không thời điểm này, Sacombank rất cần những gương mặt mới và phải được các cổ đông tín nhiệm. Còn vị trí chủ tịch, dù thế nào cũng phải được tất cả các thành viên HĐQT sau này đồng thuận. 

Ông Nguyễn Đức Hưởng thôi giữ chức Phó chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank

Chiều 24/4, Ngân hàng TMCP Liên Việt bất ngờ phát đi thông cáo báo chí về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2017 vào ngày 24/4. Theo thông cáo, LienVietPostBank cho biết sẽ miễn nhiệm ông Nguyễn Đức Hưởng thôi giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank.

Theo LienVietPostBank, dù không giữ cương vị Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, ông Nguyễn Đức Hưởng vẫn tham gia hoạt động của LienVietPostBank với vai trò cố vấn cao cấp. Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Hưởng sẽ tập trung các công việc quan trọng của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam trong thời gian tới với vai trò Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội và theo phân công, biệt phái nhận nhiệm vụ mới của Ngân hàng Nhà nước (nếu có).   

K.H

MỚI - NÓNG