Đi chợ hàng rong

Chợ phiên cuối tuần bến Bạch Đằng đã đi vào hoạt động.
Chợ phiên cuối tuần bến Bạch Đằng đã đi vào hoạt động.
TP - Ngày 22/4, chợ phiên cuối tuần tại công viên bến Bạch Đằng (quận 1, TPHCM) đi vào hoạt động. Đây là một trong các đề án mà UBND quận 1 triển khai nhằm giải quyết tình trạng hàng rong, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường.

Trong hai ngày 22-23/4, chợ phiên cuối tuần tại công viên bến Bạch Đằng khá nhộn nhịp người mua, người bán. Chợ phiên có gần 200 gian hàng.

2 triệu đồng/gian hàng

Anh Ngô Minh Tuấn Tú (Công ty TNHH TM DV Phan Thành, được giao thành lập chợ) cho biết, chợ tiếp nhận đăng ký gian hàng từ bất kỳ ai có nhu cầu đến đây buôn bán, giới thiệu sản phẩm,… Đối với gian hàng ẩm thực, phí là 2 triệu đồng/ngày, các khu khác là 1,8 triệu đồng/ngày. Chợ được mở cửa từ 9h-22h trong hai ngày cuối tuần.

Theo ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND quận 1, khu vực công viên Bạch Đằng được tổ chức thành một trong những khu làm ăn, kinh doanh của người dân sau khi tái lập trật tự lòng lề đường.

Khu vực này được chia làm 4 khu lớn gồm: Khu biểu diễn của nghệ sĩ đường phố, vẽ tranh, viết thư pháp; khu giới thiệu các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao; khu ẩm thực và khu vui chơi giải trí với các trò chơi thiếu nhi, dân gian.

Đường Nguyễn Văn Chiêm là khu phố ẩm thực với khoảng 24 gian hàng bán theo giờ (chưa hoạt động). Ngoài ra, quận 1 cũng đang xem xét thêm ở một số tuyến đường khác để bố trí khu phố ẩm thực.

Ông Thuận cho biết, chính quyền quận 1 cam kết tạo điều kiện để người dân được buôn bán hàng rong. Tuy nhiên, việc này phải được quản lý nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự.

Ở nhiều phường của quận 1 (TPHCM) cũng đã kẻ vạch những vỉa hè rộng, thoáng để bố trí cho người bán hàng rong buôn bán theo giờ. Ông Võ Nguyên Khanh, Chủ tịch phường Bến Thành cho biết, phường đã triển khai kẻ vạch sơn ở nhiều tuyến đường có vỉa hè rộng rãi, thông thoáng để bà con hàng rong bán hàng. 

Kẻ mừng, người lo

Ông Nguyễn Hữu Hải, một người dân cho biết, hay tin có phiên chợ cuối tuần ở công viên bến Bạch Đằng nên đã đăng ký một gian hàng cho con gái bán trà sữa.

Chị Huyền (bán bánh tráng nướng) cho biết, chị đăng ký vào chợ phiên để có nơi buôn bán ổn định mỗi cuối tuần. Dù chi phí thuê gian hàng cũng hơi “chat” với những người buôn bán nhỏ nhưng đổi lại, chị được yên tâm buôn bán.

Cách chợ phiên không xa là bà Nguyễn Thị Tư, đã bán nước giải khát ở công viên bến Bạch Đằng gần 20 năm. Có chợ phiên cuối tuần đông vui nhưng bà thì lại ế ẩm vì khách bị hút vào chợ hết. “Cũng muốn tham gia vào chợ nhưng bán ngày nào ăn ngày đó, không đủ tiền để vào thuê gian hàng”, bà Tư cũng thở dài.

Chị Lê Mỹ Hạnh (41 tuổi, quê Quảng Ngãi) bán bánh nướng cũng đã hơn 15 năm nay. Cũng nhờ gánh hàng rong này mà chị nuôi được hai đứa con ăn học. Hai vợ chồng chị rời quê vào TPHCM thuê một căn gác trọ ở quận Bình Thạnh, hàng ngày chị gánh hàng đi bán ở phố đi bộ Nguyễn Huệ từ sáng đến tối mới về.

Nhắc đến đề án “phố hàng rong” ở đường Nguyễn Văn Chiêm và khu chợ phiên cuối tuần ở công viên bến Bạch Đằng, chị Hạnh cho biết, thời gian qua vợ chồng mất ăn mất ngủ vì lo không được bán ở vị trí cũ nữa. “Tôi bán ở đây hơn chục năm nay, chủ yếu là khách quen và khách du lịch tại phố đi bộ. Nếu chuyển đến các nơi khác không biết có chỗ ngồi không, khách ruột của mình sẽ mất hết”. Hai hôm nay chị cũng chưa tìm hiểu để vào bán ở chợ phiên cuối tuần nhưng khi nghe nói muốn vào tốn 2 triệu đồng/ngày, chị Hạnh lắc đầu vì không đủ vốn. “Bán ngày nào ăn ngày đó thì lấy đâu vốn mà đóng phí thuê gian hàng”, chị Hạnh bảo.

Bà Lê Thị Bích (49 tuổi, quê Bình Định) bán hàng rong tại góc Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng cho rằng chủ trương dọn dẹp vỉa hè của thành phố là đúng. Tuy nhiên, bà nói nếu tập trung tất cả tại một khu vực thì không bán được hàng vì nhiều người cùng bán chung một mặt hàng. “Tôi mong thành phố có chính sách cho người bán hàng rong trên vỉa hè các tuyến đường”- bà nói và đề xuất: “Chỉ cần một vạch nhỏ như của người để xe máy là chúng tôi có chỗ bán rồi”. Theo bà người ăn hàng rong chủ yếu là tranh thủ lúc rảnh rỗi, tiện thì người ta ghé mua chứ mấy ai chạy mấy cây số để mua hàng rồi chạy ngược về nơi làm việc.

Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho rằng, TPHCM có đề án hỗ trợ bán  hàng rong là rất tốt. Tuy nhiên, cần tạo điều kiện để việc mưu sinh của người dân không bị gián đoạn và không nên đột ngột cắt “cần câu cơm” của họ. Muốn vậy phải chuẩn bị các điều kiện thay thế trước khi ngăn cấm một việc nào đó, như hàng rong.

MỚI - NÓNG