Doanh nghiệp cá tra sợ quy định mới?

 Nhiều DN cho biết, tỷ lệ mạ băng mới sẽ đẩy giá cá lên khoảng 1 USD/kg. Ảnh: Phương Chăm
Nhiều DN cho biết, tỷ lệ mạ băng mới sẽ đẩy giá cá lên khoảng 1 USD/kg. Ảnh: Phương Chăm
TP - Theo các doanh nghiệp (DN), việc áp dụng những quy định về hàm lượng ẩm (nước), tỷ lệ mạ băng (đá lạnh) trên cá tra xuất khẩu theo Nghị định 36 từ đầu năm 2015, sẽ khiến họ “trở tay không kịp”. Còn Bộ NN&PTNT cho rằng xây dựng quy định mới để đảm bảo uy tín chất lượng sản phẩm.

Cần lộ trình

Từ ngày 1/1/2015, các DN xuất khẩu cá tra phải thực hiện theo Nghị định 36 quy định về nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra, cá tra phi-lê đông lạnh lưu kho có tỷ lệ mạ băng không vượt quá 10% và hàm lượng ẩm (nước) không vượt quá 83% so với khối lượng tịnh của sản phẩm. Đây là một trong những “nút thắt” quan trọng mà nhiều DN cũng như cơ quan quản lý nhà nước chưa tìm được tiếng nói chung trong thời gian qua.

Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng GĐ Tập đoàn Sao Mai An Giang-một trong những DN xuất khẩu cá tra lớn của cả nước cho rằng, Nghị định 36 ra đời đúng lúc để xốc ngành cá tra; giúp ngành giữ “phong độ” và phát triển bền vững. Tuy nhiên, những tiêu chí mới như tỷ lệ mạ băng, hàm lượng nước cần áp dụng có lộ trình, còn “ốp” từ đầu năm 2015 thì sẽ rất gay, DN trở tay không kịp.

“Nói độ ẩm 85%, có nghĩa là khi mua một cân cá về, có khoảng 85% là nước, 15% cá. Còn nếu mạ băng ở ngoài thêm 20% nữa, thì có bao nhiêu phần cá?

Liệu chúng ta có nên bán những sản phẩm gọi là cá tra, mà phần nhiều là nước như vậy không. Chính cách làm như vậy, phần nào làm mất uy tín, của sản phẩm rất độc đáo này của Việt Nam”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát

Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Cty TNHH Hùng Cá - DN xuất khẩu cá tra có kim ngạch trăm triệu đô la Mỹ năm 2014 cũng cho rằng, cần “bình tĩnh” khi áp dụng các tiêu chí mới. Phần mạ băng không nên áp dụng một tỷ lệ “cứng”, vì tùy thuộc theo chủng loại hàng hóa, thị trường. Nếu hàng xuất đi những thị trường nóng, cần mạ băng cao hơn, nhưng chất lượng không ảnh hưởng.

Ông Hùng nói: “Các nhà nhập khẩu nước ngoài họ mua tới đâu, mình làm tới đó. Chẳng hạn, họ mua cá không tăng trọng, không phụ gia, mà mình đưa vào thì họ đâu có chịu. Còn thị trường người ta cần phụ gia loại mấy, mình theo, đương nhiên phải đảm bảo chất lượng”-ông Hùng nói.

Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, theo tính toán của các DN, nếu áp dụng theo quy định mới của Nghị định 36, mỗi cân cá phi-lê sẽ tăng thêm 1 USD (khoảng 30% tùy từng loại). Trong khi đó, hiện chưa có DN nào có hợp đồng theo quy định mới. “Các DN cá tra cũng tìm gặp Hiệp hội, Bí thư, Chủ tịch các tỉnh để phản ánh tình hình. Nếu thực hiện từ 1/1/2015, với tỷ lệ mạ băng và hàm lượng như thế thì sốc, thị trường khó chấp nhận vì mức giá tăng lên rất cao. Nếu khó quá có thể họ ngưng hoạt động”- ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, sẽ có một số kịch bản xảy ra khi áp dụng các tiêu chí trên trên từ năm 2015. Lo ngại nhất là nếu thị trường không chấp nhận với mức giá cá tăng cao, các nhà nhập khẩu họ không mặn mà, lúc đó phản ứng tâm lý rất xấu. DN có thể đóng cửa lâu dài; thị trường đảo lộn khi đã ổn định trong một năm qua.

Cá hay nước đá?

Theo ông Dũng, với cá tra phi-lê xuất khẩu, phải có quy định mức tối thiểu, “để cá ra cá, chứ không thể như cái kem chuối”. Tuy nhiên, nếu áp dụng tỷ lệ hàm lượng nước không quá 83%, so với tình hình thực tế của các DN, là hơi khó đạt. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Tây Nam bộ mới đây, ông có báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh là nên đưa ra lộ trình. Ông Dũng lo ngại, với những lô hàng cũ của năm 2014 chưa xuất được, tới đây chưa biết sẽ xử lý ra sao. Nếu cơ quan quản lý cho thời gian bắt buộc (chẳng hạn 3 tháng), hoặc công bố lượng hàng tồn, có thể DN sẽ bị nhà nhập khẩu ép giá.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, về quy định hàm lượng nước không quá 83%, là dựa trên những kết quả đánh giá trước đây. “Nếu con cá tra nguyên bản, sản xuất bình thường độ ẩm là 83%. DN nghĩ 83% là không làm được, mà phải cao hơn, với lý do môi trường, thức ăn… Cái này có lý nên Bộ NN&PTNT có một đề tài nghiên cứu, cho đánh giá lại độ ẩm con cá tra 83% hay 85%”, ông Tuấn nói.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, có một thời gian, nhiều DN áp dụng biện pháp tăng độ ẩm, hàm lượng nước trong cá, rồi mạ băng thêm 20-30%, thậm chí cao hơn nữa. Ông Phát cho rằng, nghị định này ra đời mong muốn sản phẩm này có chất lượng, nâng cao uy tín, chất lượng lâu dài cho ngành cá tra. Vì thế, Bộ đề nghị cộng đồng DN ủng hộ để thực hiện mục tiêu của Chính phủ. Còn những khó khăn, vướng mắc, trong quá trình, Bộ sẽ bàn với cộng đồng DN để có giải pháp hợp lý nhất.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, hiện Bộ đã có hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 36, đang tập hợp ý kiến của DN. Tới đây, Bộ trưởng Phát sẽ báo cáo và xin ý kiến của Chính phủ về vấn đề này. Trong khi chờ có ý kiến từ Chính phủ, Nghị định 36 vẫn áp dụng bình thường.

MỚI - NÓNG