Bình chọn những quy định tốt và “tồi” nhất:

Doanh nghiệp có thể kiện cơ quan xây dựng văn bản sai

Quy định về tỷ lệ mạ băng - hàm lượng ẩm của cá tra xuất khẩu không vượt quá 10% trong Nghị định 36, do Bộ NN&PTNT chủ trì xây dựng, bị xếp vào một trong số những quy định tồi nhất. Ảnh: Bình Phương
Quy định về tỷ lệ mạ băng - hàm lượng ẩm của cá tra xuất khẩu không vượt quá 10% trong Nghị định 36, do Bộ NN&PTNT chủ trì xây dựng, bị xếp vào một trong số những quy định tồi nhất. Ảnh: Bình Phương
TP - Bên cạnh những quy định tốt, 30 quy định “kém”, “tồi” được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và cộng đồng doanh nghiệp (DN) “vinh danh” vì góp phần gây cản trở, làm ảnh hưởng môi trường kinh doanh. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp có thể kiện, yêu cầu bồi thường đối với những cơ quan soạn văn bản sai, làm phương hại cho xã hội.

Nghi án bộ, ngành huy động người tự bầu cho mình?

Tại hội thảo công bố báo cáo bình chọn các quy định pháp luật ngày 28/2, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, ban tổ chức đã “chốt” 30 quy định tốt và 30 kém nhất do cộng đồng DN đề cử.

Theo ông Tuấn, qua các kênh website, facebook, điện thoại, email và bưu điện, ban tổ chức nhận được 9.300 đề cử. Từ các đề cử này, Hội đồng chuyên gia đã phân loại, sàng lọc và lựa chọn ra 114 quy định tốt và 123 quy định “kém” được ban hành trong khoảng thời gian từ 2011 đến 2015. Các đề cử kém chủ yếu nhiều hơn nằm ở cấp nghị định, thông tư.

Đáng lưu ý, trong 30 quy định “tồi” được đề cử, có những quy định bị dư luận phản ứng rất mạnh vì sự vô lý, không khả thi. Đơn cử như quy định: Nước thải của chuồng heo sau xử lý phải đảm bảo nước có thể uống được (Thông tư 47/2011 của Bộ TN&MT). Hay như quy định “buộc” trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy trên ô tô (Thông tư 57/2017 của Bộ Công an); nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ trở xuống phải có giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu (Thông tư 20 của Bộ Công Thương); quy định tỷ lệ mạ băng- hàm lượng ẩm của cá tra xuất khẩu (Nghị định 36 về cá tra)… cũng lọt nhóm quy định “kém”.

Những quy định (như Thông tư 10/2014 của Bộ VH,TT&DL) về việc cấm đặt tên doanh nghiệp trùng với tên danh nhân, được suy đoán là nhằm tránh những trường hợp DN có tên danh nhân thực hiện các hành vi như lừa đảo, trốn thuế: “Cty Nguyễn Trãi phá sản”, “DN Nguyễn Du trốn thuế” hay “Cty Lê Lợi lừa đảo”…được đánh giá là quy định “cường điệu hóa”, lo quá đà của người xây dựng quy định.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, cũng có nhiều văn bản quy định can thiệp vào quyền tổ chức nội bộ của doanh nghiệp, như yêu cầu người đứng đầu cơ sở in phải có bằng cao đẳng ngành in (Nghị định 60/2014); hay quy định vượt thẩm quyền về điều kiện cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (Thông tư 21/2015 của Bộ NN&PTNT)….

 “Tôi cũng thấy hiện tượng, một vài bộ, có tới hàng trăm đề cử chất lượng văn bản tốt của mình. Hình như là huy động để bình chọn”- ông Tuấn nói.

Bỏ tư duy quản bằng mọi giá

“Một quy trình mà che đậy hết thực tế, chỉ có hợp với khẩu vị của cơ quan soạn thảo thì rất khó thực thi. Ở mình từ “quy trình” lâu nay giống như một cái gậy, phương cách để che đậy những lỗi lầm”. 

Chuyên gia Phạm Chi Lan

Là người tham gia góp ý nhiều văn bản liên quan đến DN, ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Tuyên Quang cho biết: “Chúng tôi thấy có cảm giác, công chức gác chân gầm bàn xây dựng văn bản luật, và xuất hiện cả lợi ích nhóm trong đó. Từ đó dẫn đến các quy định chồng chéo, chi phí không chính thức của DN bị đội lên”.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, các cơ quan Chính phủ trong quá trình soạn thảo văn bản có xu hướng là tạo thuận lợi, an toàn cho mình, đẩy khó khăn về phía người dân và DN. Điều này, cần khắc phục bằng cách công khai, minh bạch, tăng tương tác, đối thoại với cộng đồng DN để thấy hơi thở môi trường kinh doanh.

Các văn bản, quy định chất lượng tốt không khác gì “con gà đẻ trứng vàng”. Do vậy, cần phải tránh tình trạng “công chức đút chân gầm bàn làm văn bản”.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM), ông Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng: “Ngày xưa, Nhà nước là chủ thể quản lý, người dân, DN là đối tượng quản lý. Anh ở dưới thì anh phải nghe chỉ đạo của tôi. Bây giờ DN, người dân được nâng lên, thậm chí ngang hàng, thành đối tượng phục vụ. Và để phục vụ thì phải nghe người dân, DN người ta đánh giá chất lượng dịch vụ của họ thế nào”.

Theo ông Cung, đã là dịch vụ thì phải “lôi” nó về gần cuộc sống, nghĩa là người dân hay là ai không hài lòng thì phải đến xem vì sao để cải thiện dịch vụ tốt hơn. “Theo chỉ đạo của Thủ tướng là Chính phủ hành động, kiến tạo và phục vụ. Nếu tôi là Bộ trưởng, tôi sẽ cám ơn anh Lộc với quy định tồi nhất này phải chỉ đạo sửa ngay”- ông Cung nói.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cũng cho rằng, một quy định hiệu quả phải tạo ra lợi ích cho xã hội lớn hơn chi phí của việc thực thi và tuân thủ quy định đó. Theo ông Hiếu, hiện có hàng chục nghìn DN đặt văn phòng tại khu chung cư phải di dời. Nếu DN phải đi thuê một nơi khác, có nghĩa là gây khó khăn cho DN, tốn kém, và hạn chế DN vừa và nhỏ gia nhập thị trường. 

“Chúng ta đang tư duy quản lý bằng mọi giá. Khi đưa ra quy định, thì họ quên mất là chi phí để thực hiện là bao nhiêu, ảnh hưởng thế nào. Tư duy này phải thay đổi bằng “quản lý bằng cách rẻ nhất và ít rủi ro nhất” cho xã hội”- ông Hiếu nói.

Có thể kiện cơ quan làm văn bản

Luật sư Trần Hữu Huỳnh đặt vấn đề, hiện chúng ta chưa có quy định về xử phạt, bồi thường với các cơ quan soạn thảo văn bản sai, vậy có cơ chế bồi thường khi gây thiệt hại?

Ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, hệ thống văn bản thời gian qua rất đồ sộ, chất lượng dù đã phấn đấu nhiều nhưng cũng chỉ như “trèo cột mỡ”, trong khi xã hội thay đổi rất nhanh. Ngoài ra, cũng cần xem xét về vấn đề đơn giá bồi thường… mới thực hiện được. “Nếu bồi thường phải có phán quyết của toà án là văn bản sai, tính được đối tượng bị ảnh hưởng để tính toán cơ chế bồi thường”- ông Sơn nói.

Chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, quy trình xây dựng văn bản cần thích ứng với sự thay đổi, với những bức xúc của xã hội. “Một quy trình mà che đậy hết thực tế, chỉ có hợp với khẩu vị của cơ quan soạn thảo thì rất khó thực thi. Ở mình từ “quy trình” lâu nay giống như một cái gậy, phương cách để che đậy những lỗi lầm”- bà Lan nói.

Về vấn đề xử phạt cơ quan soạn thảo văn bản sai, gây phương hại cho xã hội, bà Lan cho biết đã đề cập từ lâu. “Tôi từng nêu ý kiến trong cuộc họp Tổ nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải là phải thanh tra, xử phạt, kỷ luật người đưa ra văn bản sai, chứ không chỉ xử lý người làm sai so với văn bản…Lúc đó, nhiều ý kiến phản đối rầm rầm”, bà Lan cho hay.

Theo chuyên gia này, cũng vì kiểu “làm văn tập thể”, không ai chịu trách nhiệm nên không xử lý được ai cả. Vì thế, mới có hiện tượng tham nhũng chính sách, nhóm lobby, lợi ích nhóm thể hiện ngay trên các điều luật. “Chúng ta nói đến tính minh bạch, nhưng không làm rõ tính giải trình, ai là người đưa ra ý kiến, xây dựng”- bà Lan nói.

TS Nguyễn Đình Cung cũng đồng tình khi cho rằng: “Cần có cơ chế xử lý trực tiếp những văn bản gây phương hại cho xã hội. Các nước họ đã làm từ lâu rồi, mình không cần nghiên cứu nhiều nữa. Đây cũng là cách hạn chế những văn bản kém chất lượng”- ông Cung nói.

MỚI - NÓNG