Doanh nghiệp lại gặp khó khăn mới

Doanh nghiệp lại gặp khó khăn mới
TP - Giới doanh nhân đang nôn nóng chờ đợi thời điểm bắt đầu thực hiện Luật đầu tư chung (1/7/2006). Nhiều kỳ vọng có những thay đổi, song thực tế cho thấy không ít điều thay đổi sẽ khiến DN đối mặt với những khó khăn mới.
Doanh nghiệp lại gặp khó khăn mới ảnh 1
Sản phẩm của Công ty cổ phần hữu hạn Vedan (vốn Đài Loan) xuất khẩu sang thị trường ASEAN  ảnh: Hà Thái

12 tháng không triển khai dự án-rút giấy phép!

Đây sẽ là quy định bất di bất dịch với tất cả các dự án đã được cấp giấy phép đầu tư nhằm loại bỏ tình trạng DN chỉ xin đất xây hàng rào bao quanh mà không triển khai-ông Phạm Mạnh Dũng -Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.

Tuy vậy, theo ý kiến của nhiều DN có yếu tố nước ngoài phản ánh tại Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đầu tư mới đây cho thấy, nếu quy định như vậy là cứng nhắc, bởi từ khi nhận được giấy phép kinh doanh, xin được đất đến thời điểm triển khai dự án, nhiều DN khó mà thực hiện được theo quy định, bởi họ gặp rất nhiều rủi ro.

Cũng theo ông Dũng, trường hợp DN được gia hạn phải có sự chấp thuận của cơ quan chức năng, nhưng những trường hợp xin đất để hoang, hoặc sử dụng ngoài mục đích ghi trong giấy phép đầu tư đều không có ngoại lệ.

Nguy cơ xuất hiện DN “ma”

Dự thảo Nghị định thi hành Luật đầu tư lần này không quy định việc DN đăng ký vốn pháp định.

Theo rất nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài, nếu để độ “mở” lớn thế thì DN nước ngoài thành lập với số vốn 1 USD rồi liên doanh với DN của VN để làm ăn bất chính thì hậu kiểm sẽ khó khăn hơn gấp nhiều lần so với trước kia. Nguy cơ xuất hiện DN “ma”, DN kinh doanh bằng tiền của dân có thể sẽ phổ biến.

Ngoài ra, theo các DN có vốn đầu tư nước ngoài, vấn đề quốc tịch các DN cần được làm rõ trong những nghị định của 2 Luật Đầu tư và Doanh nghiệp.

Trao đổi với Tiền phong, một Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, Bộ đang xem xét để ban hành quy định, phân loại cụ thể loại hình DN có vốn đầu tư nước ngoài để xác định DN có tỷ lệ vốn của nước ngoài bao nhiêu thì được gọi là DN VN, có được tham gia vào đầu tư những lĩnh vực nhạy cảm không và khi bị tranh chấp quốc tế thì giải quyết ra sao…  

Chủ trương đổi giấy phép đầu tư đang gây phiền lòng không ít nhà đầu tư nước ngoài. Đổi giấy phép đầu tư là thực hiện theo Luật DN nghiệp mới, song DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng bị điều chỉnh.

Ông Nguyễn Mạnh Cương-Phó Tổng GĐ Cty xi măng Chinfon Hải Phòng - cho biết: Hiện các DN có vốn đầu tư nước ngoài đang dùng giấy phép cũ đi giao dịch rất thuận lợi với cơ quan thuế, đối tác.

Các mức ưu đãi của Nhà nước đã ghi rõ trên giấy phép đầu tư, cơ quan quản lý yêu cầu thay đổi mà DN lại phải làm thêm những thủ tục rườm rà khác thì hoá ra chính sách mới lại gây rắc rối thêm cho DN và cơ quan thuế. Theo Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), khi triển khai 2 luật quan trọng, có liên quan đến gần như tất cả các DN thì không nên đổi giấy phép kinh doanh.

Trường hợp bắt buộc phải đổi giấy phép kinh doanh nếu xảy ra rắc rối cho DN, đặc biệt là về ưu đãi thì các cơ quan quản lý phải có giải pháp giải quyết giúp DN.

MỚI - NÓNG