Doanh nhân tặng 25 tỷ đồng mua sữa học đường cho trẻ nghèo là ai?

TPO - Tại lễ phát động chương trình "Sữa học đường quốc gia Vì tầm vóc Việt" tối 28/9 vừa qua, một gia đình doanh nhân đã hảo tâm tặng 25 tỷ đồng mua sữa cho trẻ. Gia đình vị doanh nhân này là ai?

Thông tin vợ chồng ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung “ở sân Golf Long Thành” tài trợ đến 25 tỷ đồng cho chương trình "Sữa học đường Vì tầm vóc Việt" được công bố ở những phút cuối chương trình khiến không ít người bất ngờ.

Đây là hai vợ chồng doanh nhân tiếng tăm với sự nghiệp kinh doanh đầy sóng gió, từng đứng trước khả năng bị án chung thân. Theo tờ Forber Việt Nam, ông Kiểm là ngưới đứng đầu một trong những gia đình doanh nhân lâu năm nhất tại Việt Nam hiện nay.

Doanh nhân tặng 25 tỷ đồng mua sữa học đường cho trẻ nghèo là ai? ảnh 1

Ông Lê Văn Kiểm

Sự nghiệp kinh doanh của ông Kiểm, bà Nhung bắt đầu cuối thập niên 1970. Lúc đó, kinh tế cả nước chật vật khó khăn, vợ chồng ông quyết định làm thức ăn gia súc rồi ép hạt cao su làm sơn, bột màu xây dựng với thương hiệu Huy Hoàng (tên của con trai) để cung ứng cho thị trường và lập tức thành công.

Thời kỳ mở cửa, Việt Nam nhận được rất nhiều đơn hàng may mặc theo kiểu “hàng đổi hàng” với thị trường Đông Âu. Ông Kiểm đầu tư đồng bộ hiện đại dây chuyền sản xuất với máy móc thiết bị nhập từ Nhật và gây dựng thương hiệu công ty may Huy Hoàng danh tiếng.

Sau đó, Cty Huy Hoàng còn tham gia xây dựng công trình giao thông với nút giao thông Hàng Xanh tại TP HCM (hoàn thành năm 1995). Đây là đầu tiên do một công ty tư nhân thi công theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT).

Cờ đến tay, ông Kiểm cùng một số cổ đông thành lập ngân hàng châu Á – Thái Bình Dương, ông Kiểm nắm 90% cổ phần. Ông bắt đầu đầu tư vào bất động sản từ đầu những năm 1990, đặc biệt mua nhiều vị trí đắc địa ở trung tâm quận 2. Việc thế chấp đất đai, đầu tư từ tiền vay ngân hàng của ông đưa đến rủi ro, khi khủng hoảng tài chính xảy ra dẫn đến thị trường địa ốc đóng băng. Rơi vào tình trạng khó khăn, ông Kiểm đối mặt với khả năng: khởi tố, tù chung thân hoặc thậm chí là tử hình.

Năm 1999, vợ chồng ông viết tâm thư gửi lên Chính phủ và Bộ Chính trị, chứng minh tài sản của gia đình có thể đàm bảo trả được nợ và xin giãn nợ, khoanh nợ lại trong vòng 3 -5 năm. Bộ Chính trị ra văn bản cho phép giãn nợ, khoanh nợ và không “hình sự hóa” vụ việc của công ty Huy Hoàng. Ba năm sau, thị trường địa ốc ấm lên. Ông Kiểm chuộc được gần hết đất, bán đất có tiền để trả toàn bộ số nợ, cộng cả lãi suất ngân hàng.

Trong một đoạn video tư liệu về ông Lê Văn Kiểm, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nói: “Lúc đó có khi phải bỏ tù và lơ mơ là xử tử…Tinh thần họ rất cố gắng nhưng cũng khó vượt qua. Thủ tướng và tôi bàn, thống nhất giãn nợ cho người ta. Xử lý như thế là đúng”.

Vừa trả được hết nợ, ông Kiểm lại đầu tư thành công dự án sân golf Long Thành. Dự án sân golf Long Thành đang trong giai đoạn đầu của chiến lược mở rộng thành khu đô thị 1.200ha. Tổng công ty Long Thành, với các dự án bất động sản có tổng diện tích trên 2.000ha, hiện có khoảng 2.000 lao động. Gia đình ông Kiểm, bà Nhung hiện phát triển kinh doanh lớn sang Lào.

Năm 2008, ông kiểm được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Cả ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung vợ ông đều là con gia đình cách mạng miền Nam được gửi ra miền Bắc học trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Bố ông Kiểm hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, mẹ là bộ đội miền Nam tập kết. Bố bà Nhung tham gia cách mạng bị Pháp tù đày và từng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Ba Tơ. Mẹ bà Nhung từng tham gia kháng chiến chống Mỹ và chịu cảnh tù đày. Miền Bắc là nơi bà Nhung và ông kiểm gặp nhau, nên vợ nên chồng trước khi chiến tranh kết thúc.

Năm 1975, ông Kiểm hoạt động trong ban giao thông công chính Trung ương Cục miền Nam, được phân công tiếp quản ngành giao thông, với vị trí Phó ban kiến thiết cầu đường bộ miền Nam ngày sau giải phóng.

Những trầm lắng trong sự nghiệp kinh doanh có lẽ là một phần lý do khiến ông Kiểm và bà Nhung tập trung nhiều vào công việc từ thiện và xã hội. Tổng số tiền từ thiện mà gia đình ông Kiểm đóng góp bằng nhiều hình thức đã lên đến 400 tỷ đồng.

Doanh nhân tặng 25 tỷ đồng mua sữa học đường cho trẻ nghèo là ai? ảnh 2

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại lễ phát động chương trình Sữa học đường

Một điều ít ai biết, ông Kiểm chính là anh trai cùng mẹ khác bố của PGS.TS Bác sĩ Hoàng Quốc Hoà – chồng của đương kim bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến,  người đóng vai trò then chốt trong chương trình Sữa học đường quốc gia.

Bà Thái Hương – Chủ tịch Tập đoàn TH (người đề xuất, khởi động chương trình Sữa học đường quy mô quốc gia – Vì tầm vóc Việt) cho hay, việc gia đình doanh nhân Lê Văn Kiểm, Trần Cẩm Nhung tài trợ không có trong kịch bản ban đầu của chương trình. Trong quá trình chương trình được truyền hình trực tiếp, ông Kiểm xem và gọi điện thông báo sẽ tài trợ. “Đó là một sự hảo tâm rất đáng trân trọng với thế hệ tương lai khiến ai cũng cảm kích” – bà Thái Hương nói.

Ít ai biết, ông Kiểm chính là anh trai cùng mẹ khác bố của PGS.TS Bác sĩ Hoàng Quốc Hoà – chồng của đương kim bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, người đóng vai trò then chốt trong chương trình Sữa học đường quốc gia..

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.