Đối mặt với những “người khổng lồ”

Đối mặt với những “người khổng lồ”
TP - Hôm qua (25/5), tại TP.Hồ Chí Minh, các nhà phân phối lẻ hàng đầu Việt Nam đã “ngồi lại” cùng nhìn nhận về thực lực cũng như những thách thức của các nhà đầu tư trong nước trước áp lực mở cửa thị trường bán lẻ khi gia nhập WTO.

Thị trường bán lẻ tại Việt Nam:

Đối mặt với những “người khổng lồ”

Bà Vũ Kim Hạnh – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại & Đầu tư TP.Hồ Chí Minh- dẫn lời TGĐ Cty Phú Thái để cảnh báo về nguy cơ của các nhà bán lẻ trong nước khi  những các nhà phân phối chuyên nghiệp hàng đầu thế giới như Wall Mart, Carre Four, Tesco Lotus… đổ bộ vào thị trường Việt Nam.

Những “người khổng lồ” này có ưu thế vượt trội cả về tiềm lực tài chính lẫn tính chuyên nghiệp và năng lực quản lý…

Kinh nghiệm trước đó cho thấy, mặc dù chỉ ở mức trung bình nhưng các nhà phân phối như Metro, Big C… khi bước vào thị trường Việt Nam đã khiến các nhà phân phối trong nước điêu đứng.

TGĐ hãng Cà Phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ lo lắng: Bài toán của họ là tiêu thụ hàng Trung Quốc và Thái Lan chứ không phải hàng Việt Nam. Vì vậy, không những mạng lưới phân phối của ta “chết” mà sản xuất trong nước cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Dự án chuỗi cửa hàng G7 Mart do Cty TM&DV G7 đầu tư với tổng vốn khoảng 300 triệu USD sẽ chính thức đi vào hoạt động trong vài tháng tới.

Ông Đặng Thanh Hùng- Trưởng phòng Quan hệ đối ngoại G7 cho biết, đây sẽ là một trong các giải pháp cần thiết nhằm chủ động đối phó với viễn cảnh cạnh tranh khốc liệt đã được báo trước.

Thông qua những biện pháp cụ thể như đầu tư tài chính, huấn luyện kỹ năng và cung cấp các giải pháp bán hàng chuyên nghiệp; áp dụng các phần mềm, giải pháp IT  trong quản lý hàng hóa... G7 sẽ giúp tăng thêm sức mạnh cũng như hiện đại hóa dần dần một phần hệ thống bán lẻ truyền thống.

Tính đến nay, mô hình phân phối hiện đại - hệ thống siêu thị đã xuất hiện tại Việt Nam hơn 10 năm và chiếm khoảng 10% tổng phân phối cả nước.

“Tuy phát triển khá nhanh, nhưng so với các nước vẫn chưa đáng kể”- ông Nguyễn Ngọc Hòa - TGĐ hệ thống siêu thị Coop Mart, nhà phân phối lẻ số 1 Việt Nam thừa nhận. 

Nhận diện về hệ thống bán lẻ Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Trung Thắng - Giám đốc Masso Group cho rằng:

“Các hệ thống siêu thị của chúng ta mới chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm cơ bản mà chưa thỏa mãn nhu cầu shoping-hưởng thụ ngoài mua sắm thông thường của người tiêu dùng. Trong khi các nhà phân phối chuyên nghiệp ý thức rất rõ điều này và họ sẽ ngay lập tức chiếm lấy cơ hội khi vào Việt Nam”.

Một đặc điểm dễ nhận thấy nhất ở các nhà phân phối trong nước hiện nay là thiếu tính chuyên nghiệp, quản lý kém hiệu quả.

Ông Hòa bộc bạch: “Từ khá lâu tôi đã đi các nước học hỏi cách quản lý hiện đại và hiệu quả của họ, nhưng khi về nước thì lực bất tòng tâm vì không đủ khả năng tài chính để áp dụng theo cách của họ”.

Thêm vào đó, vấn đề nhân lực và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực phân phối ở ta còn quá yếu.

Phải liên kết, nhưng...

“Không phải họ mạnh mà chúng ta không làm gì được, vấn đề là các doanh nghiệp Việt Nam phải liên kết lại. Nếu cứ mạnh ai nấy lo thì sẽ không đủ sức để “đấu” lại họ…”- ông Đào Ngọc Tâm- đại diện hệ thống siêu thị SATRA nói.

Tất cả các nhà phân phối cũng đều ý thức rõ là cần phải liên kết và thời gian gần đây một số đơn vị cũng đã có những động thái tích cực về vấn đề này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay mức độ, quy mô liên kết vẫn chưa đáng kể.

Trong khi đó, giữa các bộ ngành, địa phương vẫn còn có sự “chệch choạc” trong kỹ thuật thực hiện chính sách. Theo ông Võ Văn Quyền- Vụ phó Vụ Chính sách Thị trường trong nước (Bộ Thương mại), bên cạnh sự nhất quán về chính sách, cần phải có sự nhất quán trong hành động từ trung ương đến địa phương.

MỚI - NÓNG