Đối thoại với doanh nghiệp FDI về bảo hiểm

Đa số DN FDI thực hiện tốt chế độ BHXH, BHYT, BHTN, nhưng một bộ phận DN vẫn chây ỳ, nợ đọng với tổng số nợ là 2.098 tỷ đồng.
Đa số DN FDI thực hiện tốt chế độ BHXH, BHYT, BHTN, nhưng một bộ phận DN vẫn chây ỳ, nợ đọng với tổng số nợ là 2.098 tỷ đồng.
TP - Ngày 16/12, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, lần đầu tiên, lãnh đạo BHXH Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức đối thoại với hàng trăm doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) về những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chế độ chính sách về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Quyền lợi người lao động bị xâm hại

Chia sẻ tại buổi đối thoại, bà Nguyễn Thị Minh Khương, đại diện Cty CEDO (đóng tại huyện Tiên Du, Bắc Ninh) cho biết, đây là công ty 100% vốn của Anh. Hiện có 870 lao động. Giai đoạn đầu mới thành lập, công ty gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện BHXH, BHYT, BHTN đối với người lao động (NLĐ) do nhân lực yếu. Do đó, công ty đã không khai báo kịp thời, đầy đủ về chế độ bảo hiểm của NLĐ đối với cơ quan BHXH. “Trên bảng lương, chúng tôi có trích tiền của NLĐ, nhưng chưa kịp khai báo với cơ quan BHXH. Theo thống kê, có 1,29 tỷ đồng tiền bảo hiểm đã trích từ lương của NLĐ nhưng công ty vẫn chưa làm thủ tục để đóng cho NLĐ. Thậm chí, lao động nghỉ việc, công ty cũng không làm thủ tục báo với cơ quan BHXH”, bà Khương nói.

Theo bà Khương, hậu quả của việc làm trên là rất nghiêm trọng, vì đã khiến cho lao động nghỉ thai sản không có chế độ; lao động nghỉ việc không có sổ BHXH để thanh toán BHTN. Từ đó, NLĐ mất niềm tin vào DN. Trong năm 2012, đã xảy ra hai vụ NLĐ đình công, đòi quyền lợi về bảo hiểm và tiền lương. Giai đoạn từ tháng 7/2012-4/2013, công ty đã huy động toàn bộ nhân lực để rà soát lại số lao động đang bị chiếm dụng tiền bảo hiểm với tổng số hơn 400 người. “Chúng tôi đã lập hồ sơ khai báo truy thu quá trình đóng bảo hiểm cho NLĐ trong năm 2011 và tổng số tiền truy thu là 1,29 tỷ đồng, cộng với hơn 300 triệu tiền lãi nộp cho cơ quan BHXH vào tháng 4/2013”, bà Khương cho biết.

Cũng theo bà Khương, sau khi giải quyết ổn thỏa, trong khoảng thời gian từ tháng 5/2013 đến nay, các chế độ về BHXH tại Công ty CEDO đã đi vào quỹ đạo. Công ty thường xuyên thực hiện khớp với việc khai báo tăng giảm lao động, tham gia bảo hiểm hằng tháng, cũng như chi trả thai sản đúng thời gian, đúng chế độ; Thực hiện chốt sổ và trả sổ BHXH đúng quy định. “Công ty còn hỗ trợ NLĐ thực hiện các thủ tục liên quan đến BHTN và đang đảm bảo việc làm cho 870 lao động”.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam) cho biết, nhìn chung DN FDI chấp hành tốt các quy định của pháp luật và của BHXH Việt Nam về lập thủ tục hồ sơ hưởng BHXH. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận DN FDI chiếm dụng tiền bảo hiểm của NLĐ đầu tư vào việc khác. Tính đến hết tháng 12/2016, tổng số nợ phải thu của khối doanh nghiệp FDI là 2.098 tỷ đồng.

Bác đề nghị bỏ BHXH loại hợp đồng 1-3 tháng

Bà Bùi Thị Thanh Huyền, đại diện cho Cty Canon Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) cho biết, quy định thu BHXH đối với những NLĐ có thời hạn hợp đồng 1-3 tháng nên bỏ. Vì NLĐ làm việc trong các DN FDI không ổn định, thường xuyên bỏ việc. Thậm chí, có lao động làm việc vài ngày đã nghỉ. “Việc áp dụng quy định này sẽ gây khó khăn cho DN”, bà Huyền nói.

Theo bà Huyền, chế độ ốm đau thai sản, hiện Canon cũng đang gặp khó khăn, do thời gian xử lý của BHXH quá chậm. “Chúng tôi kiến nghị BHXH cần nâng cao hơn nữa, cần tăng cường áp dụng IT để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ”.

Bà Huyền cũng cho biết, về chế độ hưởng ốm đau, thai sản, hiện quy định giấy ra viện (của NLĐ và con của NLĐ điều trị nội trú hoặc ngoại trú) phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Khó khăn DN gặp phải là nhiều cơ sở y tế chưa cấp giấy chứng nhận nghỉ việc, hưởng BHXH cho con của NLĐ bị ốm điều trị ngoại trú mà chỉ ghi vào sổ y bạ như quy định cũ. “Chúng tôi kiến nghị BHXH có hướng dẫn, nhất quán với cơ sở y tế về sự thay đổi này để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ”, bà Huyền kiến nghị.

Sau khi nghe lãnh đạo BHXH Việt Nam giải thích và trả lời các câu hỏi của bà Huyền, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định: Việc nghe đi nghe lại các vướng mắc là không bao giờ thừa. Nhiều văn bản của chúng ta biến cái đơn giản thành phức tạp. Ta nói cho oai, rất bài bản, nhưng NLĐ không hiểu, không thực hiện được.

Về kiến nghị của bà Huyền liên quan đến thu BHXH của NLĐ có hợp đồng lao động từ 1-3 tháng, ông Lợi thẳng thắn: “Đại diện Canon kiến nghị bỏ đi. Xin thưa DN thông cảm là không thể bỏ được. Vì sao không bỏ được? Vì hiện nay, chúng ta bắt buộc sang BHXH tự nguyện. Nông dân cũng có quyền tham gia BHXH”. Để đại diện Canon thỏa mãn, ông Lợi giải thích: Hiện, Nhà nước hỗ trợ 30% tiền đóng BHXH cho người nghèo, 20% cho người cận nghèo, 10% cho những đối tượng khác… Do đó, mong Canon ủng hộ chúng tôi ở quy định này. Vì đây là chính sách an sinh xã hội.

Ông Lợi cũng yêu cầu BHXH Việt Nam phải tính toán làm sao để thu được tiền BHXH đối với NLĐ có hợp đồng lao động từ 1 đến 3 tháng. “Nếu thu được, chúng ta sẽ có thêm 7,5 triệu người tham gia BHXH”, ông Lợi nói.

Về thắc mắc của các doanh nghiệp FDI liên quan đến tiền lương làm căn cứ đóng BHXH quá cao, ông Bùi Sỹ Lợi thẳng thắn: “Tôi đã giải thích rồi. Đến giờ phút này đã tính đúng, tính đủ. Giả sử không tính đúng, tính đủ, cũng không tăng lên bao nhiêu. Các bạn cứ hỏi tôi là tại sao ở Việt Nam tỷ lệ đóng BHXH trên mức lương cơ bản cao thế? Xin thưa, tỷ lệ tương đối thì rất cao, nhưng số tuyệt đối lại rất bé”.

BHXH Việt Nam cho biết, tính đến 30/9/2016, có 15.679 DN FDI tham gia BHXH, BHYT, BHTN, tăng 776 DN so với năm 2015, chiếm 7,6% tổng số DN tham gia. Tổng số lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN khối DN FDI là hơn 3,6 triệu lao động, tăng hơn 153 nghìn người so với năm 2015. Dự kiến, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đến 31/12/2016 sẽ hơn 3,7 triệu người, tăng hơn 253 nghìn người. Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN khối DN FDI là 51.770 tỷ đồng, chiếm 49,4% tổng số thu của DN. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.