Đôn đáo chạy chỉ tiêu huy động vốn

Đôn đáo chạy chỉ tiêu huy động vốn
TP - Thị trường tiền gửi từ các tổ chức dân cư đang rơi vào trầm lắng. Lo nguồn vốn cuối năm hay vẫn còn “căng” thanh khoản tạm thời, một số ngân hàng đã “quyết liệt” trong việc áp chỉ tiêu huy động vốn cho nhân viên.

> Đua bán cổ phiếu, gom tiền tươi

Áp lực chỉ tiêu ...

Mới đây, Ngân hàng Thương mại (NHTM) Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) ra văn bản giao chỉ tiêu huy động vốn trong hệ thống. Theo đó, ở các vị trí “đầu tàu” như: tổng giám đốc, phó tổng giám đốc... nếu huy động đạt trên 700 triệu đồng/ tháng là hoàn thành xuất sắc, từ 500-700 triệu đồng/tháng là hoàn thành, dưới 500 triệu đồng là không hoàn thành.

Đối với các giám đốc, phó giám đốc sở giao dịch, chi nhánh loại I và II... con số này lần lượt là trên 600 triệu đồng, từ 400-600 triệu đồng và dưới 400 triệu đồng.

Cán bộ viên chức khác tại khu vực Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ từ 200 đến trên 400 triệu đồng; các địa phương khác mức thấp nhất cũng phải huy động được 150-300 triệu đồng/tháng.

Người nhà của nhân viên công tác tại phòng giao dịch của ngân hàng mới bị sáp nhập Habubank cho hay cả tháng nay cô cháu gái bà đang mất ăn, mất ngủ với lý do bị khoán chỉ tiêu huy động với con số “khủng” vài tỷ đồng trong vòng một quý.

“Để cháu mình không bị nghỉ việc các chú, bác trong nhà đã thống nhất chuyển sổ tiết kiệm từ các ngân hàng khác về. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Tôi cũng bảo với cháu rằng làm ngân hàng khó và khổ thế này, tìm việc gì khác đỡ hơn đi”- Bà than.

Một sinh viên mới tốt nghiệp từng “thử việc” tại một ngân hàng cổ phần trong nhóm G 14 + 1 kể trong thời gian thực tập, cô cũng được thông báo chỉ tiêu huy động cần thiết, nếu “cán đích” hoàn thành sẽ giữ lại làm việc.

“Để làm được việc này không ít bạn cùng vào với bọn em đã phải mở cuộc đua vận động. Nhưng do chưa có quan hệ với lại đa phần sinh viên mới tốt nghiệp gia đình cũng không giàu có, nên nhiều bạn dù vượt qua vòng phỏng vấn cũng phải ngậm ngùi bỏ cuộc”- Bạn này chia sẻ.

Đem chỉ tiêu của ngân hàng nêu trên hỏi lãnh đạo cấp phòng giao dịch một NHTM cổ phần có chi nhánh tại TPHCM, chị cho biết con số vài trăm triệu đồng /tháng khoán cho mỗi cán bộ nhân viên trên còn là thấp.

“Tại ngân hàng tôi, chỉ tiêu của mỗi cán bộ cấp phòng còn lên tới tiền tỷ. Bởi đây cũng là một trong những tiêu chí để xét thưởng tính điểm trả lương nhân viên theo tháng, quý và năm”- Chị nói.

Đằng sau là gì?

Tiền gửi dân cư sụt giảm, ngân hàng bắt đầu lo
Tiền gửi dân cư sụt giảm, ngân hàng bắt đầu lo.
 

Hỏi về nguyên nhân “áp” chỉ tiêu lúc này, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần trong nhóm tăng trưởng tín dụng chỉ tiêu 15% bật mí: “Thị trường huy động vốn dân cư tại TPHCM đang cực kỳ trầm lắng. Việc áp chỉ tiêu huy động với nhân viên lúc này vừa là chuyện bình thường trong ngành nhưng đồng thời là liệu pháp lo xa. “Ngân hàng tôi không thiếu tiền nhưng cũng phải áp dụng liệu pháp này để giữ không mất khách cũng như chuẩn bị nguồn cho thị trường vốn cuối năm. Hình thức này còn có tên gọi là KPI (Key Performance Indicator) là một dạng chỉ tiêu hoàn thành công việc để căn cứ vào đó xét năng lực kinh doanh, đánh giá mức khen thưởng, xử phạt hàng năm cho cán bộ nhân viên ngân hàng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngân hàng phải đứng trước sự sàng lọc, chúng tôi thấy điều này cần thiết”- Ông nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ nhiệm bộ môn Tài chính Ngân hàng của Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà (TP HCM) nhận xét: Việc “áp” chỉ tiêu huy động vốn đối với nhân viên ngân hàng là bình thường.

Đây là phương pháp lập kế hoạch hiện đại đang được các tổ chức tín dụng nước ngoài thực hiện nhằm tăng cường năng lực và tính năng động của nhân viên.

“Mỗi ngân hàng sẽ có cách phân bổ khác nhau tùy vào nguồn vốn mà họ cần. Áp lực với nhân viên là điều không tránh khỏi, nhưng rõ ràng hiệu quả của ngân hàng sẽ tăng lên" - TS Bình khẳng định.

Nhận định chung của khối chuyên gia tài chính, ngân hàng, dấu hiệu quyết liệt áp chỉ tiêu huy động vốn trong bối cảnh hiện nay cho thấy không ít ngân hàng hoặc vẫn “căng” về thanh khoản, hoặc có thể tiềm ẩn nhiều nợ xấu.

Bởi thực tế thời gian qua, NHNN phải bơm vốn vào nhiều ngân hàng yếu kém để hỗ trợ thanh khoản. Do vậy, khi NHNN rút vốn thì buộc các ngân hàng phải tăng huy động để bù đắp.

Một lãnh đạo NHNN chi nhánh thành phố chia sẻ trước áp lực lãi suất hạ nhanh, bản thân các ngân hàng đang phải lo đối mặt với sự sụt giảm nguồn tiền gửi từ thị trường dân cư. Như thế, khó tránh khỏi ngân hàng sẽ chạy đua ngầm huy động vốn.

Nhận xét về việc áp chỉ tiêu huy động này, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng từng có kinh nghiệm làm việc tại Mỹ cho rằng đây cũng là việc làm bình thường. Nhưng khác biệt ở chỗ nếu ở Mỹ, việc khoán thường dừng lại ở cấp nhân viên có quan hệ với khách hàng thì tại Việt Nam, hoạt động “khoán" này ở nhiều nhà băng, những cấp lãnh đạo cốt cán cũng phải tham gia.

Khuyến nghị cân bằng tiền gửi nội tệ và ngoại tệ

"…Trong bối cảnh chưa có giải pháp rõ ràng cho vấn đề nợ xấu thì khả năng khơi thông tín dụng những tháng tới rất khó khăn. Tổng cầu nền kinh tế có dấu hiệu chạm đáy và bắt đầu tăng nhẹ trở lại, tín dụng sẽ tăng vào những tháng cuối năm nhưng khó có thể vượt mức 8% trong năm nay. Để duy trì trạng thái cân bằng giữa tiền gửi nội tệ và ngoại tệ, tránh xẩy ra tình trạng các NHTM ồ ạt chuyển đổi danh mục tài sản nội tệ và ngoại tệ gây khó khăn đột biến cho thanh khoản, chính sách tiền tệ cần được điều hành nhất quán, cân nhắc thận trọng trong việc hạ lãi suất điều hành khi dư địa giảm lãi suất đang được thu hẹp, thực hiện nguyên tắc hạn chế hạ lãi suất quá nhanh gây khó khăn cho NHTM, đồng thời có thể tránh gây biến động tỷ giá và gây dựng thêm niềm tin chính sách đang ngày được nâng cao...".

Nguồn: UBGSTCQG (trích báo cáo tình hình kinh tế Việt Nam
7 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2012)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG